Sản xuất đậu phụng ở Bình Nam (Thăng Bình): Áp dụng cơ giới hóa
Thực hiện phương án tích tụ tập trung ruộng đất, lần đầu tiên người trồng đậu phụng ở xã Bình Nam (Thăng Bình) đã áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất và khâu thu hoạch trong quá trình sản xuất, bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ nét.
Nhờ áp dụng cơ giới hóa, năng suất đậu phụng ở Bình Nam tăng lên đáng kể. Ảnh: Tân Biên |
Vụ xuân hè năm 2017 vừa qua, anh Triệu Thanh Bình (thôn Đông Tác, xã Bình Nam, Thăng Bình) tham gia 10 sào đậu phụng vào mô hình tích tụ tập trung ruộng đất do HTX nông nghiệp Bình Nam triển khai. Trước đây từ lúc gieo trồng cho đến khâu thu hoạch đều được làm bằng tay, nhưng ở vụ này máy móc đã thay thế các công đoạn làm đất, gieo hạt và thu hoạch đậu phụng. Vụ vừa qua, năng suất ruộng đậu phụng của gia đình anh Bình đạt 20 - 22 tạ/ha, tăng 5 - 6 tạ/ha so với các năm trước. Theo anh, khi tham gia mô hình liên kết sản xuất cây đậu phụng, ban đầu nông dân hơi lo lắng. Thứ nhất, khi đưa máy móc vào làm đất thì bà con sợ không đảm bảo điều kiện như cày bằng trâu bò. Thứ nữa là quá trình gieo hạt bằng máy, mặc dù tiết kiệm lượng giống nhưng bà con sợ ảnh hưởng đến năng suất sau này. Trong quá trình sản xuất, nông dân phải tuân thủ theo quy trình bón phân, sử dụng thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, khi thu hoạch thì thấy năng suất cao hơn, bà con rất phấn khởi và tiếp tục đăng ký tham gia mô hình này ở các vụ tiếp theo. “Mấy năm trước để gieo trồng một sào đậu phụng thì mất rất nhiều thời gian. Có nhiều nhà phải nhờ người khác đến gieo hạt, nhưng bây giờ có máy móc thay thế, bà con bớt rất nhiều công lao động. Trong khi đó, năng suất lại cao hơn” - anh Bình nói.
Mỗi năm, xã Bình Nam có gần 1.700ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó 250ha dành để trồng cây đậu phụng. Mặc dù thời gian qua, địa phương đã thực hiện công tác dồn điền đổi thửa đối với 200ha đất lúa và quy hoạch cánh đồng mẫu trồng đậu phụng với diện tích 40ha tại thôn Đông Tác và Nghĩa Hòa, nhưng việc đưa cơ giới hóa các khâu trong sản xuất chưa đồng bộ. Trước thực trạng đó, đầu vụ đông xuân 2016 - 2017, Bình Nam đã triển khai chủ trương tuyên truyền và vận động người dân tham gia phương án tích tụ tập trung ruộng đất với 20ha liên kết sản xuất lúa ở vụ đông xuân 2016 - 2017 và 40ha liên kết sản xuất cây đậu phụng ở vụ xuân hè 2017. HTX Nông nghiệp Bình Nam đã đứng ra cung ứng các dịch vụ từ làm đất, gieo hạt giống đến khâu thu hoạch và cả dịch vụ cung ứng phân bón trả chậm. Đặc biệt, toàn bộ diện tích đậu phụng sản xuất ở vụ xuân hè này của bà con đã được HTX nông nghiệp Bình Nam bao tiêu. Theo ông Nguyễn Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Nam, bước đầu triển khai mô hình này, địa phương đã gặp nhiều khó khăn, không phải một sớm một chiều mà thay đổi được tập quán sản xuất của bà con. Do đó, việc tập trung tuyên truyền và trồng thử nghiệm để bà con thấy được lợi ích của việc liên kết là rất cần thiết. “Một thực tế của xã Bình Nam là hiện nay Khu công nghiệp Tam Thăng đi vào hoạt động đã thu hút hầu hết lao động trẻ tại địa phương, trong khi đó lao động phục vụ trên các cánh đồng hiện nay phần lớn là người lớn tuổi. Vì vậy nhu cầu liên kết sản xuất là rất lớn, nhất là việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất để thay thế con người sẽ là phương án khả thi” - ông Cảnh nói.
Trong quá trình triển khai mô hình liên kết sản xuất cây đậu phụng thông qua phương án tích tụ tập trung ruộng đất, Phòng NN&PTNT Thăng Bình, Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện đã tổ chức hướng dẫn cho bà con nông dân bón phân, phòng trừ sâu bệnh dịch hại đồng loạt trên cây đậu phụng, do đó các bệnh liên quan đến đến cây đậu đều giảm hẳn. Ông Hồ Ngọc Quảng - phụ trách Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện cho biết, phương án tích tụ tập trung ruộng đất ở Thăng Bình đã triển khai nhiều năm qua chủ yếu đối với cây lúa, còn với cây đậu phụng thì hoàn toàn mới. Do đó, lợi ích đầu tiên của bà con khi tham gia mô hình là sẽ nâng cao được kỹ năng thâm canh cây đậu phụng, tiếp cận các tiến bộ kỹ thuật. Về gieo tỉa bằng máy, lượng giống được tiết kiệm. Lúc trước, mỗi sào gieo trồng 9 - 10kg, bây giờ chỉ 5 - 6kg đậu phụng giống. “Hiện nay huyện Thăng Bình có hơn 2.500ha đất trồng cây đậu phụng ở mỗi vụ, nhưng sản xuất còn nhỏ lẻ và manh mún, vì vậy việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất cần được thực hiện. Sau thành công ở Bình Nam, chúng tôi sẽ khuyến cáo các xã có diện tích trồng cây màu lớn, nhất là các xã vùng đông của huyện thực hiện mô hình này”- ông Quảng nói.
MINH TÂN - GIANG BIÊN