Xuống giống hết diện tích vụ đông xuân
Chỉ còn độ nửa tháng nữa, bà con nông dân sẽ bắt đầu xuống giống gieo sạ trà 1 vụ đông xuân 2017-2018. Chính quyền xã Bình Đào (Thăng Bình) vận động nông dân gieo sạ hết diện tích. Bởi lâu nay, lực lượng lao động tham gia sản xuất ở địa phương ngày càng giảm đáng kể.
Nông dân xã Bình Đào đang làm cỏ ruộng chuẩn bị gieo sạ. Ảnh: Biên Thực |
Những cơn mưa lớn vừa qua mặc dù không làm san lấp, sụt lún các bờ vùng bờ thửa, nhưng bà Nguyễn Thị Lợi thôn Trà Đóa 1, xã Bình Đào vẫn sớm lo làm vệ sinh đồng ruộng. Theo bà Lợi, gia đình có 3 sào ruộng, con cái đã có gia đình riêng. Bây giờ chỉ có 2 vợ chồng già làm mấy đám ruộng. Bản thân bà già yếu nên tranh thủ ra đồng sớm để kịp sản xuất vụ đông xuân. Bà Lợi cho biết, làm chừng đó ruộng mà thuê mướn hết thì không đủ chi phí. Còn gia đình bà Trần Thị Tùng có tất thảy 5 sào ruộng. Hai năm nay, bà cho hộ khác làm giúp gần 2 sào ruộng để giữ đất, bởi diện tích ruộng này thuộc vùng trũng thấp mà sức già như vợ chồng bà không làm nổi. Diện tích còn lại, hai vợ chồng sản xuất cầm chừng, được mùa nào hay mùa nấy. “Ở quê bây giờ, người trẻ họ đi làm ăn xa nên bây giờ làm ruộng chỉ có những người già như chúng tôi mà thôi. Do đó, làm đủ ăn chứ không còn làm để bán buôn như trước nữa” - bà Tùng nói.
Theo thống kê của UBND xã Bình Đào, vụ đông xuân 2016 - 2017 vừa qua, toàn xã xuống giống được 315/326 ha diện tích. Do mưa trùng với thời điểm xuống giống nên một số diện tích phải sạ lại nhiều lần. Có 11ha sản xuất do mưa lụt kéo dài đầu vụ không thể sản xuất được. Đến vụ hè thu 2017, toàn xã xuống giống 241/280 ha. Trong khi đó, địa phương đầu tư cho hệ thống kênh nội đồng chỉ đạt 25% và bê tông giao thông nội đồng chỉ ở mức 50%. Theo ông Trần Thanh Trung - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Đào, mỗi năm địa phương có hơn 10ha đất nông nghiệp bị bỏ hoang. Nguyên do là một số khu vực bị sình lầy và nhiễm mặn bởi sông Trường Giang. Đặc biệt, hiện nhiều dự án ở vùng đông đang thu hút một lượng lao động ở địa phương làm việc với mức thu nhập cao nên nhiều hộ không còn mặn mà với đồng ruộng, hoặc có chăng cũng chỉ những người lớn tuổi tham gia sản xuất. Hiện địa phương đưa ra nhiều giải pháp để vận động bà con nông dân sản xuất hết diện tích. Ông Trần Thanh Trung cho biết, trước khi bắt đầu vụ sản xuất đông xuân 2017-2018, UBND xã phối hợp với các ngành chuyên môn của huyện tập huấn sản xuất cho bà con ở 4 thôn.
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng nắm lại diện tích ruộng của bà con nông dân để vận động gieo sạ hết diện tích vụ đông xuân 2017-2018. Đối với những hộ không có lao động sản xuất phải viết đơn xin trả ruộng. Đồng thời, trong vụ đông xuân này, địa phương chỉ đạo bà con tập trung gieo sạ đúng theo lịch thời vụ cho cả hai trà lúa và vận dụng cơ giới hóa trong sản xuất để giảm công lao động. “Người nông dân không còn mặn mà với đồng ruộng không còn là điều hiếm nữa. Bởi hiện nay, một công lao động bên ngoài được trả 200 - 300 nghìn đồng nên họ sẵn sàng làm việc khác. Còn làm ruộng hiện nay, với họ chỉ là phụ. Vì vậy, thời gian tới địa phương quy hoạch đối với những chân ruộng trũng thấp thành thửa lớn giao cho HTX Nông nghiệp Bình Đào đảm nhận để thực hiện chủ trương tích tụ tập trung ruộng đất. Còn số diện tích nhỏ lẻ không sản xuất được, UBND xã tính chuyện quy hoạch lại vùng và thông qua tổ chức Hội nông dân xã để đảm nhận sản xuất” - ông Trung cho biết thêm.
GIANG BIÊN - TRUNG THỰC