"Một cửa" trong lĩnh vực nông nghiệp

HOÀI NHI 29/01/2018 09:02

Thời gian gần đây, các địa phương trên địa bàn tỉnh lần lượt triển khai thực hiện quyết định của UBND tỉnh về việc sáp nhập Trạm Chăn nuôi & thú y, Trạm Bảo vệ thực vật, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm thành Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp trực thuộc UBND cấp huyện. Qua đó, góp phần thực hiện chủ trương đổi mới, sắp xếp bộ máy theo hướng tinh gọn và nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn.

Việc hình thành trung tâm kỹ thuật nông nghiệp sẽ tăng số người trực tiếp thực hiện việc hỗ trợ nhà nông phát triển sản xuất và phòng chống dịch bệnh. Ảnh minh họa): HOÀI NHI
Việc hình thành trung tâm kỹ thuật nông nghiệp sẽ tăng số người trực tiếp thực hiện việc hỗ trợ nhà nông phát triển sản xuất và phòng chống dịch bệnh. Ảnh minh họa): HOÀI NHI

Chủ trương đúng

Ngày 1.1.2018, Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Duy Xuyên chính thức được thành lập và đi vào hoạt động với tổng cộng 17 cán bộ công chức - viên chức, chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của UBND huyện và sự hướng dẫn, kiểm tra chuyên môn nghiệp vụ của Sở NN&PTNT tỉnh.

Ông Trần Đình Hùng – Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Duy Xuyên cho hay, từ ngày thành lập đến nay các hoạt động của trung tâm diễn ra bình thường, đội ngũ cán bộ công chức - viên chức không ngừng nỗ lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo công việc được phân công. Ông Hùng nói: “Nếu trước đây, địa phương có đến 3 cơ quan tham mưu giúp việc cho UBND huyện thì qua sáp nhập chỉ còn 1 đơn vị nên đảm bảo tính thống nhất cao trong quá trình triển khai thực hiện các phần việc liên quan đến sản xuất nông nghiệp, nhất là khâu chuyển giao những gói kỹ thuật về chăn nuôi - thú y, bảo vệ thực vật, khuyến nông trên địa bàn. Đồng thời việc giao trung tâm này cho UBND cấp huyện trực tiếp quản lý, chỉ đạo điều hành là phù hợp, sát đúng với tình hình thực tế. Mặc dù mới đi vào hoạt động, cơ sở vật chất chưa đảm bảo, nguồn kinh phí quá ít so với yêu cầu thực tiễn nhưng chúng tôi tin tưởng rằng trung tâm kỹ thuật nông nghiệp sẽ hoàn thành tốt các công việc được giao, góp phần quan trọng vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

Giảm bộ phận lãnh đạo và hành chính, tăng đội ngũ kỹ thuật

Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, trong điều kiện bức bách về yêu cầu tổ chức, sắp xếp bộ máy hướng đến tinh gọn gắn với cơ cấu lại nguồn lực con người và mục tiêu cuối cùng là giảm biên chế, nâng cao hiệu quả công việc, Sở NN&PTNT sẽ chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành một số chính sách để giải quyết chế độ cho cán bộ công chức - viên chức dôi dư, hướng đến mục tiêu giảm định biên xuống dưới 15 người ở một trung tâm kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện nhưng đảm bảo con người trực tiếp “tác chiến” nhiều hơn. Ví dụ, trước đây mỗi trạm 5 người gồm trưởng trạm, phó trạm, kế toán, thủ quỹ, chuyên viên kỹ thuật thì nay sáp nhập lại cũng như vậy nhưng đội ngũ lãnh đạo và hành chính sẽ giảm nhiều, người trực tiếp thực hiện công việc liên quan đến hỗ trợ nhà nông phát triển sản xuất và phòng chống dịch bệnh sẽ tăng mạnh. Còn cơ sở vật chất dôi dư thì sẽ sắp xếp lại, bố trí làm việc khác trong ngành nông nghiệp cũng như ngoài ngành.

