Tạo đà phát triển

HOÀNG LIÊN 24/01/2018 10:15

Nhiều chính sách về phát triển cây dược liệu, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đã được ban hành, bước đầu tạo động lực cho vùng sâm phát triển.

Sâm củ được bán tại phiên chợ sâm ở Nam Trà My.
Sâm củ được bán tại phiên chợ sâm ở Nam Trà My.

Đến nay, hàng loạt cơ chế, chính sách đầu tư phát triển cây dược liệu, cây sâm Ngọc Linh của Trung ương, của tỉnh đã được ban hành, triển khai nhằm tạo điều kiện để thu hút đầu tư, góp phần phát triển vùng dược liệu hàng hóa. Chỉ riêng cây sâm Ngọc Linh đã có hàng loạt đề tài, dự án nghiên cứu khoa học cấp huyện, cấp tỉnh và trung ương được triển khai, góp phần bảo tồn và phát triển vùng sâm. Mới đây nhất, đầu năm 2018 này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã ký Quyết định số 3750 phê duyệt Đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam. Theo đó, mục tiêu đề án hướng tới là gia tăng giá trị tổng sản phẩm từ sâm Việt Nam đạt trung bình 30%/năm; hình thành và phát triển được vùng nguyên liệu và các sản phẩm từ sâm Việt Nam với quy mô tương đương 50 tấn dược liệu sâm Việt Nam/năm, hướng tới 500 tấn dược liệu sâm/năm vào năm 2030. Dự án hoàn thiện quy trình công nghệ và đầu tư sản xuất giống sâm Việt Nam chất lượng cao, đạt tổng quy mô 5 triệu cây giống/năm, trong đó quy mô mỗi dự án sản xuất không dưới 1 triệu cây giống/năm. Hoàn thiện quy trình công nghệ và đầu tư sản xuất tập trung dược liệu sâm Việt Nam đạt tổng sản lượng 50 tấn/năm. Dự án hỗ trợ tối thiểu 10 doanh nghiệp đầu tư sản xuất, thương mại sản phẩm từ sâm Việt Nam theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến thương mại các sản phẩm hàng hóa sâm Việt Nam đạt trình độ khu vực và quốc tế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước…

Từ sự vào cuộc của Trung ương, của tỉnh và huyện Nam Trà My, diện tích vùng trồng sâm không ngừng được mở rộng và phát triển trên địa bàn Nam Trà My. Công tác bảo tồn nguồn gen gốc sâm Ngọc Linh cũng được chú trọng. Một số sản phẩm từ cây sâm mang thương hiệu đặc trưng Quảng Nam đã có mặt trên thị trường. Theo ông Trịnh Minh Quý - Giám đốc Trung tâm Sâm Ngọc Linh huyện Nam Trà My, hiện 7/10 xã của huyện nằm trong vùng quy hoạch bảo tồn và phát triển cây sâm đã trồng sâm, bước đầu tỷ lệ cây sống đạt hơn 70%. Huyện cũng đã xây dựng phương án cung ứng môi trường rừng để trồng sâm cho nhân dân với tổng diện tích lên tới hơn 1.133ha. Phong trào trồng sâm trong nhân dân phát triển mạnh mẽ, ngoài số vốn hiện có của gia đình, nhiều hộ dân đã tích cực tham gia vay vốn để về đầu tư trồng sâm. Riêng hai năm 2015 và 2016, nguồn vốn các tổ chức tín dụng cho người dân vay trồng sâm lên đến gần 50 tỷ đồng. Thương hiệu sâm củ Ngọc Linh được khẳng định, giá sản phẩm cây sâm Ngọc Linh tăng cao so với trước. Theo đó, giá cây sâm giống loại 1 năm tuổi từ 50 nghìn đồng/cây tăng lên 200 nghìn đồng/cây; giá sâm các loại bình quân 50 - 75 triệu đồng/kg; loại đặc biệt 1 củ 2 lạng 150 - 200 triệu đồng/kg. Mỗi héc ta trồng sâm sau 5 năm người dân có thể thu được 30 - 50 tỷ đồng. Sản lượng sâm khai thác trên địa bàn huyện hàng năm tăng nhanh, khoảng 1 - 2 tấn củ tươi/năm, năm 2017 đạt 5 - 7 tấn, tương đương khoảng 300 - 400 tỷ đồng...

Theo ông Trịnh Minh Hải - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My, vùng trồng sâm của huyện đã thu hút nhiều nguồn lực đầu tư của Nhà nước. Cụ thể như nguồn lực hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất cho các trại nhân giống (3,5 tỷ đồng), đầu tư mua giống sâm (3,5 tỷ đồng), nghiên cứu khoa học để bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh (ước đạt 15 tỷ đồng). Tổng nguồn vốn đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sâm đến năm 2020 được phê duyệt lên tới 370 tỷ đồng. Trên địa bàn huyện, nguồn hỗ trợ vay vốn trồng sâm của các tổ chức tín dụng lên tới hơn 50 tỷ đồng với 600 hộ vay. Tin mừng là cơ sở hạ tầng, giao thông được chú trọng đầu tư cho vùng sâm và từng bước kiện toàn, tạo thuận lợi cho việc thông thương và phát triển du lịch. Trên địa bàn có tuyến quốc lộ 40B chạy qua, kết nối trục dọc từ TP.Tam Kỳ - Phú Ninh - Tiên Phước - Bắc Trà My - Nam Trà My - Tu Mơ Rông - Đắc Tô (Kon Tum). Một số tuyến giao thông trọng yếu đang triển khai thi công tạo động lực kết nối vùng như tuyến đường Trà My - Phước Thành (Phước Sơn), tuyến đường Đông Trường Sơn nối với huyện Sơn Tây và Khu công nghiệp Dung Quất (Quảng Ngãi); một số tuyến kết nối với tỉnh Kon Tum…

Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thông tin,  hiện có 6 doanh nghiệp đăng ký đầu tư vào trồng sâm trên địa bàn với tổng diện tích gần 100ha, trong đó có 4 doanh nghiệp đã tổ chức trồng với diện tích 40ha. Huyện và tỉnh cũng tiến hành giao đất cho 39 nhóm hộ (hơn 1.500 hộ), với tổng diện tích cấp phép hơn 1.200ha cho người dân trồng sâm phát triển kinh tế. “Sâm Ngọc Linh là cây hàng hóa mũi nhọn của huyện, phát triển loài cây này sẽ mở ra triển vọng lớn về phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên sản phẩm chủ lực của huyện, tỉnh, quốc gia. Huyện cũng đã hợp tác với quận HamYang (Hàn Quốc) trồng và phát triển sâm, quyết tâm cùng nhau đưa thương hiệu hai loại sâm Ngọc Linh và Hàn Quốc nổi tiếng ra thế giới. Đồng thời đang xúc tiến hợp tác chặt chẽ với những khu vực trồng sâm nổi tiếng của các quốc gia như Canada, Mỹ và Nga trong việc trồng, chăm sóc, khai thác, chế biến sâm” - ông Bửu cho biết.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN