Nông sản mất giá sau tết

TRIÊU NHAN - HẢI ĐĂNG 26/02/2018 13:49

Từ sau tết đến nay, nhiều vùng của Đại Lộc như Bàu Tròn (Đại An), Ấp Bắc (Đại Minh)… và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, nông sản liên tục rớt giá so với thời điểm trước tết.

Phá bỏ mấy sào đậu tây đang cho thu hoạch vì mất giá. Ảnh: TRIÊU NHAN
Phá bỏ mấy sào đậu tây đang cho thu hoạch vì mất giá. Ảnh: TRIÊU NHAN

Rớt giá, bí đầu ra

Nếu trước tết, trên cánh đồng Bàu Tròn, thu hoạch lứa nông sản đầu vụ, tuy giá cả không cao nhưng nhờ được mùa nên nhiều nông dân cũng phấn khởi. Song, kể từ mùng 3 Tết đến nay, các loại dưa leo, khổ qua, đậu tây, mướp, các loại rau cải, xà lách, hành ngò… rớt giá mạnh, chỉ còn 1.000 - 2.000 đồng/kg bán tại ruộng. Phần giá cả bị giảm sâu, phần bị tiểu thương ép giá khiến nông dân gặp khó. Có mặt tại vùng rau Bàu Tròn (Đại An), chúng tôi không khỏi xót xa khi tận mắt chứng kiến nông dân phải tự tay phá bỏ thành quả của mình sau thời gian nhọc nhằn vì lũ lụt. Khi được hỏi về nguyên nhân phá bỏ mấy sào đậu tây, dưa leo đang trong giai đoạn cho thu hoạch, một lão nông Bàu Tròn bày tỏ, dưa leo bán tại đám chỉ 1.000 đồng/kg, đậu tây 2.000 đồng/kg, nếu phải thuê người hái thì bán ra không đủ tiền trả công lao động. Mà cả tuần rồi cũng chẳng thấy ai tới hỏi mua nên dưa và đậu cứ ngày càng già. Dù rất tiếc nhưng ông cũng đành phá bỏ để dọn dẹp, cải tạo đất chuẩn bị vụ gieo trồng mới. Nhưng khi được hỏi về đối tượng cây trồng tiếp theo trên vùng đất chuyên canh, lão nông này cũng lắc đầu “chưa biết nữa”. Cạnh đó, vợ chồng ông Nguyễn Hai ngán ngẩm: “Trước tết, khổ qua có giá 25.000 - 30.000 đồng/kg, dưa leo 4.000 - 5.000 đồng/kg; đậu cô ve 7.000 - 8.000 đồng/kg, gia đình tôi mới bán được một lứa trái nách chưa đáng là bao, nay chỉ còn 1.000 - 2.000 nghìn đồng/kg. Sáng giờ cả vợ chồng chỉ hái được vài bao khổ qua và dưa leo mà còn bị tiểu thương chê là dưa quá to, không chịu lấy”. Cũng như bao hộ trồng la ghim ở vùng chuyên canh, bà Ngô Thị Chi trông chờ tất cả vào lứa rau củ quả tết nhưng năm nay, bà chỉ thu hoạch được 1/3 sản lượng thì gặp đợt mất giá nặng. “Có người phá bỏ hoặc hái đóng bao đem về cho bò ăn. Có người đã thu hái xong điện mãi tiểu thương không tới lấy, chỉ biết đổ bỏ ngay tại ruộng” - bà Chi nói. Hay như ông Nguyễn Trai, một nông dân Ấp Bắc nhẩm tính, mỗi sào la ghim, chi phí tiền thuê đất, phân giống, vật tư, nhân công lên khoảng 5 triệu đồng. “Bao nhiêu vốn liếng, công sức tập trung đổ vào đây rồi nhưng giá cả và đầu ra thế này thì lỗ vốn” - ông Trai nói.

