Phát triển chuỗi sản phẩm nông nghiệp sạch

NGUYỄN SỰ 17/02/2018 19:02

Quảng Nam đã xây dựng được nhiều chuỗi sản phẩm nông nghiệp sạch, mở ra hướng sản xuất nông sản an toàn, phát triển bền vững...

Làng rau quả Hưng Mỹ được sản xuất theo chuỗi sản phẩm sạch. Ảnh: VĂN SỰ
Làng rau quả Hưng Mỹ được sản xuất theo chuỗi sản phẩm sạch. Ảnh: VĂN SỰ

Rau

Tháng Chạp, nắng vàng trải khắp ngôi làng Hưng Mỹ (Bình Triều, Thăng Bình). Trên những ruộng rau quả xanh mơn mởn, nhà nông hối hả thu hái các sản phẩm sạch để cung ứng cho thị trường. Ông Nguyễn Định - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật cho biết, tháng 6.2017 đến nay đơn vị tập trung hỗ trợ nhiều khâu cho HTX Nông nghiệp sạch Mỹ Hưng xây dựng chuỗi sản phẩm rau quả an toàn trên 100 sào đất với hơn 20 hộ dân tham gia. Ông Định nói: “Số diện tích thực hiện chuỗi sản phẩm an toàn này sản xuất đa chủng loại rau quả, trong đó chủ lực là cải ngọt, xà lách, cải bẹ, tần ô, khổ qua, bầu bí... Phân bón cho cây trồng cơ cấu 80% phân hữu cơ, 20% phân hóa học và thuốc bảo vệ thực vật là chế phẩm sinh học, thảo mộc. Thời gian qua, chúng tôi đã lấy ngẫu nhiên 13 mẫu rau quả gửi đi kiểm định và kết quả cho thấy tất cả đều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”. Ông Hồ Sơn Ca - Giám đốc HTX Nông nghiệp sạch Mỹ Hưng cho hay, mô hình sản xuất rau quả an toàn theo chuỗi sản phẩm của đơn vị đã đạt được những kết quả khả quan. Ông Ca chia sẻ: “Bình quân mỗi ngày, nông dân địa phương thu hoạch, sơ chế, cung ứng cho 4 cửa hàng ở Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ và một số chợ, nhà hàng, quán ăn… khoảng 450 - 600kg rau quả các loại. Sắp tới, chúng tôi sẽ mở rộng diện tích sản xuất theo chuỗi lên 200 sào đất”.

Thịt heo

Giữa năm 2016, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản phối hợp với chính quyền huyện Thăng Bình triển khai mô hình chuỗi sản phẩm thịt heo đảm bảo an toàn thực phẩm. Ngoài việc tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi - thú y, các đơn vị liên quan đã hỗ trợ một phần kinh phí cho 17 hộ dân ở 3 xã Bình Định Nam, Bình Phú, Bình Chánh nâng cấp chuồng trại để tham gia chuỗi sản xuất. Đồng thời chọn Công ty TNHH Sản xuất - chế biến thực phẩm Quảng Nam làm đầu mối thu mua, giết mổ, cung cấp sản phẩm thịt heo sạch tại chợ Hà Lam. Theo thống kê, từ cuối tháng 8.2016 đến giữa tháng 12.2017 những hộ dân tham gia chuỗi đã bán ra thị trường 2.200 con heo thịt, trong đó cung cấp cho Công ty TNHH Sản xuất - chế biến thực phẩm Quảng Nam 480 con để giết mổ bán sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tham quan cửa hàng cung cấp thịt heo sạch của HTX Duy Đại Sơn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tham quan cửa hàng cung cấp thịt heo sạch của HTX Duy Đại Sơn.

Tháng 6.2017, HTX Duy Đại Sơn đóng tại Duy Xuyên tiếp tục được tỉnh chọn làm đầu mối sản xuất, giết mổ, cung cấp sản phẩm thịt heo sạch. Ông Nguyễn Văn Thành – Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản cho biết, mô hình chăn nuôi heo thịt của HTX này thực hiện theo quy trình khép kín, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Từ khâu đầu vào con giống, thức ăn đến việc giết mổ, vận chuyển sản phẩm về cửa hàng đều được kiểm soát chặt chẽ, chất lượng đảm bảo theo chuỗi thực phẩm an toàn. Ngoài việc mở 6 cửa hàng, thời gian qua đơn vị đã tiến hành ký kết hợp đồng cung cấp sản phẩm với rất nhiều nhà hàng, khách sạn và bếp ăn tập thể của các công ty, trường học trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng với số lượng tiêu thụ mỗi ngày 17 - 20 con heo thịt.

Trứng và thịt gà

Chi cục Chăn nuôi & thú y cũng triển khai chuỗi sản phẩm an toàn tại cơ sở chăn nuôi gà đẻ trứng Văn Học (Tam An, Phú Ninh) và 8 hộ dân thuộc tổ hợp tác chăn nuôi gà thịt thương phẩm Mười Tín (Tam Thăng, Tam Kỳ). Ông Nguyễn Văn Học – chủ cơ sở sản xuất trứng gà sạch mang thương hiệu Văn Học chia sẻ: “Hiện nay, trang trại của tôi nuôi 8 nghìn con gà mái trong các dãy chuồng lạnh với hệ thống vận hành khép kín, năng lực đẻ trứng thường xuyên đạt hơn 90%. Phần lớn sản phẩm được cung cấp cho bếp ăn của Công ty CP Ô tô Trường Hải, một số trường học, siêu thị Co.opMart Tam Kỳ và nhiều chợ trên địa bàn tỉnh. Sắp tới, nếu được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ bằng những cơ chế, chính sách thông thoáng, tôi sẽ đầu tư xây dựng một cơ sở nuôi gà đẻ trứng hiện đại với quy mô 100 nghìn con tại khu chăn nuôi tập trung ở xã Tam Vinh. Bởi, thời gian qua tôi có rất nhiều đầu mối tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn nhưng khả năng cung ứng quá hạn chế”. Trong khi đó, tổ hợp tác chăn nuôi gà thịt thương phẩm Mười Tín có quy mô thả nuôi mỗi lứa 20 nghìn con cũng có đầu ra rất thuận lợi nhờ sản phẩm đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng…

Nước mắm Cửa Khe được bày bán tại siêu thị Co.opMart Tam Kỳ.
Nước mắm Cửa Khe được bày bán tại siêu thị Co.opMart Tam Kỳ.

Nước mắm

Ông Trần Bốn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản cho biết, để tạo “cú hích” cho làng nghề truyền thống nước mắm Cửa Khe (Bình Dương, Thăng Bình), đầu năm 2017 đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương triển khai chuỗi sản phẩm này. Sau khi tiến hành khảo sát thực tế và lấy mẫu nước phân tích, các cơ quan có trách nhiệm chọn 12 chủ tàu đánh bắt cá, 2 cơ sở thu mua nguyên liệu, 10 cơ sở sản xuất nước mắm và 5 cửa hàng tiêu thụ sản phẩm tại Đà Nẵng, Tam Kỳ, Thăng Bình tham gia chuỗi. Bên cạnh việc hỗ trợ 111 triệu đồng cho các cơ sở sản xuất có điều kiện nâng cấp hạ tầng thiết yếu, ngành chuyên môn cũng tổ chức 2 lớp tập huấn về kiến thức an toàn thực phẩm cho những thành viên tham gia.

Khi có sản phẩm nước mắm theo chuỗi, Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản lấy 10 mẫu gửi đi kiểm tra và kết quả là tất cả đều đạt yêu cầu. Từ đó, đơn vị tiếp tục giúp các hộ sản xuất nước mắm công bố sản phẩm phù hợp theo tiêu chuẩn tại Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm vào tháng 11.2017. Ông Bốn nói: “Từ tháng 2 đến 12.2017, bình quân mỗi ngày 10 hộ dân tham gia chuỗi sản phẩm ở làng nghề nước mắm truyền thống Cửa Khe sản xuất, đưa ra thị trường tiêu thụ khoảng 300 - 400 lít và được người tiêu dùng ưa chuộng. Năm 2018, chúng tôi sẽ kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục hỗ trợ nhân rộng mô hình này tại 2 làng nước mắm Tam Thanh và Duy Hải”.

NGUYỄN SỰ

NGUYỄN SỰ