Bài toán thương hiệu dược liệu Quảng Nam

Thực hiện chuyên đề: HOÀNG LIÊN 05/06/2017 08:48

Từ rất lâu, dược liệu xứ Quảng đã có danh thơm trong sử sách. Thế nhưng, vẫn thiếu những mắt xích hoàn hảo để “thương mại hóa” thương hiệu, người dân được hưởng lợi chứ không chỉ dừng ở danh xưng.

CẦN HỖ TRỢ MẠNH MẼ

Đẩy mạnh triển khai cơ chế khuyến khích trồng cây dược liệu dưới tán rừng, xây dựng thương hiệu cho vùng dược liệu, phát triển thành “sản phẩm quốc gia” đang là hướng đi của tỉnh.

Hiện thực hóa cơ chế, chính sách

Quảng Nam là địa phương khá phong phú, đa dạng về chủng loại cây dược liệu, trong đó có 36 loài cây thuốc nằm trong “Sách đỏ Việt Nam”, có trên 832 loài, 593 chi, 190 họ thực vật làm thuốc. Có nhiều loài quý như: sâm Ngọc Linh, quế, ba kích, đảng sâm, giảo cổ lam, hoàng đắng, sa nhân, ngọc cẩu, lan kim tuyến, chè dây, ngũ vị tử… Chưa kể, 4 loài dược liệu được phát hiện mới như dù dẻ đỏ, khế đất, gờ rồng, ba chạc lá đỏ. Hiện diện tích cây dược liệu dưới tán rừng trên địa bàn tỉnh khoảng 500ha, chủ yếu sâm Ngọc Linh 68ha, đảng sâm 296ha, đương quy 50ha, ba kích 48ha, sa nhân 40ha…

Cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Ảnh: H.L
Cây sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Ảnh: H.L

Có được kết quả bước đầu trên, ngoài cơ chế, chính sách của Trung ương, Quảng Nam đã ban hành một số cơ chế, chính sách phát triển cây sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu truyền thống. Có thể kể đến Quyết định số 395/QĐ-UBND tỉnh năm 2016 về phê duyệt Quy hoạch bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn Nam Trà My giai đoạn 2016-2020 và định hướng 2030; Nghị quyết 168/2015/NQ-HĐND về cho thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm, Quyết định số 34/QĐ-UBND tỉnh ban hành quy định cho thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm. Về cây dược liệu có Nghị quyết số 202/2016/NQ-HĐND tỉnh về Cơ chế khuyến khích bảo tồn và phát triển một số cây dược liệu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, Quyết định 2950/QĐ-UBND về triển khai Nghị quyết 202 của HĐND tỉnh, Quyết định số 12 của UBND tỉnh về Quy định chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2016-2020…

Ngoài phát triển vùng sâm, huyện Nam Trà My đã chủ động trong việc triển khai dự án bảo tồn và phát triển trồng cây dược liệu trên địa bàn 10 xã với tổng giá trị hơn 15 tỷ đồng. Nhiều vườn ươm giống cây dược liệu của huyện ra đời, các mô hình trồng cây dược liệu đã hình thành trong dân, được xem là cây “giảm nghèo” hiệu quả. Tại Tây Giang, diện tích cây ba kích không ngừng tăng lên với 129,9ha, đảng sâm là 374,43ha, cây sâm Ngọc Linh di thực được bàn giao cho Công ty CP Dược sâm Ngọc Linh là 23.000 cây.

Tây Giang hiện có 2 cơ sở sản xuất rượu ba kích, đảng sâm (Chính Châu và Đức Huy) và một đơn vị sản xuất nước uống bổ dưỡng sâm Tây Giang (Công ty CP Thương mại dược sâm Ngọc Linh) đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp logo chứng nhận độc quyền, kiểm định đầu vào lẫn đầu ra sản phẩm. Nhờ đó, việc tiêu thụ ba kích ổn định, giá cả dao động 120 - 500 nghìn đồng/kg, đảng sâm 130 - 170 nghìn đồng/kg. Ông Lê Văn Hiếu - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tây Giang cho biết: “Bên cạnh kết quả bước đầu, việc phát triển cây dược liệu trên địa bàn huyện vẫn tồn tại một số vướng mắc. Đó là chưa có quy hoạch chung trên địa bàn huyện về phát triển cây dược liệu nên việc trồng trong dân còn nhỏ lẻ, phân tán, khó quản lý. Việc huy động đóng góp của nhân dân, nhất là hộ nghèo trong Quyết định 2950/QĐ-UBND tỉnh gặp khó khăn do không có kinh phí đối ứng. Chưa có cơ sở cung cấp giống đảng sâm đạt chất lượng. Việc lập thủ tục thuê đất dưới tán rừng không thuận lợi do UBND tỉnh chưa ban hành quy hoạch phát triển cây dược liệu”.

Xây dựng “sản phẩm quốc gia”

Tại Hội nghị toàn quốc về cây dược liệu tại Lào Cai vào tháng 4.2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Cần xem cây dược liệu là sản phẩm quốc gia, cần đầu tư mạnh nghiên cứu, giám sát chất lượng, bảo vệ bí mật về nguồn gen. Có chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển cây dược liệu, một loại hình nông nghiệp công nghệ cao; có cơ chế hỗ trợ, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm, đảm bảo việc sản xuất nguyên liệu đi liền với công nghiệp chế biến gắn với thị trường”.

Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Quảng Nam, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế của tỉnh, trong đó có lĩnh vực liên quan là cây dược liệu. Có tiềm năng to lớn về nông nghiệp hữu cơ, lâm nghiệp và dược liệu với những giá trị độc đáo nhưng hiệu quả xúc tiến thương mại và đầu tư còn thấp.

Năm 2016, Đề án quốc gia về sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) đã được Chính phủ phê duyệt, bên cạnh việc Cục Sở hữu trí tuệ cấp chỉ dẫn địa lý “Trà My” cho sản phẩm sâm củ, đã mở ra cơ hội lớn cho vùng sâm. Dự án đang trong giai đoạn khởi động liên quan đến đầu tư hạ tầng giao thông, nhất là cơ chế cho thuê diện tích rừng để trồng sâm. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, địa phương hiện có khoảng 200ha trồng sâm Ngọc Linh và giai đoạn 2016-2020 cho tới năm 2030, diện tích trồng sâm theo quy hoạch dự kiến mở rộng lên 15.000ha.

Cùng với đó, huyện cũng trồng cả nghìn héc ta quế và cây dược liệu có giá trị cao như sâm nam, giảo cổ lam, đương quy, sơn tra, sâm nhung… Với mục tiêu phát triển Nam Trà My trở thành trung tâm dược liệu của Việt Nam, theo cơ chế ưu đãi, mỗi doanh nghiệp được thuê đất trồng sâm dưới tán rừng trong vòng 25 năm, tức đủ 3 chu kỳ trồng sâm với diện tích tối đa 300ha và mức giá cho thuê là 200.000 đồng/ha/năm. Trước mắt, có 4 doanh nghiệp được tỉnh ưu tiên hỗ trợ trồng sâm đợt này. Người dân trồng sâm sẽ được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng, miễn phí dịch vụ, chưa kể được bảo vệ vòng ngoài và hỗ trợ kỹ thuật, được hỗ trợ sâm giống nếu đăng ký thoát nghèo, hỗ trợ vay vốn trồng sâm… “Cùng với tổ chức lễ hội sâm, huyện Nam Trà My xúc tiến thành lập hội sản xuất kinh doanh sâm Ngọc Linh, xây dựng chợ đầu mối sâm Ngọc Linh, khảo sát xây dựng nhà máy chế biến sâm Ngọc Linh trên địa bàn”  - ông Hồ Quang Bửu cho hay.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói, tỉnh đã có nhiều động thái tích cực trong việc hỗ trợ giống cho nhân dân trồng và phát triển cây dược liệu. Quy hoạch tổng thể phát triển cây sâm Ngọc Linh, cây dược liệu đã có; nghị quyết chuyên đề về phát triển cây sâm Ngọc Linh, cây dược liệu nói chung đã thực thi. Tỉnh có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào vùng sâm, cho nhóm hộ và doanh nghiệp thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm. Đề án quốc gia về sâm Ngọc Linh đang khởi động. Tỉnh Quảng Nam và Kon Tum đã kiến nghị Chính phủ công nhận sâm Ngọc Linh là thương hiệu quốc gia… Đó là nỗ lực rất lớn của tỉnh cũng như sự quan tâm, hỗ trợ của trung ương.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cũng kiến nghị trung ương cần có cơ chế hỗ trợ Quảng Nam về nguồn giống, nhân giống vô tính lẫn hữu tính đối với cây sâm Ngọc Linh. “Cần có sự vào cuộc của các nhà khoa học trong việc ban hành quy trình chuẩn, phòng chống dịch bệnh trên cây sâm cũng như quản lý về chất lượng, tránh tình trạng giả mạo sâm Ngọc Linh. Cùng với đó, trung ương cần sửa đổi cơ chế 210, tạo điều kiện, thu hút doanh nghiệp vào vùng sâm, cho thuê dịch vụ môi trường rừng, tích tụ đất rừng trồng sâm, tạo công ăn việc làm cho người dân bản địa. Bên cạnh đó, cần có cơ chế mở liên doanh 4 nhà trồng sâm, trồng cây dược liệu gắn với chế biến sâu…” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

