Tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Chọn hướng chủ lực

NGUYỄN VĂN SỰ 30/12/2017 12:26

Tập trung xây dựng mô hình luân canh, xen canh, gối vụ một số loại cây trồng cạn chủ lực và đẩy mạnh việc liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa được xem là đòn bẩy trong quá trình thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành kinh tế trọng yếu này…

 Cần đẩy mạnh việc liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa để nâng cao giá trị kinh tế và ổn định đầu ra sản phẩm.Ảnh: VĂN SỰ
Cần đẩy mạnh việc liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa để nâng cao giá trị kinh tế và ổn định đầu ra sản phẩm.Ảnh: VĂN SỰ

Lối mở từ cây trồng cạn

Theo ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn, hiện nay thị xã có 4.000ha đất màu. Nhờ linh hoạt huy động và lồng ghép nhiều nguốn vốn, thời gian qua Điện Bàn đã đầu tư 54 tỷ đồng xây dựng các trạm biến áp, kéo 90km đường dây điện thủy lợi hóa đất màu tại nhiều địa phương. Thống kê cho thấy, trong số 4.000ha đất màu của Điện Bàn thì đến thời điểm này đã có 83% chủ động nước tưới. “Nhờ tập trung xây dựng các mô hình chuyên canh, xen canh, gối vụ nhiều loại rau đậu, cây công nghiệp ngắn ngày nên hiện nay Điện Bàn có hơn 3.000ha đất màu cho giá trị kinh tế cao, mỗi năm 1ha đem lại cho nông dân 90 - 200 triệu đồng. Thời gian tới, Điện Bàn sẽ tiếp tục nỗ lực huy động nguồn lực tài chính đầu tư thủy lợi hóa số diện tích đất màu còn lại. Đồng thời tích cực hỗ trợ nhiều khâu cho nông dân để hình thành thêm những mô hình canh tác hiệu quả” - ông Chơi chia sẻ.

Cùng với việc cải tạo đồng ruộng, đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật…, 10 năm trở lại đây chính quyền các địa phương đã chi hơn 170 tỷ đồng xây dựng rất nhiều công trình thủy lợi hóa đất màu nhằm chủ động cung ứng nước tưới cho cây trồng. Ngoài Điện Bàn, hiện nay tại Đại Lộc, Hội An, Duy Xuyên, Thăng Bình, Phú Ninh, Tam Kỳ, Núi Thành cũng đã có hơn 5.500ha đất màu chuyên canh, xen canh, gối vụ các loại rau đậu và cây công nghiệp ngắn ngày theo phương thức hàng hóa đạt giá trị 90 - 250 triệu đồng/ha/năm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, mô hình sản xuất này là đòn bẩy trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Từ nay đến năm 2020, mỗi năm ngân sách tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho các huyện, thị xã, thành phố 10 tỷ đồng để thực hiện chương trình thủy lợi hóa đất màu nhằm giúp nhà nông mở rộng quy mô canh tác.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để mô hình sản xuất đó phát triển mạnh và bền vững thì bên cạnh việc ưu tiên nguồn lực xây dựng hệ thống thủy lợi, các cơ quan có trách nhiệm cần quan tâm một số khâu trọng yếu khác. Ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc nói: “Ngoài việc thực hiện bài bản công tác quy hoạch nhằm hạn chế tình trạng manh mún, nhỏ lẻ thì yêu cầu tất yếu là chính quyền các địa phương phải xác định những sản phẩm chủ lực ở từng vùng và nhu cầu của thị trường để từ đó có hướng phát triển phù hợp. Đồng thời đầu tư mạnh về ứng dụng khoa học - công nghệ, nhất là khâu chọn tạo giống, hạ tầng kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng”. Trong khi đó, ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên đề xuất: “Nếu nông dân cứ mạnh ai nấy làm thì chắc chắn tình trạng khủng hoảng thừa và khủng hoảng thiếu sản phẩm sẽ tái diễn như nhiều năm qua. Theo tôi, nhất thiết phải đẩy mạnh việc liên kết với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất theo chuỗi sản phẩm có sự bao tiêu về đầu ra. Điều quan trọng hơn là cần quan tâm hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, nông dân sản xuất nông sản theo hướng an toàn và xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nhằm có chỗ đứng vững trên thị trường. Cùng với đó, cần tính toán xây dựng hệ thống chợ đầu mối nông sản một cách phù hợp để dễ dàng trong việc tiêu thụ sản phẩm”.

