Chủ động đối phó với sâu cuốn lá nhỏ và rầy

MAI LINH 24/07/2017 09:04

Ngành nông nghiệp cho biết, 43.000ha lúa hè thu chính vụ trên địa bàn tỉnh đang trong giai đoạn làm đòng, dự kiến cuối tháng 7 dương lịch sẽ bắt đầu trổ. Tuy nhiên, qua kiểm tra tại nhiều địa phương, thời điểm này trên đồng ruộng đang nổi lên 2 đối tượng dịch hại gồm sâu cuốn lá nhỏ và rầy nâu, rầy lưng trắng.

Theo ông Nguyễn Văn Tân – Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật tỉnh, hiện tại sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện trên ruộng lúa với mật độ không cao (khoảng 3 - 5 con/m2) nhưng lại phân bố diện rộng. Với điều kiện thời tiết nắng mưa xen kẽ như những ngày qua là điều kiện thuận lợi để loại sâu này bùng phát mạnh, đặc biệt sẽ gây hại nặng đối với các chân ruộng bón thừa đạm, nằm ven làng hoặc thuộc khu vực trũng thấp. Trong khi đó, rầy nâu, rầy lưng trắng cũng đã phát sinh trên diện rộng và gây hại cục bộ tại một số nơi với mật độ bình quân 500 - 700 con/m2, có vùng ở huyện miền núi Tiên Phước lên đến 3.000 con/m2.

Trước tình hình trên, Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật tỉnh đề nghị ngành liên quan, chính quyền các địa phương, đội ngũ khuyến nông viên cơ sở và đặc biệt là nông dân phải chủ động đối phó với sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, rầy lưng trắng nhằm hạn chế thiệt hại. Ông Nguyễn Văn Tân khuyến cáo, đối với sâu cuốn lá nhỏ, phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng để kịp thời phát hiện sâu non tuổi nhỏ (tuổi 1 - 3), trong đó phải hết sức chú ý đến những chân ruộng bón thừa đạm, nằm ven làng. Khi thấy ruộng lúa xuất hiện sâu cuốn lá với mật độ từ 20 con/m2 trở lên thì cần phải khẩn trương dùng thuốc bảo vệ thực vật đặc hiệu phun trừ. Còn đối với rầy nâu, rầy lưng trắng thì cần vạch gốc lúa và quan sát khắp mặt ruộng để kịp thời phát hiện các ổ rầy cục bộ. Khi thấy rầy xuất hiện trên ruộng với mật độ bình quân 2 - 3 con/dãnh (hơn 2.000 con/m2 trở lên) thì dùng các loại thuốc đặc hiệu phun trừ. Riêng đối với các ổ rầy, cần phải khoanh vùng và phun thuốc thật kỹ để tránh lây lan. Cần lưu ý, không nên phun phòng hoặc phun khi mật độ rầy còn thấp nhằm tránh tình trạng rầy bộc phát ở giai đoạn cuối vụ hè thu 2017.

Để việc phòng trừ đạt hiệu quả cao, cơ quan chuyên môn yêu cầu khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng”, đó là đúng thuốc, đúng nồng độ - liều lượng, đúng lúc, đúng cách. Đặc biệt, phải đảm bảo phun đúng lượng nước thuốc trên đơn vị diện tích theo khuyến cáo ghi trên nhãn mác chai lọ, bao bì. Riêng đối với rầy nâu và rầy lưng trắng, khi phun thuốc cần đưa vòi phun vào phần gốc lúa, nơi rầy bu bám nhiều. Bên cạnh đó, nên giữ mực nước trong ruộng thích hợp để hạn chế tác hại của rầy, đồng thời tăng hiệu quả sử dụng thuốc. Một lưu ý nữa là, khi lúa chưa trổ đòng thì dùng thuốc trừ rầy thuộc nhóm lột xác (hoạt chất Buprofezin), còn lúc lúa đã trổ thì dùng thuốc trừ rầy thuộc nhóm diệt ngay (hoạt chất Imidacloprid, Thiamethoxam, Pymetrozin…).

MAI LINH

MAI LINH