Lợi ích đôi đường nhờ làm lúa nước
Để hạn chế tình trạng phá rừng già làm nương rẫy nhưng vẫn bảo đảm lương thực trong nhân dân, huyện Bắc Trà My đã tập trung đầu tư khai hoang mở rộng diện tích lúa nước.
Huyện Bắc Trà My xác định đầu tư phát triển nông nghiệp nông dân nông thôn, trong đó khai hoang ruộng lúa nước được đặt lên hàng đầu, được ban ngành, mặt trận thực hiện bằng chương trình cụ thể. Đó là cuộc vận động nhân dân đầu tư công sức khai thác những nơi có thế nước để làm ruộng lúa nước. Các hội đoàn thể như nông dân, cựu chiến binh, đoàn thanh niên thường xuyên phát động phong trào khai hoang ở các xã, thôn. Hội Cựu chiến binh xã Trà Nú và thị trấn Trà My, mỗi năm huy động hơn 500 công khai hoang từ 5 sào đến 2ha ruộng lúa nước. Đồng bào Co, Ca Dong tại các xã Trà Giác, Trà Giáp, Trà Ca... cũng đã tích cực khai hoang làm ruộng lúa nước. Nhân dân tại các thôn vận động nhau khai hoang ruộng bằng cách đổi công. Nhờ vậy, hầu như nhà nào cũng có từ 2 sào lúa nước trở lên để sản xuất. Những địa phương có nhiều diện tích lúa nước là Trà Bui, Trà Đốc, Trà Nú, Trà Kót, Trà Giác, Trà Giáp, Trà Ca… Làm ruộng lúa nước không khó, tốn công không nhiều, lại “ăn chắc” hơn làm lúa rẫy nên bà con đồng bào trong huyện hưởng ứng tích cực. Nhiều hộ dân bỏ công sức san lấp, hình thành những thửa ruộng màu mỡ tốt tươi để sản xuất lúa 2 vụ.
Nhờ biết huy động tinh thần và nguồn lực nhiều phía nên diện tích ruộng lúa nước trên địa bàn huyện ngày một tăng lên. Năm 2000, huyện Bắc Trà My chỉ có hơn 500ha ruộng lúa nước, đến nay đã tăng lên 780ha. Điều đáng ghi nhận là, từ khi phát triển diện tích lúa nước, sản lượng cây có hạt theo đó dần tăng lên. Cách đây 10 năm, toàn huyện đạt tổng sản lượng lương thực cây có hạt, chủ yếu là cây lúa khoảng 4.000 - 4.500 tấn, bây giờ đã lên 8.500 tấn, tăng gần gấp đôi. Bà con đồng bào các xã vùng cao vùng xa không còn cảnh đói giáp hạt như trước. Nhiều hộ sản xuất dư thóc lúa rẫy bán cho các cơ sở chế biến rượu gạo lúa rẫy và trở thành đặc sản của huyện Bắc Trà My, tạo thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống của người dân. Từ bao đời nay, đồng bào Co, Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nông sống trên địa bàn huyện, chủ yếu phát đốt tỉa lúa rẫy, trồng khoai sắn, bắp... để có cái ăn. Vì vậy, mỗi năm bà con xâm lấn rừng già phát đốt gần 300ha để làm lúa rẫy. Hậu quả là gần 13.000ha rừng trên địa bàn huyện trở thành đất không có rừng. Những năm gần đây, được địa phương khuyến khích, hỗ trợ kinh phí khai hoang đất ruộng lúa nước nên tình trạng phá rừng đã giảm hẳn.
Chủ trương khai hoang, mở rộng diện tích trồng lúa nước của huyện Bắc Trà My nhận được sự đồng thuận cao của người dân, được các ban ngành đoàn thể vào cuộc quyết liệt nên đem lại kết quả khả quan. Bà con các dân tộc tiếp cận với lối canh tác mới, thâm canh tăng năng suất, từng bước ổn định nguồn lương thực tại chỗ. Nhờ thế, bà con không phá rừng làm rẫy, có nhận thức về quản lý bảo vệ rừng, thực hiện tốt pháp luật của Nhà nước quy định về quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn.
NGUYỄN THỊ HÒE