Cơ hội nào cho chăn nuôi heo?

Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN SỰ - LÊ QUÂN 09/05/2017 09:28

Một cuộc “khủng hoảng thịt heo” lại diễn ra với những khốn đốn dồn về phía người chăn nuôi, chuyện này từng xảy ra vào năm 2012. Giải pháp nào để “giải cứu” cho người chăn nuôi ứng phó với khủng hoảng này đang là câu hỏi khó.

Quầy bán thịt heo tại cửa hàng thực phẩm an toàn ở chợ Hà Lam, Thăng Bình trong ngày khai trương (9.10.2016). Ảnh: VĂN HÀO
Quầy bán thịt heo tại cửa hàng thực phẩm an toàn ở chợ Hà Lam, Thăng Bình trong ngày khai trương (9.10.2016). Ảnh: VĂN HÀO

NÔNG DÂN ĐIÊU ĐỨNG

Gần một năm qua, nhất là từ thời điểm cận Tết Đinh Dậu đến nay, giá heo sữa và heo thịt trên thị trường liên tục tụt giảm khiến người chăn nuôi ở nhiều địa phương của tỉnh điêu đứng.

Càng nuôi càng lỗ

Không tái đàn sau khi đã xuất bán. Càng không muốn đầu tư chuồng trại. Muốn bán tháo cho thương lái vì càng nuôi càng lỗ. Thực trạng này gặp ở hầu hết hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ hay nuôi theo đàn. Với giá thịt heo hơi sụt giảm ở mức chóng mặt, từ 43.000 - 46.000 đồng/kg hơi xuống chỉ còn 25.000 - 26.000 đồng, thậm chí có nơi chỉ thu mua ở mức 20.000 đồng/kg hơi, khiến người chăn nuôi bắt đầu ngán ngẩm với việc duy trì chuồng trại để tái sản xuất. Vốn chọn mô hình chăn nuôi heo thịt làm hướng mũi nhọn trong phát triển kinh tế hộ, bà Mai Thị Sự (ở thôn Thi Thại, xã Duy Thành, Duy Xuyên) cho biết, trong vòng 12 năm qua bình quân mỗi năm gia đình bà nuôi 2 lứa heo thịt, mỗi lứa từ 50 con. Những năm trước, giá heo hơi trên thị trường ổn định ở mức 43.000 - 46.000 đồng/kg, mỗi lứa nuôi gia đình bà Sự lãi ròng 25 - 30 triệu đồng. Trước Tết Nguyên đán 2017, nhận thấy giá heo hơi có chiều hướng giảm, bà Sự đã cắt giảm số lượng thả nuôi nhưng vẫn không tránh khỏi chuyện thua lỗ. Bà Sự chia sẻ: “Lo sợ thất bại nên lứa này gia đình tôi chỉ nuôi 8 con heo thịt. Cách đây không lâu, tôi kêu thương lái đến bán, họ trả giá 32.000 đồng/kg hơi. Nhận thấy giá heo hơi khả năng tiếp tục giảm, tôi quyết định bán hết 8 con heo thịt, chấp nhận thua lỗ 150 nghìn đồng/con, chưa kể công chăm sóc. Nếu để đến bây giờ lỗ còn nặng hơn. Với giá heo hơi như hiện nay, tạm thời gia đình tôi chưa nuôi lứa mới”.

Dù nuôi theo hộ nhỏ lẻ hay theo hình thức trang trại, người chăn nuôi vẫn đang điêu đứng.
Dù nuôi theo hộ nhỏ lẻ hay theo hình thức trang trại, người chăn nuôi vẫn đang điêu đứng.

Ông Phạm Đình Xuân - Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Duy Xuyên cho rằng, việc bà Mai Thị Sự xuất bán heo thịt với giá 32.000 đồng/kg hơi là quá may mắn, bởi hiện giờ nhiều nơi trên địa bàn huyện thương lái chỉ trả mua với giá 27.000 - 28.000 đồng/kg hơi. Ông Xuân cho hay: “Tính đến đầu tháng 5.2017, tổng đàn heo của Duy Xuyên là 42.266 con, trong đó ít nhất 75% số lượng được nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ. Mặc dù giá heo hơi đang rất thấp nhưng người chăn nuôi vẫn phải bán, bởi càng nuôi sẽ càng lỗ nặng, vì phải tốn thêm tiền mua thức ăn với giá 1 bao loại 25kg khoảng 290 - 300 nghìn đồng. Sau khi xuất bán, rất nhiều gia đình quyết định không tái đàn”. Nhiều tháng nay giá heo con giống và heo thịt tụt giảm mạnh cũng đã khiến hàng chục nghìn hộ chăn nuôi với quy mô nhỏ ở hàng loạt địa phương của tỉnh phải chịu cảnh thua lỗ nặng. Được biết, hiện giờ tổng đàn heo của tỉnh là 474.000 con, trong đó 70-75% nuôi nhỏ lẻ trong nông hộ…          

