Nỗ lực cho vụ hè thu thắng lợi
Bên cạnh việc chỉ đạo vệ sinh đồng ruộng, cày phơi ải đất để cắt đứt cầu nối sâu bệnh, ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương cũng tập trung thực hiện nhiều phương án đối phó với tình trạng khô hạn và nhiễm mặn nhằm đảm bảo vụ mùa hè thu thắng lợi…
Chủ động cắt đứt cầu nối sâu bệnh
Có mặt trên nhiều cánh đồng Duy Xuyên, chúng tôi thấy những chiếc máy cày khẩn trương làm đất. Bà Huỳnh Thị Tụy ở thôn Phú Nham Đông, xã Duy Sơn, nói: “Ngay sau khi kết thúc việc thu hoạch lúa đông xuân, tôi thuê máy cày phơi ải đất rồi mua vôi bột về rải nhằm hạn chế cỏ dại phát triển, cắt đứt cầu nối sâu bệnh chuyển vụ”. Ông Huỳnh Văn Ánh - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho hay, ngoài việc gieo trồng 1.800ha hoa màu, vụ hè thu năm nay, nông dân trên địa bàn huyện sản xuất 3.650ha lúa. Từ đầu tháng 5 đến nay, người dân đã cày phơi ải được 80% diện tích đất lúa. Theo ông Ánh, toàn huyện có hơn 150 máy cày các loại. Với số phương tiện hiện có, dự kiến trước ngày 18.5 Duy Xuyên sẽ cày xong 20% diện tích đất lúa còn lại để kịp đưa vào gieo sạ theo đúng khung thời vụ.
Những ngày qua, nông dân toàn tỉnh tập trung cày phơi ải đất nhằm cắt đứt cầu nối sâu bệnh. Ảnh: HOÀI NHI |
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn thông tin, bên cạnh việc gieo trồng 1.250ha bắp, 1.745ha rau đậu các loại, hè thu 2017 nông dân thị xã sẽ gieo sạ 5.600ha lúa. Theo ông Chơi, nhờ được ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí theo Cơ chế 33 nên nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ cá thể ở Điện Bàn có điều kiện đầu tư mua sắm những loại máy móc hiện đại phục vụ sản xuất. Do vậy, tiến độ làm đất chuẩn bị sản xuất hè thu đang diễn ra khá nhanh. Ông Chơi nói: “Trong số 5.600ha đất lúa và xấp xỉ 3.000ha đất màu dự kiến gieo trồng trong vụ tới, hiện đã có hơn 75% diện tích được cày phơi ải. Chậm nhất đến chiều 18.5 gần 25% diện tích đất canh tác còn lại sẽ được cày xong”. Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hè thu này, nông dân toàn tỉnh canh tác 8.200ha bắp, 42.000ha lúa và cả chục nghìn héc ta rau đậu. Việc xuống giống số diện tích lúa vừa nêu bắt đầu từ ngày 20.5 và kết thúc vào 5.6, riêng đối với những vùng sử dụng nước tưới thuộc hệ thống của 2 hồ chứa Phú Ninh, Khe Tân, thời gian gieo sạ kéo dài đến ngày 10.6.
Tập trung đối phó khô hạn
Nhằm chủ động nước tưới, 2 xã Duy Phước và Duy Vinh (Duy Xuyên) vừa đầu tư 4,2 tỷ đồng xây dựng trạm bơm điện 19.5 đặt tại thôn Câu Lâu Đông thuộc xã Duy Phước. Hiện nay, đơn vị thi công đang hoàn thành những hạng mục cuối cùng, đảm bảo bơm tưới ngay từ đầu vụ hè thu 2017. Ông Lê Đào - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Phước nói: “Vụ hè thu này, toàn xã sẽ gieo sạ 510ha lúa, khi trạm bơm 19.5 đưa vào vận hành sẽ giúp nhà nông yên tâm sản xuất, không còn nơm nớp lo thiếu nước tưới”. Tại xã Duy Trung, công tác phòng chống hạn cũng đã và đang được triển khai quyết liệt. Bà Đoàn Thị Nhân - Phó ban Nông nghiệp xã cho hay, địa phương đang tập trung thi công đập Thổ với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng nhằm đảm bảo cung ứng nước tưới cho 30ha đất lúa của thôn Hòa Nam trong vụ hè thu. Cạnh đó, kiên cố hóa 5km kênh mương ở các thôn Trung Đông, Hòa Nam, Cẩm An, Nam Thành, Duy Lâm. Theo ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên, cùng với việc hỗ trợ nông dân chuyển 60ha đất lúa bấp bênh nước tưới sang sản xuất các loại cây trồng cạn, huyện đã chi 20 tỷ đồng gia cố, sửa chữa, xây mới một số trạm bơm điện, đập dâng kết hợp với kiên cố hóa hàng loạt tuyến kênh mương.
Ông Phạm Sỹ Đoàn - Phó phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, vụ hè thu huyện có 1.353ha đất lúa. Do hạ tầng thủy lợi chưa được đầu tư thi công đồng bộ, nguồn nước tưới không đảm bảo nên Hiệp Đức chỉ gieo sạ 953ha lúa. Theo ông Đoàn, trong số 400ha đất không thể sản xuất lúa được, những ngày này các ngành liên quan và chính quyền địa phương vận động nông dân chuyển 100ha chủ yếu tại 4 xã gồm Quế Thọ, Bình Lâm, Thăng Phước, Bình Sơn sang trồng một số loại cây trồng cạn chủ lực có sức chịu hạn tốt như bắp lai, đậu phụng, mè… Ông Đoàn nói: “UBND huyện Hiệp Đức đã ban hành cơ chế hỗ trợ sau đầu tư với mức 300 nghìn đồng/sào để nông dân giảm bớt chi phí cho khâu làm đất, mua hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật”. Để chủ động cung ứng nước tưới cho cây trồng, ngành nông nghiệp Hiệp Đức đang đôn đốc các đơn vị thi công khẩn trương đẩy nhanh tiến độ kiên cố hóa 3 tuyến kênh trọng yếu, gồm: 1.600m kênh chính của đập dâng Khe Hà (xã Hiệp Hòa), 1.300m kênh chính của hồ chứa Tam Bảo (xã Quế Lưu), 700m kênh E895 nằm trên địa bàn xã Bình Sơn thuộc hệ thống tưới của hồ chứa Việt An. Ba công trình này có tổng mức đầu tư 3 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hỗ trợ 80%, còn lại 20% từ ngân sách huyện Hiệp Đức.
Không chỉ chính quyền các địa phương, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cũng đang nỗ lực chuẩn bị nhiều phương án đối phó với hạn. Ông Nguyễn Đình Hải - Giám đốc công ty, cho biết, hè thu 2017 đơn vị đảm nhận cung ứng nước tưới cho 25.000ha đất sản xuất nông nghiệp, phần lớn là lúa. Hiện nay, 17 hồ chứa vừa và lớn do công ty quản lý đều có mực nước cao hơn mức trung bình nhiều năm, đây là điều đáng mừng. Tuy nhiên, nếu thời gian đến nắng nóng hoành hành dữ dội, nhiều khả năng sẽ có 500ha nằm ở những vùng cuối kênh thuộc các xã Bình Giang, Bình Trị, Bình Định Bắc (Thăng Bình); Đại Cường (Đại Lộc); Tam Hòa (Núi Thành); Duy Sơn, Duy Tân (Duy Xuyên) sẽ bị khô hạn cục bộ. Ông Hải nói: “Hiện nay, chúng tôi triển khai lắp đặt 30 máy bơm dã chiến tại các khu vực cuối kênh của những địa phương đó. Khi tình huống xấu xảy ra, sẽ lập tức cho vận hành máy để tận dụng mọi nguồn nước ngọt từ các ao hồ, sông suối, đầm lạch giải cứu cây trồng”.
HOÀI NHI