Đẩy mạnh liên kết sản xuất giống lúa

Bà Trần Thị Thanh Hương ở thôn Tây Gia (Đại Minh, Đại Lộc) cho biết, thông qua HTX Nông nghiệp Đại Minh, 10 năm nay vụ nào bà cũng liên kết với Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình - Chi nhánh miền Trung & Tây Nguyên tổ chức sản xuất hạt giống lúa thuần chất lượng cao BC15 theo hướng doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm trên 20 sào ruộng. Bà Hương nói: “Nhờ đội ngũ cán bộ kỹ thuật của công ty và HTX tích cực hỗ trợ trong quá trình thâm canh, phòng trừ dịch hại nên mùa nào năng suất lúa giống cũng đạt cao, bình quân mỗi sào thu 350kg khô. Với giá thu mua 7.500 đồng/kg do công ty đưa ra, mỗi vụ 1 sào đạt giá trị hơn 2,6 triệu đồng, lãi ròng 1,5 triệu đồng/sào, cao hơn 600 nghìn đồng/sào so với làm lúa thương phẩm”.

Ông Triệu Tấn Phú – Giám đốc Chi nhánh miền Trung & Tây Nguyên của Tổng Công ty Giống cây trồng Thái Bình cho biết, từ năm 2007 đến nay đơn vị đã liên kết với các HTX nông nghiệp và nông dân ở 4 huyện Đại Lộc, Phú Ninh, Duy Xuyên, Núi Thành tổ chức sản xuất mỗi năm 1.200ha giống lúa hàng hóa, chủ yếu là các loại giống như BC15, TBR1, TBR45, TBR225. Ông Phú nói: “Với số diện tích canh tác đó, hàng năm chúng tôi thu mua của nông dân Quảng Nam 5.400 tấn hạt giống lúa, qua đó làm lợi cho nhà nông hơn 14 tỷ đồng so với sản xuất lúa thương phẩm. Theo kế hoạch, ngoài việc giữ ổn định số diện tích vừa nêu, từ nay đến năm 2020 công ty sẽ tiếp tục hợp tác với nông dân trên địa bàn tỉnh sản xuất thêm 500ha giống lúa/năm. Bởi điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở Quảng Nam rất phù hợp, hơn nữa kỹ năng canh tác của nông dân tương đối khá”.

Mới đây, tại hội nghị tổng kết năm nông nghiệp 2017, ông Huỳnh Tấn Đức – Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, những năm qua nhờ tập trung chỉnh trang đồng ruộng, xây dựng hạ tầng thủy lợi và đặc biệt là đẩy mạnh việc xúc tiến kêu gọi đầu tư nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp tìm đến Quảng Nam hợp tác với nông dân sản xuất giống lúa hàng hóa. Năm 2017 nông dân toàn tỉnh liên kết với hơn 15 doanh nghiệp sản xuất tổng cộng 4.500ha hạt giống lúa thuần và lúa lai theo phương thức bao tiêu sản phẩm. Với số diện tích canh tác giống lúa nêu trên, năm 2017 này nông dân lãi thêm 55 tỷ đồng so với gieo sạ lúa thường. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, việc nông dân liên kết với doanh nghiệp sản xuất giống lúa hàng hóa là một hướng mở đối với lĩnh vực trồng trọt của Quảng Nam. Bởi không chỉ giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích tăng mạnh mà mối liên kết này còn tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Những năm tới ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương cần tiếp tục nỗ lực triển khai công tác dồn điền đổi thửa, ưu tiên nguồn lực xây dựng đồng bộ hạ tầng thủy lợi và giao thông nội đồng để hình thành thêm những mô hình cánh đồng mẫu, đặc biệt là tích cực kêu gọi doanh nghiệp vào hợp tác với nông dân mở rộng diện tích sản xuất giống lúa hàng hóa, phấn đấu mỗi năm đạt 6.000 - 7.000ha.

NGUYỄN VĂN SỰ

NGUYỄN VĂN SỰ