Chủ trang trại lao đao

Tháng 3.2016 ông Võ Văn Hà (ở thôn An Hà, xã Điện Phong, Điện Bàn) liên kết với 3 hộ dân cùng địa phương thuê 2.000m2 đất bãi ven sông của một số gia đình trong vùng với thời hạn 20 năm để đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi heo hướng nạc theo hướng hàng hóa tập trung, an toàn dịch bệnh. Sau khi đầu tư 850 triệu đồng thi công hoàn chỉnh hệ thống chuồng trại và khu xử lý nước thải, tháng 12.2016 nhóm hộ này thả nuôi khảo nghiệm lứa heo thịt đầu tiên với số lượng 100 con. Mới đây, nhóm hộ của ông Hà xuất chuồng lứa heo với tổng trọng lượng 7 tấn hơi. Tuy nhiên, do giá heo hơi trên thị trường quá thấp nên chưa kể công chăm sóc, họ phải chịu lỗ 35 triệu đồng. Ông Hà nói: “Theo thiết kế, hệ thống chuồng trại của nhóm hộ tôi đảm bảo thả nuôi mỗi lứa 300 - 500 con heo thịt. Thế nhưng, trước tình trạng giá thức ăn vẫn ở mức cao, trong khi giá heo hơi càng lúc càng ảm đạm, chúng tôi sẽ phải hết sức cân nhắc trước khi quyết định đầu tư nuôi với số lượng lớn”.

Tương tự, ông Trần Văn Bảo Quốc (ở khối phố 7B, phường Điện Nam Đông, Điện Bàn) cho biết, năm 2013 gia đình ông đầu tư xấp xỉ 1 tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi heo hướng nạc với quy mô 5 trại nuôi, mỗi trại thả nuôi 100 con/lứa. Mấy năm nay, mặc dù nguồn con giống, thức ăn ông mua toàn bộ của Công ty CP Việt Nam, nhưng về đầu ra của sản phẩm thì ông tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ, chủ yếu là Đà Nẵng, Hội An. Theo ông Quốc, từ tháng 6.2016 trở về trước, mỗi lứa nuôi, 5 trang trại của ông có tổng cộng 500 con heo thịt, sau mỗi kỳ xuất chuồng ông lãi ròng 200 - 250 triệu đồng. Gần một năm nay, trước xu hướng giá heo hơi giảm dần, ông Quốc quyết định bỏ trống 3 trại nuôi và chỉ thả nuôi mỗi lứa 150 - 200 con heo thịt ở 2 trang trại còn lại và cũng không thể tránh khỏi thua lỗ nặng nề. Ông Quốc cho biết, nếu thị trường tiêu thụ heo thịt vẫn không cải thiện về giá cả, có khả năng trang trại phải đóng cửa.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài 9 dự án lớn của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tính đến cuối tháng 4.2017 trên địa bàn tỉnh có 66 trang trại, cả nghìn gia trại chăn nuôi heo hướng nạc và heo nái sinh sản để tạo nguồn heo con giống cung ứng ra thị trường, tập trung chủ yếu ở Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Hiệp Đức, Phú Ninh, Tiên Phước, Tam Kỳ, Núi Thành. Trong tình cảnh giá bán sản phẩm liên tục tụt giảm mạnh, các chủ mô hình chăn nuôi này đang phải đối mặt với không ít khó khăn… Những mô hình liên kết hình thành, cũng như một số hướng đầu tư cho nông nghiệp từ câu chuyện phát triển sạch, liệu có làm nên một cuộc “trở mình” cho ngành chăn nuôi?

NGUY CƠ ĐỨT GÃY LIÊN KẾT CHUỖI

Nhiều mô hình liên kết chăn nuôi với quy mô lớn giữa người dân và các doanh nghiệp, cũng như sự kỳ vọng vào chuỗi sản phẩm “thịt heo sạch” nhằm giúp ngành chăn nuôi có một bước đi dài, vẫn không đủ để người nuôi thoát khỏi tình trạng khốn khó.

