Hoàn thiện chuỗi cung cấp rau sạch Hưng Mỹ
Chuỗi cung cấp rau sạch được Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Mỹ Hưng (HTX Mỹ Hưng) tổ chức sản xuất với sự trợ giúp của Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật ở thôn Hưng Mỹ (xã Bình Triều, Thăng Bình) cho thấy hiệu ứng tích cực, cần hoàn thiện để nhân rộng...
Rau sạch Hưng Mỹ đã bước đầu khẳng định vị trí trên thị trường. Ảnh: V.Q |
Hiệu quả bước đầu
Sản xuất rau sạch theo chuỗi đã được ngành nông nghiệp tỉnh phối hợp với huyện Thăng Bình, Đại Lộc, TP.Hội An triển khai từ năm 2017 theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Tuy chưa hoàn chỉnh nhưng mô hình được triển khai ở thôn Hưng Mỹ đã cho thấy nhiều thành quả nổi bật. Thực chất của mô hình này là khép kín các yếu tố sản xuất và ổn định đầu ra trên thị trường, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Muốn vậy, vai trò tổ chức của HTX Mỹ Hưng rất quan trọng. Trong năm qua, được sự giúp đỡ của Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật, HTX Mỹ Hưng đã hướng dẫn các xã viên sản xuất rau sạch đúng quy trình kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, khống chế dịch hại. Rau được thu hoạch sẽ được sơ chế, dán nhãn mác, chuyển đến nơi tiêu thụ theo các hợp đồng đã ký kết. Trong năm qua, ngành bảo vệ trồng trọt tỉnh đã lấy 20 mẫu rau gửi đi giám định và cho kết quả đều đạt, dư lượng kim loại nặng, thuốc bảo vệ thực vật, vi khuẩn gây hại đều dưới mức cho phép. “Từ nguồn kinh phí của tỉnh và Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật, chúng tôi xây dựng 4.500m2 nhà lưới để đảm bảo sản xuất rau trong các điều kiện rét lạnh của thời tiết, trồng được 11 loại rau sạch trên 3ha. Mỗi ngày sản xuất được 1.000kg, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Chuỗi cung cấp rau sạch Hưng Mỹ đã định hình” - ông Hồ Sơn Ca - Giám đốc HTX Mỹ Hưng cho biết.
Năm 2017, HTX Mỹ Hưng đã xây dựng được 2 điểm bán rau sạch ở 41 Trần Bình Trọng (TP.Đà Nẵng) và chợ Trung tâm thương mại Tam Kỳ. Ngoài ra, sản phẩm còn được cung cấp cho các trường mầm non Ánh Sao, Hoa Mặt Trời, Tuổi Thần Tiên, Hoa Phượng Đỏ (TP.Tam Kỳ). Trong số 1.000kg rau sạch được sản xuất mỗi ngày, có 200kg được cung ứng ra thị trường theo chuỗi, 800kg còn lại cung cấp cho thị trường truyền thống. “Tuy mới tổ chức trong thời gian ngắn nhưng mô hình rau sạch được triển khai ở thôn Hưng Mỹ đã cơ bản thực hiện được các mục tiêu theo kế hoạch đề ra. Sản xuất ổn định là nền tảng để triển khai hoàn chỉnh và nhân rộng ở các địa bàn khác của tỉnh trong thời gian đến” - ông Nguyễn Định - Phó chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật nói.
Cú hích mới
Đạt được thành quả ban đầu nhưng chuỗi cung cấp rau sạch Hưng Mỹ còn phải vượt qua nhiều khó khăn. Trở ngại là người tiêu dùng còn phân vân lựa chọn giữa rau sạch được kiểm định và rau đại trà trên thị trường. Giá thành của rau sạch cao hơn mặt bằng chung của thị trường do chi phí từ việc sơ chế, đóng gói, thuê mặt bằng, quảng bá sản phẩm. Nguồn lực còn chưa khơi thông nên HTX Mỹ Hưng chưa trang bị được thiết bị bảo quản, đóng gói, chưa thể đăng ký mã vạch để truy xuất nguồn gốc. Ông Hồ Sơn Ca đề xuất Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh có cơ chế hỗ trợ kinh phí trong vòng 3 - 5 năm để duy trì chuỗi trước khi HTX Mỹ Hưng có đủ nguồn lực tự thân vận động. Các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý rau không đảm bảo an toàn thực phẩm trên thị trường để rau sạch Hưng Mỹ được cạnh tranh lành mạnh. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ khẩn trương xây dựng thương hiệu, lập hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm rau sạch theo chuỗi. Bộ nhãn mác cho sản phẩm rau sạch cũng sẽ được hoàn thiện. Cùng với đó là mở rộng sản xuất lên 10ha trong năm 2018 và liên kết sản xuất để tăng thêm chủng loại rau sạch” - ông Ca nói.
Ông Nguyễn Định phân tích, rau sạch trên địa bàn tỉnh không đảm bảo đầu ra nhưng khi các trường học, cơ quan, doanh nghiệp trao đổi để ký hợp đồng cung ứng sản phẩm, các hợp tác xã lại không dám. Cái khó nằm ở chỗ, chỉ có thể cung cấp được một số chủng loại rau quen thuộc chứ không đảm bảo được đầy đủ các chủng loại rau. Việc này có nguyên nhân là người dân thụ động canh tác theo thói quen, tập quán chứ chưa năng động thay đổi để thích ứng với yêu cầu của thị trường. Và vai trò tổ chức sản xuất của hợp tác xã còn mờ nhạt, chưa tạo động lực cho xã viên là nông hộ nỗ lực. “Để nhân rộng chuỗi cung cấp rau sạch ra thị trường thì từ thành công bước đầu của mô hình được triển khai ở Hưng Mỹ, các hợp tác xã cần lưu ý 2 vấn đề. Thứ nhất là tự thân người đứng đầu hợp tác xã phải học hỏi, tham khảo, nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, truyền tinh thần đổi mới, sáng tạo cho xã viên noi theo. Thứ 2 là các xã viên phải thay đổi tập quán sản xuất nhỏ lẻ của mình, tuân thủ theo quy trình trồng rau sạch và đa dạng hóa sản xuất chứ không bó buộc chỉ trồng một hay vài loại rau dễ canh tác” - ông Nguyễn Định nói.
VIỆT QUANG