Thực nghiệm mô hình canh tác lúa cải tiến SRI
“Nông dân học trồng lúa” chuyện thật tưởng như đùa này đang diễn ra tại các xã Trà Giáp, Trà Giác và Trà Ka (Bắc Trà My). Các hộ dân là đồng bào Ca Dong tham gia lớp học mô hình thâm canh lúa nước áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI theo đúng quy trình nhằm nâng cao năng suất cây lúa nước.
Vụ đông xuân vừa qua, bà con nông dân thôn 2 xã Trà Giáp đã được Trạm dịch vụ kỹ thuật tổng hợp nông nghiệp huyện cùng các cơ quan liên quan tạo điều kiện trồng thử nghiệm mô hình thâm canh lúa nước áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến SRI trên đồng ruộng. Có 40 hộ dân tham gia gieo sạ trên diện tích ứng dụng mô hình là 4ha. Trong thời gian trồng thực nghiệm, các hộ dân được tham gia lớp tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ thuật về canh tác lúa SRI như làm đất, vệ sinh đồng ruộng; giống và thời vụ; kỹ thuật bắc mạ, cấy, liều lượng phân bón và cách bón phân… Kết quả gieo sạ thực nghiệm trên diện tích ứng dụng thật khả quan. Niềm vui của bà con thôn 2 xã Trà Giáp được nhân lên bội phần, khi 4ha ruộng canh tác theo phương pháp SRI cho năng suất khá cao, đạt hơn 52 tạ/ha, sản lượng bình quân đạt 260kg/sào. So với các chân ruộng sản xuất theo tập quán truyền thống tăng 10 tạ/ha.
Đây là mô hình được học tập từ xã Trà Ka đã áp dụng hiệu quả trong những năm trước. Tham gia xây dựng mô hình canh tác lúa cải tiến SRI, 40 hộ dân thôn 2 xã Trà Giáp vừa học lý thuyết, vừa thực hành trên chính đồng ruộng của mình. Nhờ vậy, bà con nắm bắt được kỹ thuật sản xuất lúa theo chương trình canh tác lúa cải tiến SRI và biện pháp quản lý các đối tượng dịch hại theo chương trình IPM. Mặc dù chi phí đầu tư SRI cao hơn so với phương thức canh tác truyền thống nhưng mật độ hợp lý, bón phân cân đối theo đúng yêu cầu dinh dưỡng của cây lúa ở từng thời kỳ nên năng suất cao hơn. Nếu như trước đây, đồng bào Ca Dong không quen với việc làm đất, vệ sinh đồng ruộng và cấy dày, cấy sâu, thì nay họ biết áp dụng phương pháp bắc mạ mới, cấy thưa, cấy cạn hơn, vệ sinh đồng ruộng, bón phân đúng liều lượng cũng như quản lý nước, làm cỏ sục bùn… tất cả đều đúng quy trình và đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng tốt hơn.
Nhìn những bông lúa vàng óng ánh, trĩu nặng, mọi người đều vui mừng phấn khởi. Có thể nói, hiệu quả từ mô hình canh tác lúa cải tiến SRI triển khai tại thôn 2 xã Trà Giáp đã lan tỏa ra các nơi khác. Vụ hè thu năm nay, bà con nông dân tại các xã Trà Giác, Trà Giáp và Trà Ka tiếp tục trồng cây múa nước theo mô hình canh tác lúa cải tiến SRI. Với đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa của huyện, không dễ gì để họ thay đổi một tập quán canh tác, một phương thức sản xuất vốn có từ lâu. Cách làm mới phù hợp với đồng bào, cũng như việc tổ chức một lớp học kết hợp lý thuyết với thực hành trên đồng ruộng đã góp phần giúp họ thay đổi nếp nghĩ, cách làm để có năng suất lúa cao hơn.
TRẦN THỊ THẠNH