Dốc sức cho mùa vụ mới

NGUYỄN SỰ 17/11/2017 09:39

Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại hội nghị trực tuyến với lãnh đạo các ngành liên quan, chính quyền các địa phương để đánh giá tình hình sản xuất nông nghiệp năm 2017 và triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2017 - 2018, diễn ra hôm qua 16.11.

Đợt mưa lũ vừa qua làm nhiều địa phương mất trắng hơn 2.000ha hoa màu, rau quả vụ đông. Ảnh: N.S
Đợt mưa lũ vừa qua làm nhiều địa phương mất trắng hơn 2.000ha hoa màu, rau quả vụ đông. Ảnh: N.S

Sản lượng lương thực tăng

Báo cáo tại hội nghị, ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, trong 2 vụ đông xuân và hè thu của năm 2017 nông dân toàn tỉnh sản xuất tổng cộng 86.500ha lúa. Qua số liệu thống kê từ các địa phương cho thấy, năm 2017 năng suất lúa bình quân của Quảng Nam đạt 53,2 tạ/ha, tăng 2,1 tạ/ha so với năm ngoái. Nhờ năng suất tăng nên tổng sản lượng lúa của tỉnh trong năm nay đạt 460.800 tấn, tăng 19.059 tấn so với năm 2016. Ngoài cây lúa, năm 2017 toàn tỉnh gieo trồng hơn 12.000ha bắp các loại, tổng sản lượng đạt 59.062 tấn, tăng 858 tấn so với năm trước.

Ông Huỳnh Tấn Đức cho biết thêm, thời gian qua người chăn nuôi cũng tập trung phát triển mạnh đàn gia cầm. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có tổng cộng 5.950.000 con gia cầm, tăng 3,38% so với năm 2016. Trong khi đó, do khâu tiêu thụ quá khó khăn, giá bán sản phẩm tụt xuống thấp suốt một thời gian dài khiến nhiều hộ dân không mặn mà với việc đầu tư nuôi gia súc. Vì thế, hiện tổng đàn trâu, bò, heo giảm 62.157 con so với cùng kỳ năm trước. Trên lĩnh vực thủy sản, ông Đức nhìn nhận, thời gian qua các chính sách hỗ trợ khai thác thủy sản đã có tác động rất tích cực đối với ngư dân, động viên bà con mạnh dạn đầu tư phát triển năng lực tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên biển. Tổng sản lượng khai thác 10 tháng đầu năm 2017 ước đạt 77.500 tấn, tăng 5,6%  so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, sản lượng khai thác hải sản đạt 74.419 tấn, chiếm tỷ lệ 96,4%.

Mặc dù đạt được nhiều thành quả rất đáng ghi nhận nhưng ngành nông nghiệp tỉnh lại phải gánh chịu hậu quả nặng nề do đợt mưa lũ vừa qua. Trao đổi với PV Báo Quảng Nam bên lề hội nghị, ông Trương Xuân Tý – Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh cho biết, đợt mưa lũ vừa qua đã gây sạt lở tràn xả lũ của hồ chứa Nước Rôn (huyện Bắc Trà My). Cạnh đó, 54km kênh mương các loại và 46 đập thời vụ, đập kiên cố trên toàn tỉnh cũng bị lũ cuốn trôi hoặc gây sạt lở, hư hỏng nặng. Tại nhiều địa phương còn có 2.065ha hoa màu, 415.000 chậu cây cảnh, 2.929ha cây trồng khác bị ngập úng, hư thối, ngã đổ; hơn 3.700 con gia súc bị chết và 255.000 con gia cầm bị cuốn trôi…

Dốc sức cho vụ mùa mới

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, thông thường sau mưa lũ, nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm trên vật nuôi sẽ bùng phát mạnh. Vì vậy, ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương phải chú trọng khâu tuyên truyền, vận động người chăn nuôi liên tục vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc khử trùng trên phạm vi rộng. Đặc biệt, phải tổ chức tốt việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, nhất là dịch tai xanh, bệnh lở mồm long móng, dịch cúm A/H5N1…