Mô hình hợp tác chăn nuôi heo thịt giữa người dân với doanh nghiệp có nguy cơ rạn nứt trước tình trạng giá bán sản phẩm liên tục giảm mạnh.
Mô hình hợp tác chăn nuôi heo thịt giữa người dân với doanh nghiệp có nguy cơ rạn nứt trước tình trạng giá bán sản phẩm liên tục giảm mạnh.

Tháng 10.2016, Công ty TNHH Sản xuất chế biến thực phẩm Quảng Nam khai trương cửa hàng thực phẩm sạch ngay tại thị trấn Hà Lam (Thăng Bình). Đã có nhiều người hồ hởi và kỳ vọng về một hướng đi mới của ngành nông nghiệp Quảng Nam, bắt đầu từ chuỗi thực phẩm sạch. Cụm từ “thịt heo sạch”, “thịt heo an toàn” như một ý tưởng dài hơi mà người chăn nuôi hướng tới. Trên cơ sở lựa chọn được số hộ chăn nuôi đảm bảo sạch, an toàn thông qua sự hỗ trợ giới thiệu của địa phương với chương trình kiểm soát an toàn thực phẩm dành riêng cho chuỗi sản phẩm thịt heo, công ty này mong muốn với việc thực hiện chăn nuôi và giết mổ theo tiêu chuẩn an toàn, mỗi ngày sẽ có hàng trăm con heo cung ứng đi thị trường TP.Hồ Chí Minh và cung ứng cho thị trường tại chỗ 30 - 40kg. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, cửa hàng thực phẩm sạch của công ty ngay tại thị trấn Hà Lam vẫn chưa có lượng khách hàng đủ nhiều để tiêu thụ theo số lượng thịt heo như mong muốn. Trong khi đó, 17 hộ chăn nuôi nằm trong chương trình liên kết này không tránh khỏi tình trạng thua lỗ dù đã được công ty bao tiêu đầu ra. Nguyên do, vẫn là sự khủng hoảng giá đang phủ kín thị trường chăn nuôi heo. Thế nhưng trong thách thức, vẫn còn đó một điều gọi là cơ hội, khi từ đây, chăn nuôi sạch, chăn nuôi kết nối được với nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng thì phần nào đó, sẽ ổn định hơn về đầu ra.

Nhưng sự liên kết theo kiểu trang trại chăn nuôi gia công cho doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn. Tại huyện Quế Sơn có gần 10 mô hình chăn nuôi heo thịt với số lượng lớn có sự liên kết giữa chủ trang trại và các doanh nghiệp. Trong thời buổi giá heo hơi tụt giảm mạnh này, việc hợp tác đó đã bị ảnh hưởng không nhỏ. Ông Lê Phương Đông (ở thôn Xuân Thái, xã Phú Thọ, Quế Sơn) cho biết, cách đây 4 năm gia đình đầu tư 1,8 tỷ đồng xây dựng hệ thống chuồng trại trên diện tích 1.500m2 rồi liên kết với Công ty Thái Việt tổ chức nuôi heo hướng nạc với số lượng mỗi lứa 700 con. Cũng như nhiều mô hình khác, phía doanh nghiệp đầu tư con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật và chịu trách nhiệm tiêu thụ sản phẩm; còn vợ chồng ông Đông lo khâu hạ tầng, điện, nước, chăn nuôi đàn heo và được công ty trả công với mức 4.000 đồng/kg heo hơi khi xuất chuồng. Ông Đông nói: “Trước đây, thị trường tiêu thụ mạnh, khi mỗi con heo đạt 100kg hơi công ty mới xuất bán. Mỗi lứa nuôi 700 con, quy ra tổng trọng lượng khoảng 70 tấn. Với mức trả công nuôi gia công theo hợp đồng đã ký kết, sau mỗi kỳ xuất chuồng Công ty Thái Việt chuyển cho tôi 280 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí thuê nhân công, trả tiền điện và nước, mỗi lứa nuôi tôi dư được 150 - 180 triệu đồng. Tuy nhiên, 2 lứa gần đây, do heo thịt có trọng lượng 100kg/con không tiêu thụ được nên khi mỗi con đạt 70kg là doanh nghiệp đã tiến hành xuất bán. Vì xuất chuồng sớm nên tổng trọng lượng heo mỗi lứa giảm từ 70 tấn xuống còn 49 tấn, kéo theo tiền nuôi gia công của tôi cũng giảm từ 280 triệu đồng xuống còn 196 triệu đồng, thu nhập cũng vì thế tụt giảm”.

