Tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở Thăng Bình
Thăng Bình đang nỗ lực thúc đẩy tích tụ, tập trung ruộng đất để sản xuất hàng hóa lớn, nâng cao giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích.
Nâng cao giá trị
Bình Định Nam là xã nằm ở phía tây huyện Thăng Bình, diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 915ha, lao động nông nghiệp chiếm 85% dân số. Do không chủ động nguồn nước tưới nên canh tác lúa gặp nhiều khó khăn. Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện, Bình Định Nam chủ động chuyển đổi trồng lúa sang trồng đậu phụng và bắp xen canh với đậu xanh. “Với tình hình biến đổi khí hậu ngày một phức tạp mà nước tưới tại các hồ đập bấp bênh thì chuyển đổi sang cây trồng cạn là phù hợp. Chuyển đổi trồng lúa sang đậu phụng ở vụ đông xuân và bắp xen canh với đậu xanh ở vụ hè thu đã cho thấy hiệu quả gấp đôi, nâng cao thu nhập cho người dân” - ông Trần Quốc Bảo - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Định Nam cho biết.
Tập trung ruộng đất là cơ sở quan trọng để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở huyện Thăng Bình. Ảnh: N.Q.V |
Thành quả của xã Bình Định Nam càng đáng ghi nhận hơn khi thời gian đầu mới triển khai mô hình, nhiều hộ nông dân tỏ ra thiếu tin tưởng vào tái cơ cấu sản xuất. Bởi, người dân vẫn giữ quan niệm cũ, trồng lúa là chính còn trồng bắp, đậu xanh, đậu phụng chỉ là thứ yếu. Công tác tuyên truyền, vận động nông hộ được quan tâm đặc biệt. Ông Nguyễn Trí ở thôn Châu Xuân Tây nhớ lại: “Lúc đó chính quyền quả quyết canh tác cây trồng cạn sẽ đem lại hiệu quả cao. Lúc đầu thử nghiệm, tôi trồng ít, thấy đạt nên mở rộng diện tích trồng thêm”. Những vụ vừa qua, gia đình ông Trí cũng như nhiều hộ nông dân khác ở thôn Châu Xuân Tây thu được trung bình 35 tạ đậu phụng/ha. Tổng thu từ canh tác đậu phụng của nông hộ đạt mức gần 3 triệu đồng/sào. “Chúng tôi ứng dụng quy trình thâm canh tổng hợp, về giống chủ yếu sử dụng giống đậu phụng LDH.01 và TB25. Nhờ áp dụng cơ giới hóa làm đất, ứng dụng chế phẩm sinh học, quản lý bệnh hại chặt chẽ nên mô hình đem lại thành công” - ông Nguyện Trại, ở thôn Châu Xuân Tây nói.
Hiện 22 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Thăng Bình đều tập trung chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, phân tán sang tập trung với diện tích lớn nhằm nâng cao chất lượng, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích. Nâng cao giá trị, tăng lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp, lấy quy hoạch sản xuất làm cơ sở để xây dựng kế hoạch tái cơ cấu phát triển ngành nông nghiệp từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là đích đến trong phát triển nông nghiệp bền vững của Thăng Bình. Theo UBND huyện, để triển khai tái cơ cấu nông nghiệp, địa phương chú trọng xây dựng cánh đồng mẫu, các cánh đồng tập trung, quy hoạch giao thông nội đồng kết hợp thủy lợi nội đồng. Huyện quy hoạch sản xuất tập trung chuyên canh cho từng loại cây trồng, đậu phụng tại xã Bình Quý; bắp ở Bình Chánh, Bình Định Nam, Bình Trung, Bình Nguyên; rau an toàn ở Bình Sa, Bình Triều, thị trấn Hà Lam; nếp Hương Bầu ở Bình Giang, Bình Định Nam, lúa chất lượng cao ở thị trấn Hà Lam.
Sản xuất hàng hóa
Tái cơ cấu nông nghiệp là ưu tiên hàng đầu, vì vậy, nhiều địa phương của huyện Thăng Bình chú trọng sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Cách sản xuất này không thể canh tác trên những diện tích manh mún, nhỏ lẻ, cần phải thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất. Ông Nguyễn Văn Việt - Bí thư Đảng ủy xã Bình Định Nam phân tích, mặc dù đồng ruộng tại địa phương đã bước đầu được dồn điền, đổi thửa nhưng chỉ dừng lại ở diện tích được giao theo định mức cho mỗi hộ. Với yêu cầu sản xuất hàng hóa, diện tích đất tập trung hiện tại chưa đủ lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa nông nghiệp sẽ không được thuận tiện và toàn diện. Do đó bắt buộc phải tích tụ, tập trung ruộng đất để tạo đà cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, có liên kết sản xuất, tạo ra sản phẩm hàng hóa có năng suất và chất lượng cao hơn. Và điều đó khiến cho quá trình tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng được thuận lợi, bền vững. Ông Nguyễn Công Danh - Chủ tịch UBND xã Bình Định Nam kiến nghị UBND huyện có cơ chế đặc thù hỗ trợ cho đơn vị trực tiếp tổ chức thực hiện tích tụ, tập trung ruộng đất là Hợp tác xã nông nghiệp Bình Định Nam. UBND xã Bình Định Nam cũng đề xuất Sở NN&PTNT tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ địa phương một phần kinh phí đầu tư xây dựng hạ tầng nông nghiệp.
Ông Nguyễn Xuân Vũ - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình cho biết, quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất cũng như tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã đạt được một số thành tựu quan trọng. Trong năm nay, huyện thực hiện tập trung ruộng đất trên tổng diện tích 145ha. Ngoài xã Bình Đào và thị trấn Hà Lam đã đạt nhiều kết quả trong tích tụ ruộng đất, huyện tập trung vào các xã điểm là Bình Sa với 30ha, tập trung ở thôn Châu Khê 15ha và Tiên Đõa 15ha, cơ cấu cây trồng là lúa ở vụ đông xuân, đậu phụng ở vụ xuân hè, bắp ở vụ hè thu; xã Bình Trung với 20ha tại thôn Vĩnh Xuân, với 2 đối tượng chính là lúa và bắp. Giải pháp để huyện Thăng Bình triển khai là tranh thủ, vận dụng các nguồn lực hỗ trợ từ trung ương đến địa phương; huy động các nguồn lực từ các doanh nghiệp đầu tư vào thuê đất sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm ngành nông nghiệp; liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, các địa phương, các hợp tác xã; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư thuê đất dài hạn trả tiền một lần, giao khoán lại cho tổ chức có năng lực tổ chức sản xuất và áp dụng hỗ trợ cho hợp tác xã, tổ hợp tác tích tụ, tập trung ruộng đất.
NGUYỄN QUANG VIỆT