Theo tìm hiểu, ngoài Duy Xuyên, đến thời điểm này tất cả 17 huyện, thị xã, thành phố khác của tỉnh cũng đã thành lập và đưa vào hoạt động trung tâm kỹ thuật nông nghiệp. Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, việc sáp nhập này là nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn về quản lý ngành ở địa phương và chủ trương cải cách hành chính của Nhà nước, đảm bảo tính thống nhất về đầu mối quản lý, điều hành, giúp hoạt động hiệu quả hơn. Theo ông Đức, trước khi xây dựng và triển khai thực hiện đề án sáp nhập các đơn vị thành Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp thì về phía cấp huyện có Trạm Khuyến nông – khuyến lâm thực hiện chức năng tổ chức, xây dựng mô hình, giúp người dân phát triển sản xuất; còn về phía tỉnh có 2 đơn vị phục vụ sản xuất nông nghiệp trên 2 mảng là Trạm Bảo vệ thực vật trực thuộc Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật và Trạm Thú y trực thuộc Chi cục Chăn nuôi & thú y. Ông Đức nhìn nhận, xét về chức năng thì Trạm Khuyến nông – khuyến lâm phụ trách 2 lĩnh vực gồm trồng trọt và chăn nuôi, thậm chí cả lâm nghiệp, thủy sản; còn Trạm Thú y, Trạm Bảo vệ thực vật phục vụ chăn nuôi và trồng trọt. Như vậy, ở đây có sự chồng lấn trong quá trình triển khai thực hiện những phần việc. Nhiều người làm thì tốt nhưng mà cùng làm một công việc thì sự điều hành thiếu thống nhất, lấn sân lẫn nhau. “Xét thấy sự chồng chéo giữa 3 đơn vị này nên từ giữa năm 2016 Sở NN&PTNT bắt tay vào việc xây dựng đề án sáp nhập và đầu tháng 10.2017 tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định thành lập các trung tâm kỹ thuật nông nghiệp, phân cấp cho UBND cấp huyện quản lý, chỉ đạo. Thông qua đó, việc điều hành trực tiếp sát với thực tiễn hơn và gắn bó với nhau hơn. Đặc biệt, chính quyền các địa phương có sự tập trung, thống nhất cao nên tổ chức thực hiện bài bản, hiệu quả hơn và điều quan trọng nữa là dành nhiều nguồn lực tài chính ưu tiên đầu tư, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững” - ông Đức chia sẻ.

Nâng cao hiệu quả hoạt động

Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, những trung tâm kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện có chức năng tham mưu cho chính quyền địa phương triển khai thực hiện công tác khuyến nông, chuyên môn kỹ thuật, dịch vụ thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản. Cạnh đó, thực hiện các chương trình, dự án, quy hoạch, định mức kinh tế - kỹ thuật về trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y, vệ sinh môi trường, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật vào nông nghiệp và các chương trình công tác khác đã được phê duyệt. Mặt khác, thực hiện điều tra, phát hiện, dự báo tình hình dịch bệnh trên cây trồng và dịch bệnh động vật trên địa bàn, thông báo kịp thời và đề xuất chủ trương, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phòng chống. Đặc biệt, hỗ trợ các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp trong công tác đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, xúc tiến thương mại, liên doanh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông - lâm - thủy sản cho bà con nông dân, ngư dân. Đồng thời thực hiện công tác dịch vụ khuyến nông, cung ứng - tư vấn sử dụng các loại giống cây trồng, con vật nuôi mới, thuốc thú y, vắc xin và những loại vật tư, trang thiết bị thuộc lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp và ngành nghề nông thôn phục vụ người sản xuất. Ngoài ra, phối hợp kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất được cấp giấy chứng nhận VietGAP trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, các cơ sở chăn nuôi được cấp chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh.

Cùng với những phần việc đó, trung tâm kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện còn được giao nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu công bố dịch, công bố hết dịch hại trên cây trồng, dịch bệnh động vật theo quy định của pháp luật và đề xuất các biện pháp phòng tránh, khắc phục hậu quả do thiên tai, dịch hại gây ra để khôi phục sản xuất nông - lâm nghiệp - thủy sản. Bên cạnh đó, tham gia với các cơ quan quản lý chuyên ngành thực hiện công tác quản lý nhà nước về sử dụng và kinh doanh vật tư - thức ăn chăn nuôi, thức ăn nuôi trồng thủy sản, giống vật nuôi, giống thủy sản, kiểm soát giết mổ động vật, vệ sinh thú y, cơ sở kinh doanh và sử dụng vật tư phân bón, giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật.

Ông Huỳnh Tấn Đức cho rằng, việc thành lập các trung tâm kỹ thuật nông nghiệp cấp huyện sẽ giúp Quảng Nam từng bước khắc phục những tồn tại, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ trong khâu quản lý và triển khai các phần việc liên quan đến lĩnh vực trồng trọt, bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y..., góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay. Ông Đức nhấn mạnh: “Cái đích cuối cùng nhắm đến vẫn là xây dựng, hướng dẫn người dân tổ chức sản xuất nông – lâm – thủy sản theo đúng định hướng đặt ra nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích đất canh tác, ao nuôi, chuồng trại… phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ này Quảng Nam đạt bằng mức bình quân của cả nước”.

HOÀI NHI

HOÀI NHI