Thu hút đầu tư vào vùng sâm
Sau khi sâm Ngọc Linh được công nhận là sản phẩm quốc gia, đã xuất hiện làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào vùng “thủ phủ sâm” Nam Trà My. Nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang xúc tiến thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm.
Sản phẩm sâm Ngọc Linh bán tại phiên chợ sâm của trung tâm huyện Nam Trà My. Ảnh: T.H |
Mở rộng đầu tư
Tham gia trồng sâm Ngọc Linh từ năm 2016, Công ty TNHH Sâm Sâm (trụ sở đóng tại đường Lý Thường Kiệt, TP.Tam Kỳ) đã bắt đầu trồng được 1,2ha dưới tán rừng, sau khi được cho thuê dịch vụ môi trường rừng 10ha tại xã Trà Linh (Nam Trà My). Theo doanh nghiệp này, cây sâm hiện nay tăng trưởng, phát triển tốt. Mặc dù được Nhà nước cho thuê dịch vụ môi trường rừng để phát triển vùng sâm, nhưng doanh nghiệp phải thỏa thuận với đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây theo luật tục. Trong số 10 lao động sử dụng thường xuyên để chăm sóc cây của công ty này thì có 8 lao động địa phương. Người lao động được trả lương, đóng bảo hiểm xã hội. Trước khi trồng sâm, Công ty TNHH Sâm Sâm sản xuất, kinh doanh 2 sản phẩm từ sâm Ngọc Linh. Vì nguyên liệu sâm đầu vào thiếu ổn định nên công ty mạnh dạn bỏ vốn mở rộng diện tích vùng trồng.
Theo ông Lưu Văn Lục - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sâm Sâm, bình quân trồng mỗi héc ta, chu kỳ 5 năm tốn 3 - 4 tỷ đồng. Công ty chưa phủ xanh hết diện tích 10ha không phải do hạn chế năng lực tài chính mà chủ yếu thiếu nguồn cây giống. Một cây giống hơn 1 năm tuổi thông thường mua với giá 200 nghìn đồng. “Nếu có đủ nguồn giống đảm bảo, định hướng lâu dài của công ty là mở rộng diện tích trồng lên 100ha. Kế hoạch sản xuất sắp đến là đa dạng sản phẩm từ cây sâm Ngọc Linh như sản phẩm viên nang mềm, viên nén, các thức uống lẫn sản xuất thực phẩm chức năng từ sâm. “Công ty tính toán sau khi tham quan học hỏi mô hình từ đất nước Hàn Quốc sẽ đầu tư một nhà máy sản xuất, chế biến sâm Ngọc Linh quy mô công nghiệp. Doanh nghiệp trồng sâm, chắc chắn đồng bào sẽ được hưởng lợi, tạo sinh kế, việc làm ổn định” - ông Lục nói.
Theo ông Lê Trung Thực - Trưởng phòng Tài chính kế hoạch huyện Nam Trà My, hiện nay ngoài Công ty TNHH Sâm Sâm, còn có Công ty CP Thương mại dược - sâm Quảng Nam, Tập đoàn Hoa Thiên Phú, Công ty CP Nguyên liệu giấy miền Trung triển khai trồng sâm tại xã Trà Linh và Trà Cang. Bên cạnh đó, Tập đoàn Vin Group (Vin Eco) và Tập đoàn TH True Milk được UBND tỉnh cho phép thuê đất, đã tiến hành khảo sát chọn địa điểm trồng; đang hoàn chỉnh thủ tục để trình UBND tỉnh. Để xác lập địa vị pháp lý, công nhận quyền sử dụng đất, chính quyền huyện Nam Trà My đã hoàn thành việc đo đạc giao đất cho 39 nhóm hộ dân trên địa bàn, với khoảng 1.500 hộ và diện tích hơn 1.200ha (95% diện tích này do người dân trồng sâm). Sâm hiện nay được trồng theo cách truyền thống chứ chưa trồng theo phương pháp áp dụng kỹ thuật.
Cần tháo gỡ rào cản
Nhận diện bất cập về phát triển sâm Ngọc Linh, ông Nguyễn Hồng Sơn - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho rằng, dù giá trị kinh tế cây sâm mang lại khá cao (1ha sâm Ngọc Linh sau 5 năm sẽ thu lời khoảng 30 tỷ đồng), nhưng việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh vẫn ở quy mô nhỏ, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh đặc hữu của vùng. Số hộ trồng sâm còn ít, các doanh nghiệp cũng chưa thực sự mặn mà với dự án phát triển cây sâm quý. Dây chuyền trồng, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị còn hạn chế. Hầu hết doanh nghiệp chế biến, sản xuất các sản phẩm từ cây sâm đều không tự chủ được nguồn nguyên liệu, mua lại từ người dân, cơ sở ươm giống trên địa bàn.
Có hơn 10 doanh nghiệp, tập đoàn lớn đang xúc tiến đầu tư trồng sâm nhưng đến thời điểm này mới có 4 doanh nghiệp tiến hành thuê dịch vụ môi trường rừng trồng sâm Ngọc Linh. Theo người dân địa phương, Trung ương và UBND tỉnh đã ban hành cơ chế thông thoáng cho người dân lẫn doanh nghiệp phát triển vùng dược liệu sâm quý, song đến nay hầu như các ngành chức năng, đơn cử như Sở NN&PTNT vẫn chưa có động tĩnh gì để hướng dẫn đối tượng hưởng lợi tiếp cận cụ thể với chính sách ưu đãi. Ông Nguyễn Đức Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sâm Sâm băn khoăn rằng nếu sau này công ty muốn đầu tư nhà máy sản xuất 100 tỷ đồng, thì không biết sẽ được vay vốn tín dụng ưu đãi ngân hàng nào? “Vừa qua, công ty có đặt vấn đề với cơ quan quản lý hạ tầng Khu công nghiệp Tam Thăng về thuê đất xây dựng nhà máy sản xuất từ sản phẩm sâm, thì mới vỡ lẽ nơi đây chưa sắp xếp loại hình sản xuất chế biến sản phẩm từ sâm. Cơ quan nào sẽ tham mưu tỉnh bổ sung thêm mã ngành, loại hình lĩnh vực đầu tư vào khu công nghiệp này?” - ông Lực nói.
Về giải pháp sắp đến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, cần thực hiện đồng bộ, từ chính sách sử dụng rừng để phát triển nuôi trồng sâm Ngọc Linh với quy mô lớn đến các ưu đãi về giao đất, miễn giảm thuế, vay vốn, tinh gọn thủ tục hành chính để kéo các doanh nghiệp có năng lực đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu sâm trên cả hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.
TRẦN HỮU