Phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững

HOÀNG LIÊN 05/12/2017 08:53

Đẩy mạnh phát triển các mô hình chăn nuôi tập trung, hình thành các gia trại, trang trại, hợp tác xã chăn nuôi an toàn dịch bệnh là mục tiêu Đại Lộc hướng tới.

Năm 2017, dù đối diện với không ít khó khăn do giá cả, đầu ra bấp bênh, dịch bệnh xảy ra trên đàn vật nuôi, nhưng ngành chăn nuôi Đại Lộc vẫn duy trì được sự ổn định tổng đàn gia súc. Theo thống kê, hiện tổng đàn trâu toàn huyện hơn 5.000 con, bò 19.815 con, heo 59.732 con, gia cầm 762.600 con. Giá trị sản xuất chăn nuôi ước đạt 364,78 tỷ đồng, chiếm 36% tỷ trọng nội bộ ngành nông nghiệp năm 2017. Toàn huyện có 18 trang trại chăn nuôi, tăng 2 trang trại so với năm 2016. Trong đó, có 13 trang trại chăn nuôi gia cầm, 3 trang trại chăn nuôi heo thịt có giá trị sản xuất hàng hóa hơn 1,6 tỷ đồng/năm, 1 trang trại lâm nghiệp, 1 trang trại thủy sản. Chăn nuôi gia trại của huyện trên đà phát triển với tổng số 111 gia trại chăn nuôi được hình thành, tính đến 11.2017. Trong đó có 14 gia trại chăn nuôi bò lai lấy thịt quy mô 20 - 30 con/trại, 11 gia trại chuyên sản xuất heo giống và heo thịt quy mô 200 - 300 con xuất chuồng/năm, 86 gia trại chăn nuôi gia cầm, thủy cầm… Nổi nét là trong năm hình thành 4 HTX chăn nuôi gồm: HTX Lâm Phong (Đại Quang), Đại Đồng Phát (Đại Đồng), Tân Hưng Phát (Đại Sơn), Duy Đại Sơn (Đại Tân) phát triển ổn định theo hướng liên kết, tạo đầu ra ổn định.

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc chia sẻ, chủ trương của huyện là đưa ngành chăn nuôi phát triển theo hướng giảm dần loại hình chăn nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ, tăng dần tỷ trọng của loại hình chăn nuôi tập trung theo hướng an toàn dịch bệnh. Các gia trại, trang trại, HTX chăn nuôi trong khó khăn, biến động giá cả thị trường... vẫn duy trì được sự ổn định, trong khi chăn nuôi nhỏ lẻ không đủ sức trụ vững là minh chứng. “Chủ trương của ngành là tiếp tục thu hút đầu tư vào 7 khu chăn nuôi tập trung do tỉnh quy hoạch trên diện tích 476ha tại các xã Đại Chánh, Đại Hồng, Đại Sơn, Đại Đồng, Đại Quang. Đồng thời tiếp tục quy hoạch và quản lý quy hoạch các khu chăn nuôi tập trung do huyện quy hoạch theo chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới với diện tích hơn 200ha. Huyện cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, hộ nông dân có điều kiện xây dựng trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn, góp phần đưa tỷ trọng ngành chăn nuôi bằng với ngành trồng trọt” - ông Mẫn chia sẻ.

An toàn dịch bệnh trong chăn nuôi, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi là vấn đề bức thiết đặt ra tại Đại Lộc. Năm 2017, nhiều địa phương đã làm tốt công tác này, chủ yếu là tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng trâu bò, dịch tả heo với tỷ lệ đạt 80%. Công tác tiêm phòng vắc xin tụ huyết trùng trâu bò, tụ huyết trùng và phó thương hàn ở heo cũng đạt kết quả cao. Dịch vụ thú y trọn gói đã triển khai tại các xã Đại Cường, Đại Lãnh, Đại Tân, Đại An và Đại Hưng theo Quyết định số 08/QĐ-UBND của UBND tỉnh. Nhờ làm tốt công tác phòng ngừa nên dịch bệnh ít xuất hiện trên vật nuôi. Ngoại trừ trường hợp bệnh lở mồm long móng xuất hiện vào đầu năm 2017 tại Đại Cường và thị trấn Ái Nghĩa, đã được ngành chức năng nỗ lực khống chế kịp thời. “Nếu địa phương nào, người dân nào phát hiện vật nuôi có dấu hiệu bị bệnh, lập tức báo ngay cho đơn vị chức năng là cán bộ thú y địa bàn, trạm thú y hoặc Phòng NN&PTNT để có hướng chỉ đạo xử lý, khoanh vùng, dập dịch, không để lây lan” - ông Mẫn nói. Cũng theo ông Mẫn, bên cạnh làm tốt công tác phòng ngừa dịch bệnh, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm cũng là vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay. Các ngành liên quan cần rút kinh nghiệm về những tồn tại, hạn chế, cần tích cực triển khai Chỉ thị 03 của UBND tỉnh và Chỉ thị số 04 của UBND huyện về tăng cường quản lý, kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm…

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN