Thành công với mô hình nuôi ếch
Từng là sinh viên ngành cơ khí của Trường Cao đẳng Công nghệ Đà Nẵng nhưng anh Nguyễn Văn Hà (SN 1992, ở thôn Trung Đông, xã Duy Trung, Duy Xuyên) lại chọn con ếch để khởi nghiệp. Qua nhiều lần thất bại, tưởng chừng phải buông bỏ, song bằng sự nhiệt huyết, đam mê, anh Hà gặt hái được thành công với mô hình kinh tế “trái nghề” này.
Trại ếch với quy mô 17 hồ này được anh Hà đầu tư xây dựng với kinh phí hơn 50 triệu đồng. Ảnh: P.V |
“Máu” chăn nuôi
Đang là sinh viên năm 2 (năm 2012), Hà cùng một người bạn của mình đã kết hợp thử nghiệm mô hình chăn nuôi rắn mối tại Duy Xuyên. Tuy chỉ bắt đầu với số lượng con giống khá ít nhưng mô hình này đã cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực. Đối với anh Hà, đây là động lực để theo đuổi đam mê chăn nuôi mà anh đã ôm ấp bấy lâu. Thế nhưng, khi gia đình biết chuyện liền cấm tuyệt đối anh theo đuổi con đường này. “Thực ra thì gia đình cũng chỉ mong tôi tập trung học hành chứ không muốn phí thời gian vào việc khác. Thời điểm đó, tôi cũng chưa chia sẻ để mọi người hiểu được nguyện vọng của mình nên họ ngăn cản cũng là điều dễ hiểu” - anh Hà nói. Sau đó, anh Hà quyết định nghỉ học và vào TP.Hồ Chí Minh để trải nghiệm vốn sống. Vào đây, anh làm việc cho một công ty bồn nước nhưng trong lòng vẫn khao khát được thực hiện ước mơ theo đuổi ngành chăn nuôi. Năm 2014, anh về lại Duy Xuyên vì lý do gia đình và bắt đầu tìm hiểu để chọn đối tượng chăn nuôi phù hợp. Anh chia sẻ: “Chỉ cần vào trang Google, gõ tìm kiếm 2 từ “chăn nuôi” thì có rất nhiều kết quả cung cấp thông tin về các con vật nuôi cho giá trị kinh tế cao. Tôi đã mất một thời gian dài để chắt lọc nguồn thông tin đó và quyết định chọn con ếch để đầu tư”.
Theo anh Hà, ếch là con vật nuôi ít rủi ro. Nhu cầu của thị trường về ếch lúc nào cũng cao hơn so với nguồn cung bởi ếch có thể bán được dưới nhiều mặt hàng. Mặt khác, ếch cũng giàu chất dinh dưỡng và giá sản phẩm lại nằm ở mức trung bình. Sau đó, anh bắt đầu ra Huế và vào các tỉnh miền Tây Nam Bộ để học hỏi các mô hình nuôi ếch trên nhiều quy mô khác nhau. Trong những chuyến đi này, anh đã làm quen với những đầu mối cung cấp nguồn giống tốt và bắt cầu với các thương lái thu mua ếch thương phẩm. Hiện Hà nuôi khoảng 17.000 con ếch tại xã Duy Trung theo hình thức quay vòng ổn định số lượng, cung cấp thường xuyên ếch thương phẩm cho thị trường Quảng Nam và Đà Nẵng.
Vượt qua khó khăn
Thời gian qua, anh Hà còn tham gia các lớp kỹ năng sống, kỹ năng làm kinh tế tự lập dành cho các đoàn viên thanh niên ở địa phương với vai trò là thuyết trình viên. Tại đây, anh chia sẻ những kinh nghiệm trong chăn nuôi ếch của mình và cam kết sẽ hỗ trợ nếu các đoàn viên có mong muốn theo đuổi nghề này. Theo đó, những mô hình có liên kết với anh sẽ được hỗ trợ về kỹ thuật, con giống ban đầu chăn nuôi và bao tiêu đầu ra ếch thương phẩm. |
Theo anh Hà, giá ếch thương phẩm luôn nằm ở mức trên dưới 40 nghìn đồng/kg. Với quy mô hồ nuôi như hiện tại, mỗi tháng doanh thu từ mô hình nuôi ếch của anh đạt khoảng 70 triệu đồng, trừ chi phí, anh lãi ròng khoảng 30 - 40 triệu đồng. Tuy vậy, để có được kết quả này, những năm qua, anh đã trải qua rất nhiều khó khăn thử thách. Anh chia sẻ: “Dù đam mê chăn nuôi, nhưng khi bắt tay vào công việc này, tôi không có kiến thức nền. Mọi thứ đều phải học và chấp nhận những thất bại nhỏ để rút kinh nghiệm về sau. Những thất bại đó có khi là hy vọng bị vụt tắt hoặc số tiền đầu tư quá lớn bỗng dưng mất trắng chỉ sau 1 - 2 ngày”.
Hà kể, thời gian đầu, anh nhập 4.000 con ếch về nuôi với mong muốn sẽ tự nhân giống và chủ động được số lượng ếch thương phẩm về sau. Tuy nhiên, lúc đó, anh không phân biệt được đâu là ếch giống và ếch thương phẩm nên đã bị lừa mua toàn bộ ếch quá lứa. Hơn nữa, anh bỏ ra một khoảng tiền lớn để mua 4.000 con ếch nhưng thực chất chỉ được gần 2.500 con. Dù sau đó vẫn bán lại với giá vớt nhưng thất bại này đã khiến anh quyết tâm bỏ thời gian đi tìm hiểu cách phối ếch sinh sản. Thế nhưng thành công vẫn chưa đến với anh, dù đã 6 lần thực hiện phối giống ếch thử nghiệm. Lúc bấy giờ, anh Hà đã xây dựng được chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nên sau nhiều lần nhân giống không thành, anh phải nhập ếch thương phẩm từ Đồng Tháp để giữ mối kinh doanh. Anh nhập 1,4 tấn nhưng trên đường vận chuyển về đến Quảng Nam ếch đã chết hết 1 tấn. Dù vẫn tiêu thụ được 4 tạ ếch còn sống, nhưng anh lại tiếp tục bị thương lái ép giá và cuối cùng bị thiệt hại hơn 50 triệu đồng từ vụ này.
Trải qua nhiều thăng trầm, anh Hà mới rút ra được cho mình những kinh nghiệm quý mà chẳng có tài liệu hay người nào chỉ dạy. Anh chia sẻ: “Khởi nghiệp từ con ếch thực sự không khó nhưng phải nắm được những kiến thức cơ bản về thuộc tính của ếch. Nuôi ếch quan trọng nhất là phải giữ nguồn nước cho sạch sẽ. Con ếch trong môi trường sạch và đủ các chỉ số cần thiết thì sẽ tự sinh sản. Ngoài ra, nhiệt độ cũng là điều kiện hết sức cần thiết để quyết định đến năng suất sinh sản và tốc độ phát triển của con ếch” - anh Hà chia sẻ.
Để ứng phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày càng khắc nghiệt như hiện nay, sắp tới, anh Hà sẽ đầu tư xây dựng nhà kính và bắt đèn sợi đốt nhằm điều hòa nhiệt độ trong hồ nuôi. Mặc khác, anh sẽ chú trọng xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi để giảm rủi ro và nâng cao chất lượng quản lý, chăm sóc. “Để tạo được uy tín, trong năm nay, tôi sẽ hoàn tất các thủ tục để thành lập công ty nhằm tạo thương hiệu riêng. Từ đó sẽ mở rộng thị trường ếch ở Quảng Nam và các tỉnh thành lân cận” - anh Hà chia sẻ thêm.
PHAN VINH