Nguy cơ sâu bệnh bùng phát mạnh
Những ngày qua, rầy nâu đã gây hại rất nhiều cánh đồng lúa hè thu của tỉnh. Theo ngành chuyên môn, nếu thời tiết vẫn diễn biến bất thường, thời gian tới một số đối tượng sâu bệnh nguy hiểm khác cũng sẽ bùng phát mạnh trên diện rộng…
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam vào hôm qua 27.7, bà Nguyễn Thị Sương – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật cho biết, hiện nay lúa hè thu đại trà đang trong giai đoạn làm đòng và chuẩn bị trổ, còn lúa gieo sạ muộn thì ở thời kỳ cuối đẻ nhánh - đứng cái. Nhìn chung các trà lúa đang sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, thời gian gần đây rầy nâu đã phát sinh, gây hại trên rất nhiều cánh đồng của tỉnh và có nguy cơ tiếp tục bùng phát mạnh trong những ngày tới. Bà Sương nói: “Qua số liệu thống kê sơ bộ, tính đến sáng 27.7 toàn tỉnh đã có không dưới 2.500ha lúa bị nhiễm rầy nâu với mật độ trung bình 500 - 1.000 con/m2, nơi cao lên đến 10.000 con/m2. Đặc biệt, loại rầy này gây hại nặng trên các chân ruộng sử dụng những giống lúa như TBR225, HT1, ML48, Bắc Thơm 7... Với điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ như hiện nay sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho rầy nâu gây hại mạnh trong thời gian đến”.
Để quản lý tốt tình hình rầy nâu trên đồng ruộng nhằm bảo vệ an toàn vụ sản xuất, lãnh đạo Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật đề nghị ngành liên quan và chính quyền các địa phương khẩn trương triển khai đồng bộ nhiều biện pháp. Theo bà Sương, đội ngũ cán bộ kỹ thuật của trạm trồng trọt & bảo vệ thực vật cấp huyện cần tích cực phối hợp với ban nông nghiệp cấp xã và lực lượng khuyến nông viên cơ sở thường xuyên khuyến cáo nông dân thăm đồng, vạch gốc lúa để kịp thời phát hiện rầy gây hại. Cần phải quan sát khắp mặt ruộng để phát hiện các ổ rầy cục bộ. Khi phát hiện rầy có mật độ bình quân từ 2.000 con/m2 trở lên thì dùng các loại thuốc đặc hiệu phun trừ. Riêng đối với các ổ rầy, cần khoanh vùng và phun thuốc thật kỹ để tránh lây lan. Đối với những diện tích lúa đang trong giai đoạn cuối đẻ nhánh - đứng cái, nhà nông nên dùng các loại thuốc trừ rầy như Map Judo 25WP, Applaud 10WP, Difluent 10WP, 25WP… để phun trừ. Còn đối với những diện tích lúa đang ở thời kỳ làm đòng - trổ thì sử dụng các loại thuốc trừ rầy gồm Chess 50WG, Meta Gold 800WP, Map arrow 420WP, Schez gold 500WG, Map Jono 700WP…
Trong khi đó, ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, ngoài đối tượng rầy nâu đang gây hại trên diện rộng, nếu trong thời gian tới thời tiết vẫn cứ nắng mưa xen kẽ giữa ngày thì chắc chắn các loại sâu bệnh nguy hiểm khác như khô vằn, đạo ôn, lem lép – thối hạt sẽ bùng phát mạnh ở thời kỳ lúa hè thu 2017 trổ rộ, nhất là trên những giống lúa mẫn cảm với bệnh gồm Thiên ưu 8, OM4900… “Bệnh khô vằn, đạo ôn, lem lép – thối hạt sẽ phát sinh và gây hại mạnh trong giai đoạn lúa trổ – chín, nhất là khi gặp mưa. Vì vậy, nông dân cần phải thường xuyên thăm đồng nhằm kịp thời phát hiện và đưa ra các biện pháp đối phó hữu hiệu. Để phòng trừ các loại bệnh nêu trên đạt hiệu quả cao, nhà nông cần bón phân cân đối cho ruộng lúa. Đặc biệt, phải tăng cường bón phân kali nhằm giúp cây lúa chống chịu tốt với điều kiện ngoại cảnh. Đồng thời đảm bảo đủ lượng nước trong ruộng lúc lúa trổ” – ông Lê Muộn khuyến cáo.
VĂN SỰ