Chuột gây hại lúa hè thu

GIANG BIÊN 26/06/2017 08:26

Thời điểm này, lúa hè thu đang giai đoạn vừa sạ, đẻ nhánh, tuy nhiên ở một số địa phương trên địa bàn huyện Thăng Bình, chuột đang gây hại nghiêm trọng, người dân phải sạ đi sạ lại...

Ông Võ Văn Quang đang rào chắn bao ni lông xung quanh để ngăn chuột cắn phá. Ảnh: Giang Biên
Ông Võ Văn Quang đang rào chắn bao ni lông xung quanh để ngăn chuột cắn phá. Ảnh: Giang Biên

Hơn 5 sào ruộng của gia đình ông Võ Văn Quang gieo sạ tại cánh đồng thuộc tổ 9 (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) đã phải sạ lại lần 2 nhưng vẫn không mấy khả quan bởi chuột tiếp tục cắn phá. Đã nhiều lần dùng bả diệt chuột nhưng vẫn không có tiến triển, lần này ông Quang dùng bao ni lông để rào chắn xung quanh với hy vọng giữ được 5 sào ruộng. “Ở khu vực này, năm nào chuột cũng cắn phá liên tục. Riêng vụ này, 5 sào ruộng của gia đình đã bị chuột cắn phá nghiêm trọng phải sạ lại. Nhưng hiện ba trong số 5 sào vẫn bị chuột cắn ở giữa ruộng” - ông Võ Văn Quang nói. Cánh đồng bên cạnh thuộc tổ 9 thị trấn Hà Lam cũng trong tình trạng tương tự. Gia đình ông Đặng Lý Hùng có 3 sào ruộng thì 2 sào phải sạ lại vì bị chuột phá. Theo  ông Hùng, do khu vực này gần khu dân cư nên chuột tập trung rất nhiều. Đầu vụ, người dân cũng đã huy động các hộ xung quanh để diệt chuột, nhưng bất thành. “Bây giờ ruộng của ai ở khu vực này cũng phải rào bao ni lông xung quanh để ngăn không cho chuột vào ruộng nhưng chẳng thấm vào đâu” - ông Hùng cho biết thêm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Ngọc Quảng - Phụ trách Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Thăng Bình cho biết, thời gian qua, các địa phương như Bình Nam, Bình Sa, Bình An đã ra quân diệt hơn 10.000 con chuột và trích kinh phí để hỗ trợ mua mỗi đuôi chuột 2.000 - 5.000 đồng. Nhờ đó, phong trào diệt chuột được tiến hành đồng loạt và duy trì trên các cánh đồng. Riêng đối với trạm, ngay từ đầu vụ đã có sự chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương đôn đốc người dân thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch hại trên cây lúa. Đồng thời từ nguồn ngân sách huyện Thăng Bình, trạm đã mua thuốc diệt chuột hỗ trợ cho các địa phương. Do chuột là loài sinh sản nhanh nên mặc dù đã tích cực huy động nhân dân áp dụng các biện pháp để diệt trừ bằng thủ công như đào bắt, bẫy bả nhưng vẫn không đạt hiệu quả cao.

Cũng theo ông Quảng, hiện nay ngoài các địa phương trên, thì một số nơi, việc ra quân diệt chuột vẫn mang tính hình thức. Các ngành quản lý triển khai chỉ đạo thì các địa phương mới làm và làm theo cho có phong trào. Lúc nào các cơ quan chuyên môn không nhắc nhở, địa phương sẽ lơ là ngay. “Đối với đặc thù như thị trấn Hà Lam nhiều nhà cửa, cống rãnh, đây chính là điều kiện trú ẩn an toàn cho chuột. Nhưng hiện nay, công tác chỉ đạo ở địa phương này còn nhiều hạn chế. Thậm chí, các đợt ra quân diệt chuột cũng không thực hiện nhiều. Nếu không chủ động tăng cường công tác diệt chuột, tình trạng chuột phá hại sẽ còn tái diễn” - ông Quảng cho biết thêm.

GIANG BIÊN

GIANG BIÊN