TẠO VÙNG CHUYÊN CANH

Trên đất Quảng, một số vùng chuyên canh cây dược liệu bước đầu hình thành, bên cạnh “thủ phủ” sâm Ngọc Linh và dược liệu tại Nam Trà My.

Thành công với ba kích

Xã Lăng (Tây Giang) được xác định trên bản đồ thương hiệu đặc sản vùng với cây ba kích, đặc biệt là loài cây ba kích tím có giá trị kinh tế cao. Ba kích tím được phát hiện nhiều ở địa phương này từ năm 2006, đi liền với nguy cơ tuyệt chủng do khai thác cạn kiệt. Từ một vài vườn giống ba kích tím trong dân, ví như vườn của ông Bríu Pố cộng với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, vùng ba kích tím xã Lăng đã hồi sinh. Năm 2013, vườn ươm giống ba kích xã Lăng ra đời là địa chỉ cung ứng giống cho địa phương và vùng lân cận. Cũng từ vườn giống này, diện tích trồng cây ba kích dưới tán rừng xã Lăng hiện đã lên tới 200ha.

Cây táo mèo di thực đã cho quả tại xã A Xan. Ảnh: H.L
Cây táo mèo di thực đã cho quả tại xã A Xan. Ảnh: H.L

Ông Bríu Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Lăng cho hay: “Ước tính, mỗi héc ta trồng ba kích, tương đương 10.000 cây, trong vòng 3 - 5 năm, người dân thu về cả tỷ đồng là có thật. Nhờ đó, nhiều hộ ở xã Lăng giàu lên từ cây ba kích”. Mô hình Tổ hợp tác vườn ươm giống cây ba kích xã Lăng do ông Bríu Hùng, Nguyễn Bá Hiển và hai thành viên khác đã ra đời từ năm 2013 tới nay, là hướng đi mới đầy hiệu quả. Ông Nguyễn Bá Hiển - Phó Chủ tịch UBND xã Lăng, người có công lớn trong việc lập vườn ươm, nhân giống, phục hồi cây ba kích tím chia sẻ, 4 thành viên tổ hợp tác đi lên từ nguồn vốn 150 triệu đồng ban đầu. Nay, vườn ươm của tổ hợp tác có năng lực sản xuất 90.000 cây mỗi năm. Ước tính, sau khi trừ chi phí, nhân công, tiền giống, mỗi năm, tổ hợp tác có lãi hơn 550 triệu đồng. “Sắp tới, chúng tôi sẽ thành lập HTX vườn ươm ba kích xã Lăng. Mục tiêu phát triển thương hiệu cây giống đặc hữu của vùng cao Tây Giang” - anh Hiển nói. Cũng theo anh Hiển, chuyện một gia đình sở hữu 1 - 5ha ba kích cho tới cả chục héc ta ở xã Lăng vốn không hiếm. Ngoài Bríu Pố, còn có Hớih Ôi, Clâu Năm, Clâu Nghi. Bản thân anh Hiển cũng sở hữu 10ha ba kích dưới tán rừng…

Trên đất Tây Giang, hai cơ sở sản xuất rượu ba kích Chính Châu và Đức Huy mấy năm qua bước đầu giúp tiêu thụ nguyên liệu ba kích tại chỗ, góp phần tăng thu nhập cho người dân bản địa. Ngoài ra, còn nhiều điểm thu mua ba kích nhỏ lẻ nằm rải rác trong dân. “Từ chỗ khai thác tự nhiên theo kiểu tận diệt, người dân xã Lăng đã biết nhân giống, trồng xen dưới tán rừng. Không chỉ bán củ, nhiều hộ còn bán dây để trồng nhân giống. Có hộ chỉ 10 ngày đã thu nhập từ 2 triệu đồng tiền bán dây. Còn củ tươi, giá ba kích các loại dao động từ 120 - 500 nghìn đồng/kg. Song, việc bán củ, bán dây hiện ở mức cầm chừng, cơ bản bà con trồng nhân rộng là chính, bởi loài cây này càng để lâu năm củ càng có giá trị cao và chất lượng tốt” - ông Hiển cho biết.

