Khi nông dân giao đất cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất
Thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, công nghệ cao, huyện Phú Ninh đã vận động nhân dân cho doanh nghiệp thuê lại những diện tích đất canh tác không hiệu quả.
Một diện tích lớn đất nông nghiệp của người dân xã Tam Đàn được giao lại cho HTX Thực phẩm sạch Phú Ninh để sản xuất rau hữu cơ. Ảnh: V.A |
Điểm sáng
Thị trấn Phú Thịnh có diện tích đất tự nhiên 634ha, trong đó có khá nhiều diện tích đất của hơn 500 hộ dân canh tác, sản xuất chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao. Cuối năm 2016, thị trấn Phú Thịnh triển khai việc tích tụ ruộng đất và kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Nhận thấy khu vực khối phố Tân Phú có diện tích đất sản xuất bấp bênh, năng suất, sản lượng cây trồng và hiệu quả kinh tế thấp nên UBND thị trấn vận động nhân dân giao lại 3ha đất cho Hợp tác xã (HTX) Nuôi trồng Tấn Phát thuê trong vòng 5 năm với mức 28 triệu đồng/ha/năm. Sau khi thuê đất, doanh nghiệp này đã tiến hành cải tạo, chỉnh trang và xây dựng nhà lưới sản xuất rau an toàn theo hướng VietGAP. Trong quá trình thực hiện, HTX Nuôi trồng Tấn Phát đã thuê lao động trực tiếp là những hộ dân cho HTX thuê đất, góp phần giải quyết việc làm tại chỗ và tăng thu nhập cho bà con nông dân. Sau hơn 2 tháng triển khai thực hiện, mô hình trồng rau sạch đã đem lại hiệu quả kinh tế cao, được nông dân đồng tình ủng hộ…
Trước đó, để thuyết phục người dân, UBND thị trấn Phú Thịnh đã tổ chức họp dân triển khai các chủ trương về tái cơ cấu ngành nông nghiệp và các cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, trong đó có việc thực hiện tích tụ ruộng đất. Ông Đoàn Văn Đồng - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phú Thịnh cho biết: “Tích tụ ruộng đất là chủ trương lớn của huyện trong phát triển ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, để người dân hiểu và đồng thuận với chủ trương, việc triển khai thực hiện cần bảo đảm thỏa đáng lợi ích của người dân. Việc giao đất cho doanh nghiệp, không chỉ lợi ích của người dân được đảm bảo mà hiệu quả kinh tế trên diện tích canh tác còn được nâng lên”.
Tương tự, tại thôn Phú Mỹ, xã Tam Đàn, HTX Thực phẩm sạch Phú Ninh đã thuê đất nông nghiệp tại đồi Cây Sợp của người dân địa phương từ tháng 3.2017 để thực hiện mô hình trồng rau hữu cơ. Đến nay, HTX đã hoàn thành 3ha nhà lưới trồng rau hữu cơ và 5ha đất sản xuất đưa vào canh tác gieo trồng. Ông Huỳnh Đức Tưởng - Giám đốc HTX cho biết, HTX đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, bước đầu sản phẩm đã được đăng ký các thủ tục nhãn hiệu độc quyền “Rau hữu cơ Phú Ninh Quê tôi” ở Cục Sở hữu trí tuệ, có tem nhãn mác chống hàng nhái, hàng giả. Hiện nay, trung bình mỗi ngày HTX cung ứng ra thị trường khoảng 400kg rau các loại, đồng thời giải quyết được việc làm cho 10 lao động là người dân tại địa phương. Ông Tưởng chia sẻ: “Mặc dù kết quả mang lại còn khiêm tốn nhưng đã khẳng định được chất lượng, giá trị và thương hiệu rau hữu cơ riêng biệt của vùng đất nông thôn huyện Phú Ninh. Mục tiêu HTX đưa ra là năm 2018 phấn đấu cung ứng ra thị trường khoảng 250 tấn rau.
Hướng đi phù hợp
Phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2025 và định hướng 2030 của Phú Ninh theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh của từng vùng. Đồng thời đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong đó, hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, chăn nuôi tập trung, với việc tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật để từng bước sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra sản phẩm an toàn, đảm bảo môi trường, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân nông thôn. Huyện đặt mục tiêu hình thành 16 khu vực sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao ở 8 xã với tổng diện tích 645,3ha và 16 khu chăn nuôi tập trung với diện tích 456,2ha. Để hình thành được các khu vực sản xuất tập trung, huyện kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, bước đầu tìm ra lời giải cho bài toán tích tụ ruộng đất.
Ông Võ Thanh Anh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh khẳng định, tuy mới bước đầu thực hiện tích tụ ruộng đất nhưng có thể cho thấy đây là giải pháp phù hợp với điều kiện của địa phương, được người dân hưởng ứng. Riêng năm 2017, Phú Ninh đã hình thành được các mô hình kinh tế nông nghiệp phát triển ổn định, hiệu quả như: mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới theo hướng VietGAP, hữu cơ với diện tích 10,2ha do 3 HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện thực hiện, nhằm liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, các mô hình rau an toàn đã được cấp giấy chứng nhận VietGAP, với doanh thu dự kiến đạt hơn 500 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, huyện còn hình thành được mô hình trồng hoa chuyên canh tại Tam Dân với diện tích 1,5ha. Các mô hình này thực hiện theo hình thức tích tụ ruộng đất trên địa bàn các xã, thị trấn, như Tam Đàn với diện tích 5ha, thị trấn Phú Thịnh 4,7ha, Tam Dân 1,5ha, và tiếp tục triển khai thực hiện tích tụ ruộng đất tại xã Tam Đàn, Phú Thịnh, Tam Dân để sản xuất rau, củ, quả an toàn với diện tích hơn 30ha.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đạo - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết, tích tụ ruộng đất nhằm sản xuất hàng hóa tập trung là chủ trương đúng đắn của trung ương và tỉnh. Để thực hiện có hiệu quả chủ trương này, huyện Phú Ninh hết sức quan tâm đến phát triển các HTX nhằm thực hiện liên doanh, liên kết trong sản xuất. Đồng thời muốn tích tụ ruộng đất phục vụ phát triển nông nghiệp hiện đại, quy mô lớn thì cần tập trung nâng cao hiệu quả quản lý, có quy định phù hợp về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân, nhằm vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, vừa bảo đảm quyền lợi của nông dân…
VINH ANH - NHẤT LINH