Theo kế hoạch đặt ra, ngoài việc gieo trồng 9.500ha đậu phụng, 6.500ha bắp, 4.000ha khoai lang, 14.000ha sắn và 19.500ha rau đậu các loại thì trong vụ đông xuân 2017 - 2018 nông dân toàn tỉnh sẽ tổ chức sản xuất 42.00ha lúa, thời gian xuống giống bắt đầu từ ngày 30.12.2017 và kết thúc vào ngày 10.1.2018. Việc bố trí khung thời vụ trên là để cho lúa trổ từ ngày 20.3 đến ngày 5.4.2018, trổ tập trung từ ngày 25.3 đến ngày 31.3.2018 và thu hoạch xong trước ngày 5.5.2018. Ông Huỳnh Tấn Đức cho biết, so với những vụ đông xuân của các năm trước, mùa lúa đông xuân sắp tới thời gian gieo sạ triển khai chậm hơn 5 ngày nhằm lách tránh những đợt rét lạnh có khả năng xảy ra vào thời điểm đầu vụ.

Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều địa phương cho biết, do đợt lũ vừa qua gây thiệt hại quá nặng nên việc triển khai sản xuất vụ đông xuân 2017 - 2018 chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng. Ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, vụ tới nông dân trên địa bàn huyện sẽ tổ chức gieo trồng 2.800ha hoa màu các loại và xuống giống 4.400ha lúa. Thế nhưng, khó khăn lớn nhất của địa phương lúc này là mưa lũ đã gây sạt lở, bồi lấp hàng loạt tuyến kênh mương và 51 trạm bơm điện nằm ở các khu vực ven sông. Không chỉ vậy, 204ha đất canh tác bị cát đá bồi lấp nghiêm trọng. Đặc biệt, rất nhiều loại giống cây con như khổ qua, ớt, bầu, bí, đu đủ, cà tím, mướp… nhà nông đã gieo ươm trong bầu để chuẩn bị sản xuất cũng bị ngập úng, hư thối hoàn toàn, nhất là tại vùng chuyên canh rau quả Bàu Tròn có diện tích 50ha thuộc xã Đại An. Chính quyền nhiều nơi khác như Nam Giang, Điện Bàn, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nam Trà My… cũng cho biết rất khó khăn trong sản xuất vụ mới do hàng loạt công trình thủy lợi bị hư hỏng, đất sản xuất bị sa bồi thủy phá, giống cây trồng bị hư thối vì mưa lũ hoành hành.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, để việc triển khai sản xuất vụ đông xuân 2017 - 2018 đảm bảo theo đúng khung thời vụ, cơ cấu giống và mang lại thắng lợi thì ngay từ bây giờ ngành liên quan, chính quyền các địa phương và đặc biệt là nông dân phải tập trung mọi nỗ lực khắc phục thiệt hại với phương châm càng nhanh càng tốt. Nhằm đảm bảo cung ứng nước tưới cho cây trồng trong vụ tới, các cơ quan có trách nhiệm cần tích cực vận động nhân dân ra quân nạo vét, khơi thông những tuyến kênh mương, trạm bơm điện, lạch dẫn nước, đập thời vụ… bị đất cát bồi lấp. Đồng thời linh hoạt lồng ghép nhiều nguồn vốn khẩn trương tiến hành sửa chữa những công trình thủy lợi trọng yếu bị mưa lũ làm hư hỏng. Đối với những diện tích đất canh tác lúa bị cát đá bồi lấp nghiêm trọng, không thể cải tạo được thì ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền các cấp phải hỗ trợ nhà nông chuyển sang gieo trồng những loại hoa màu phù hợp, hạn chế tình trạng bỏ hoang đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, phải sớm liên hệ với các doanh nghiệp uy tín chuẩn bị đủ lượng giống lúa, rau màu có chất lượng để chủ động cung ứng cho nông dân sản xuất.

NGUYỄN SỰ

NGUYỄN SỰ