Vùng dược liệu di thực

Tây Giang có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các cây dược liệu giá trị từ những mô hình di thực giống táo mèo, dâu tây, sâm Ngọc Linh trồng tại các xã vùng cao A Xan, Ch’Ơm, Ga Ri, Tr’Hy. Thời điểm năm 2016, Công ty CP Thương mại dược  sâm Ngọc Linh phối hợp với UBND xã A Xan (Tây Giang) triển khai trồng thử nghiệm cây dâu tây trên diện tích 500m2. Ban đầu, công ty lấy giống dâu con từ Đà Lạt với 40 gốc. Mô hình này không sử dụng bất kỳ loại thuốc trừ sâu cũng như phân bón nào, chỉ sử dụng phân hữu cơ với mức độ vừa phải, để cây phát triển tự nhiên trong điều kiện khí hậu mát mẻ ở vùng núi cao. Ông Ploong Hí, người dân xã A Xan chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc và trồng thử nghiệm cây dâu tây chia sẻ, giống dâu tây được trồng thử nghiệm có xuất xứ từ Nhật Bản và thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu trên vùng núi Tây Giang. Qua thời gian trồng thử nghiệm, cây dâu tây phát triển tốt, nhiều gốc đã kết trái và mỗi cây cho khoảng 15 trái. Về chất lượng, trái dâu tây trồng tại A Xan có vị ngọt, thanh, hương thơm hấp dẫn, căng tròn, mọng nước. Do đặc thù giống này chỉ thích nghi được với mùa khô nên công ty chủ yếu khai thác trồng vào mùa hè là chính.

Ngoài ra, các xã vùng cao Tây Giang còn trồng cây táo mèo di thực từ phía Bắc trên diện tích vài héc ta tập trung và rải rác trong dân. Đến nay, các mô hình trồng khảo nghiệm bắt đầu cho thu hoạch, cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, giúp người dân thu lợi cải thiện đời sống. Ông Tơ Ngol Tờ - Phó Chủ tịch UBND xã A Xan, cho hay: “Mô hình trồng dâu tây là mô hình công nghệ cao ở Tây Giang, bước đầu trồng thử nghiệm cây phát triển tốt, chất lượng trái ngon. Sắp tới, xã sẽ phối hợp với công ty lên danh sách các hộ tham gia và mở rộng trồng cây dâu tây trên tổng diện tích 21ha nhằm giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Một trong những mục tiêu mà công ty và chính quyền địa phương hướng tới là đăng ký thương hiệu “dâu tây A Xan”, theo đó toàn bộ đầu vào lẫn đầu ra đều được công ty bao tiêu toàn bộ”.

Từ sự vào cuộc của Hiệp hội mắc ca Việt Nam và huyện Nam Trà My, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, mô hình trồng khảo nghiệm cây mắc ca đã triển khai tại xã Trà Nam, huyện Nam Trà My. Bước đầu, cây mắc ca được trồng khảo nghiệm ở vườn ươm xã Trà Nam, cây khảo nghiệm phát triển tốt. Tại xã Tr’Hy (Tây Giang), cây mắc ca được trồng thí điểm ở thôn Voòng 1, thôn Dầm 1, thôn Voòng 2 - Ahar, thôn Abanh 2 với diện tích khảo nghiệm 2ha. Đồng thời đã tập huấn kỹ thuật đến người dân, tổ chức đào hố, ủ phân và cung ứng nguồn giống vào cuối tháng 5 vừa qua. Tại xã Ch’Ơm, mô hình trồng ở 2 thôn A Choong và Re’h. Tham gia mô hình, người dân sẽ được hỗ trợ cây giống, hỗ trợ vốn vay để trồng. Được biết, nguồn hỗ trợ giống, tập huấn kỹ thuật được trích từ kinh phí sự nghiệp khuyến nông - khuyến lâm của huyện.

