Rầy tấn công lúa hè thu

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC 03/08/2017 08:37

Theo báo cáo mới nhất của Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Thăng Bình, địa phương có 3.500ha lúa hè thu bị nhiễm rầy nâu và rầy lưng trắng, trong đó gần 1.000ha nhiễm rầy nặng với mật độ 700 - 3.500 con/m2. Hiện nay các ngành chức năng của huyện tích cực tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng trừ bệnh trên cây lúa.

Bà Trần Thị Bình chuẩn bị phun thuốc để diệt rầy. Ảnh: Biên Thực
Bà Trần Thị Bình chuẩn bị phun thuốc để diệt rầy. Ảnh: Biên Thực

Gia đình bà Trần Thị Bình (tổ 9, thôn Trà Long, xã Bình Trung) có khoảng một mẫu ruộng đã bị nhiễm rầy, gia đình đang tích cực phun thuốc đặc hiệu để phòng trừ. Bà cho hay, theo kinh nghiệm của nông dân thì thời tiết nắng nóng xen kẽ mưa dông như hiện nay, nguy cơ phát sinh các loại rầy là rất cao. Hiện toàn bộ diện tích lúa của gia đình bà đã bị rầy đen gây hại, khiến cây lúa bị vàng lá. “Sau khi thăm đồng phát hiện sâu bệnh thì mình phải phun để phòng trừ. Tuy nhiên với thời tiết hiện nay, e rằng dịch bệnh trên cây lúa khó kiểm soát, ảnh hưởng đến năng suất sau này” - bà nói.

Hiện nay, lúa hè thu trên địa bàn huyện Thăng Bình đang ở thời kỳ cuối đẻ nhánh và đứng cái làm đòng. Đây là giai đoạn dễ bị dịch hại làm giảm chất lượng và năng suất lúa. Trong khi đó, thời gian qua, diễn biến thời tiết khá bất lợi đã khiến dịch bệnh trên cây lúa bùng phát mạnh. Theo ông Hồ Ngọc Quảng - phụ trách Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Thăng Bình, toàn huyện có 3.500ha lúa bị nhiễm rầy nâu và rầy lưng trắng, trong đó nhiễm nặng với mật độ 700 - 3.500 con/m2, có nơi cao nhất 10.000 con/m2 như ở các xã Bình Định Nam, Bình Định Bắc, Bình Lãnh, Bình Giang, Bình Tú, Bình Trung, Bình An. Cũng theo ông Quảng, ngay sau khi báo cáo tình hình dịch bệnh trên cây lúa, UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương tập trung phòng trừ. Theo đó, các ngành liên quan, UBND các xã, thị trấn phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, nắm chắc diễn biến tình hình gây hại của rầy nâu và rầy lưng trắng, tham mưu cho UBND huyện kịp thời chỉ đạo phòng trừ theo đúng quy định, quy trình.

Riêng đối với Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện thì đã có văn bản hướng dẫn các xã, thị trấn và nhân dân chủ động thăm đồng để  kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh để có biện pháp phòng trừ. Đồng thời phân công cán bộ tổ chức kiểm tra đồng ruộng, thống kê phân loại các đối tượng gây hại trên cây lúa và có biện pháp xử lý, ngăn chặn không để lây lan diện rộng. Bên cạnh đó, Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện đã triển khai tập huấn công tác phòng trừ sâu bệnh, hướng dẫn bà con dùng các loại thuốc đặc hiệu và phải phun thuốc đúng cách để có hiệu quả cao nhất. Ông Hồ Ngọc Quảng cũng khuyến cáo, để đạt hiệu quả diệt trừ cao, khi phun thuốc trừ rầy cần tuân theo nguyên tắc “4 đúng”. Phun thuốc trừ rầy cần đưa vòi phun xuống gốc lúa, nếu lúa quá dày phải rạch hàng để phun vào phần gốc, khi phun thuốc trên ruộng lúa phải có nước; nồng độ liều lượng phải thực hiện đúng hướng dẫn trên bao bì sản phẩm, chú ý đảm bảo lượng nước thuốc phun 30 - 32 lít/sào để đạt hiệu quả phòng trừ cao. Lưu ý không hỗn hợp thuốc trừ sâu, trừ bệnh với thuốc trừ rầy để tránh giảm mật độ thiên địch, côn trùng có ích trên đồng ruộng gây bộc phát rầy nâu ở cuối vụ.

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC

GIANG BIÊN - TRUNG THỰC