Tình hình tiêu thụ nông sản tại các chợ cũng chẳng mấy khả quan. Các mặt hàng khổ qua, dưa leo, đậu tây, rau xà lách, ngò, cải xanh… bán tại chợ cũng hết sức ế ẩm. Nhiều tiểu thương tranh thủ xả hàng với giá 2.000 - 3.000 đồng/kg cho mỗi kg dưa, đậu tây, cải xà lách... “Năm trước nông sản trước, trong cũng như sau tết giá rất cao nhưng lại không có để bán. Năm nay nguồn cung dồi dào lại chẳng có giá, sức mua sau tết cũng rất kém” - một tiểu thương chợ ngã tư Ái Nghĩa chia sẻ.

Chuyện chưa hồi kết

Theo một số hộ nông dân lẫn tiểu thương thì nguyên nhân giá rau giảm mạnh sau tết là nguồn cung dồi dào, hầu hết nhà nào cũng trồng rau sạch để đáp ứng nhu cầu dịp này. Việc xuống giống và thu hoạch đồng loạt chứ không trồng xen kẽ như mọi năm để phục vụ nhu cầu dịp tết nên nguồn cung dồi dào khiến giá rau giảm mạnh. Tại vùng rau Bàu Tròn và nhiều nơi ở xứ Quảng, dù đã được xây dựng thương hiệu nhưng khâu phát triển, quảng bá sản phẩm còn yếu kém, việc tuân thủ quy trình sản xuất sạch chưa đảm bảo, khâu tổ chức sản xuất còn thiếu khoa học và chưa có sự phối hợp giữa các nhà là thực tế. Tới nay, rau củ quả Bàu Tròn và nhiều vùng trên xứ Quảng chưa vào được siêu thị cũng chưa thể tạo ra các chuỗi cung ứng sạch. Đó là nguyên nhân của mọi bế tắc và rủi ro mà nông dân phải gánh chịu.

Chuyện rớt giá nông sản, hoa tết trong đợt Tết Mậu Tuất 2018 này vốn xảy ra không chỉ ở Đại Lộc mà còn nhiều nơi trên địa bàn Quảng Nam và một số tỉnh thành, cụ thể như Quảng Ngãi. Cách đây không lâu, mạng xã hội lan truyền chiến dịch giải cứu hoa ly cho nông dân với giá 75.000 - 100.000 đồng/bó 10 cành. chuyện nông dân lẫn thương lái ở Quảng Nam, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh phải bán tháo bán đổ hay vứt bỏ hoa tết để lấy chậu trong đêm giao thừa, hay chuyện người trồng mai ở Bình Định, Phú Yên phải đập bỏ chậu để lấy lại gốc mai về quê tiếp tục chăm trồng bán tết sau… Còn nhớ, dịp Tết năm 2017, người chăn nuôi cũng một phen lao đao, nhiều hộ nuôi heo ở Quảng Nam và các tỉnh thành rơi vào cảnh phá sản khi giá heo giảm sâu, có thời điểm chỉ còn 20.000 - 25.000 đồng/kg hơi. Dù tết nay, giá thịt heo bắt đầu có nhích lên so với trước song chẳng đáng kể, người chăn nuôi cũng chẳng lời lãi là bao. Chưa kể, nguồn cung thì nhiều nhưng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường dịp tết lại chẳng đáng kể.

Câu chuyện lao đao giá cả, đầu ra không biết bao giờ mới chấm dứt, nhất là khi Việt Nam đang hội nhập, nông sản Việt phải cạnh tranh sòng phẳng với nông sản ngoại nhập. Rõ ràng tâm lý phát triển sản xuất ồ ạt mà chưa tính tới đầu ra, cả nông dân và doanh nghiệp hay hợp tác xã nông nghiệp chưa thể kết nối thành chuỗi cung ứng. Khâu quảng bá, tiếp thị sản phẩm nông sản còn kém, chủ yếu lệ thuộc tất cả vào thương lái là những hệ lụy, bài học đau lòng…

TRIÊU NHAN - HẢI ĐĂNG

TRIÊU NHAN - HẢI ĐĂNG