Mầm xanh trên biền bãi sông Thu
Bãi bồi Đông Khương (huyện Duy Xuyên) nằm giữa sông Thu Bồn đoạn qua Câu Lâu. Từ khoảng năm 2005 về trước, do cách trở sông nước, hơn 10ha biền bãi này chỉ có cây dại mọc rậm rạp. Các cụ cao niên địa phương cho hay, cách đây khoảng mấy chục năm, nhánh sông chính của sông Thu Bồn chảy qua Câu Lâu nằm ở phía bờ nam của sông (phía Duy Xuyên) chứ không phải bờ bắc (phía Điện Bàn) như bây giờ. Qua thời gian, lũ lụt trên sông Thu đã làm sạt lở vào sâu hàng chục mét của biền bãi khiến con lạch nhỏ trở thành nhánh sông chính chảy qua Câu Lâu. Người dân muốn đi sản xuất, thăm đồng, nếu không dùng ghe thì phải dựng xe trên vỉa hè cầu Câu Lâu rồi men theo cầu thang để xuống bãi bồi.
Người dân đốt cỏ trên bãi biền. |
Mặc cho những trắc trở đò giang, biền bãi Đông Khương vẫn lao xao cảnh người dân miệt mài cày cuốc, gieo sạ lại “mầm xanh” dưới ánh nắng cuối đông. Bà Huỳnh Thị Cúc (Nam Phước, Duy Xuyên) có hơn 1 mẫu đất tại biền bãi đang lúi húi đốt cỏ trên mảnh ruộng còn dính bùn lầy để chuẩn bị gieo cà chua, ớt cho vụ đông xuân. Bà chia sẻ: “Đận lụt vừa rồi khiến gia đình tôi mất mấy sào hoa màu. Mùa mưa năm nào nông dân có đất trên bãi cũng thiệt hại nhưng làm thì vẫn cứ làm thôi”.
Ở bãi bồi này, các mảnh ruộng chủ yếu dùng trâu và sức người để cày cuốc. |
Ở những khoảnh đất sát con nước hay bị bồi lấp, cát vùi thì người dân tại đây thường chỉ canh tác đậu phụng do nó chống chịu tốt với điều kiện khắc nghiệt. Ở những mảnh ruộng màu mỡ hơn, người dân lại gieo đậu đen, cải con, bắp… đan xen nhau tạo thành một khung cảnh thanh bình. Một vụ mùa mới lại bắt đầu, những mầm xanh đã và đang lại vươn lên nơi biền bãi giữa sông Thu.
Dấu tích còn sót lại của những ngày mưa lũ. |
Những mầm xanh đầu tiên đã vươn lên ở biền bãi sau đợt lũ. |
QUỐC TUẤN