LỘ TRÌNH DÀI

Thời gian qua, đề án phát triển vùng dược liệu của tỉnh đã nhận được sự đồng thuận từ trung ương và các bộ, ngành liên quan. Thế nhưng đây là lộ trình dài, cần sự chung tay không chỉ ở cấp quản lý, mà cả người dân trong vùng quy hoạch, mới có thể thành công.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến tháng 2.2017, có khoảng 200 cơ sở kinh doanh dược liệu trên toàn quốc, khoảng 226 cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền. Trước xu thế chung này, các địa phương liên quan đã chủ động xây dựng, phát triển và bảo hộ cho sản phẩm thương hiệu nhằm tạo lộ trình phát triển bài bản, tránh trình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan. Năm 2016, Sở KH&CN Quảng Nam phối hợp với Kon Tum đã đăng ký thành công chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ của vùng núi Ngọc Linh.

Hàng dược liệu được bày bán trôi nổi tại chợ ven đường. Ảnh: H.L
Hàng dược liệu được bày bán trôi nổi tại chợ ven đường. Ảnh: H.L

Đây được xem là “lá bùa” chống tình trạng sâm giả tràn lan hiện nay. Để tăng cường hiệu quả quản lý, kiểm soát chất lượng, nguồn gốc đầu vào lẫn đầu ra cây dược liệu, giải pháp được Bộ Y tế chú trọng là phát huy thế mạnh cây dược liệu trong nước, xây dựng hệ thống phát triển nguồn dược liệu sạch. Cụ thể là từ năm 2014 tới nay, Bộ Y tế tích cực chỉ đạo các đơn vị phối hợp với UBND tỉnh chủ động thực hiện nuôi trồng dược liệu, phát huy thế mạnh về cây dược liệu sẵn có, tổ chức tiếp nhận bản công bố dược liệu sản xuất theo GAP-WHO cho 11 cây dược liệu gồm: trinh nữ hoàng cung, cỏ nhọ nồi, actiso, bìm bìm biếc, rau đắng đất, đinh lăng, diệp hạ châu, tần dày lá, dây thìa canh… từng bước khuyến khích doanh nghiệp trồng, đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất chất lượng tốt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà chức trách, với hệ thống cây dược liệu phong phú, đa dạng, giàu tiềm năng như Việt Nam thì con số 11 cây dược liệu được sản xuất theo GAP-WHO là con số quá nhỏ bé, khiêm tốn. Theo định hướng của Chính phủ, giai đoạn 2017 - 2020, cả nước sẽ có khoảng 20 cây dược liệu sản xuất theo GAP-WHO có sự liên kết giữa 4 nhà.

Dù còn ít ỏi, song mô hình dược liệu sạch đã được một số doanh nghiệp trong nước chú trọng trong xây dựng thương hiệu. Tại Quảng Nam, Công ty CP Dược sâm Ngọc Linh với mô hình di thực cây sâm Ngọc Linh trồng ở xã Ch’Ơm (Tây Giang), mô hình trồng cây dâu tây Nhật Bản, sả chân… ở vùng cao Tây Giang nhằm tạo nguyên liệu ổn định trong sản xuất, chế biến. Ngoài ra, Công ty CP Dược sâm Ngọc Linh, Công ty CP Hoa Thiên Phú, Công ty CP Giấy miền Trung, Công ty Tân Nghĩa Sơn cũng đã được tỉnh hỗ trợ cơ chế thuê dịch vụ môi trường rừng để ươm, trồng giống sâm và một số cây dược liệu tại Nam Trà My trên cả 1.000ha đất rừng. Hay như Công ty CP Dược liệu Quảng Nam với mô hình liên kết trồng cây cà gai leo trên diện tích 10ha ở Thăng Bình, 1ha ở Tam Đại; trồng cây nghệ đỏ ở Tam Thành, Tam Dân…

Tháng 9.2015, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc đồng ý cho phép UBND tỉnh triển khai đề án bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) đến năm 2030 nhằm bảo vệ nguồn gen quý, kết hợp bảo vệ và phát triển rừng, xóa đói giảm nghèo ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh. UBND tỉnh lựa chọn danh mục, sắp xếp thứ tự ưu tiên các dự án thuộc đề án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước và tổng hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn của tỉnh. Về chương trình trọng điểm phát triển cây dược liệu dưới tán rừng và thu hút đầu tư, tháng 10.2013 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong đó, sâm Ngọc Linh đã được đưa vào danh mục các loài dược liệu tập trung phát triển ở quy mô lớn và được ưu đãi đầu tư.

Thực hiện chuyên đề: HOÀNG LIÊN

Thực hiện chuyên đề: HOÀNG LIÊN