Mô hình hợp tác chăn nuôi heo thịt, heo con giống giữa người dân với doanh nghiệp có nguy cơ rạn nứt trước tình trạng giá bán sản phẩm liên tục giảm mạnh. Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, trong số 25 trang trại chăn nuôi heo thịt với quy mô vừa và lớn (bình quân 1 trang trại nuôi mỗi lứa 500 - 1.500 con) trên địa bàn thị xã, có khoảng 20 trang trại thực hiện liên kết với doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Đức Chơi, nếu trước đây các công ty trả tiền nuôi gia công cho người dân với mức 3.600 - 4.000 đồng/kg heo hơi thì bây giờ do giá bán sụt giảm nên khi tiến hành ký kết hợp đồng mới họ chỉ đưa ra mức giá 2.600 - 3.000 đồng/kg. Điều này khiến các chủ trang trại gặp khó khăn vì thu nhập thấp, trong khi đó tiền thuê công lao động và chi phí điện, nước vẫn cao. Ông Chơi nói thêm: “Ngoài việc giảm giá nuôi gia công, mấy tháng nay hầu hết doanh nghiệp đang liên kết sản xuất ở Điện Bàn đều cắt giảm khoảng 20 - 30% số lượng heo thịt thả nuôi mỗi lứa”. Cũng như vậy, tại các xã Duy Hòa, Duy Châu, Duy Sơn, Duy Trung (Duy Xuyên) có tổng cộng 9 mô hình trang trại chăn nuôi heo nái sinh sản, heo hướng nạc với quy mô lớn có sự liên kết giữa người dân và doanh nghiệp. Qua nắm bắt thông tin từ ngành quản lý của địa phương này, nhiều khả năng sắp tới đây một số công ty sẽ tạm dừng việc hợp tác chăn nuôi với người dân vì đầu ra của sản phẩm quá khó khăn.

Ứng phó với khủng hoảng của thị trường đặt ra cho người chăn nuôi rất nhiều tình thế. Theo một chuyên gia kinh tế, việc cam kết phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết, nông nghiệp công nghệ cao và hình thành nên các chuỗi sản phẩm sạch cần một thời gian dài để “thích ứng”. Nông nghiệp quy mô lớn kéo theo việc phụ thuộc đầu vào và bấp bênh ở đầu ra là điều khó tránh, đáng nói trong khi nông dân bán giá thấp thì người tiêu dùng cuối cùng vẫn chịu mức giá cao. Việc liên kết nhiều trang trại nhỏ theo kiểu hợp tác xã hoặc chuỗi cung ứng nhỏ sẽ có nhiều triển vọng hơn là tập trung phát triển sản phẩm theo quy mô lớn.

ỨNG PHÓ VỚI KHỦNG HOẢNG

Những giải pháp mang tính căn cơ, từ phía người điều hành, với hy vọng về những cơ hội cũng như tạo “kỹ năng” ứng phó cho người chăn nuôi trước cuộc khủng hoảng thị trường về lâu dài.

Hầu hết giá thịt heo đều giảm rất ít, mặc dù giá heo hơi giảm sâu.
Hầu hết giá thịt heo đều giảm rất ít, mặc dù giá heo hơi giảm sâu.

Ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục Trưởng chi cục Chăn nuôi & thú y: Liên kết bền vững để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm

Tính đến thời điểm này, Quảng Nam có tổng cộng 70.000 con trâu, 192.000 con bò, 474.000 con heo và hơn 6,2 triệu con gia cầm các loại. Tuy nhiên, hình thức chăn nuôi của tỉnh phần lớn là nhỏ lẻ, số lượng gia súc và gia cầm nuôi trong nông hộ chiếm gần 80%. Do vậy, năng suất và chất lượng sản phẩm thấp dẫn đến giá trị kinh tế không cao. Đặc biệt, vấn đề tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh nguy hiểm và ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư là đáng báo động.

Muốn xóa bỏ dần tình trạng chăn nuôi manh mún, thời gian tới cần có những cơ chế hỗ trợ thông thoáng nhằm phát triển mạnh các mô hình nuôi gia súc, gia cầm theo hình thức trang trại, gia trại với số lượng vừa và lớn. Đây được xem là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay, bởi mô hình đó sẽ tạo ra sản phẩm hàng hóa, đảm bảo an toàn về dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, đi đôi với việc đầu tư phát triển sản xuất, nhất thiết các chủ trang trại và gia trại phải đẩy mạnh việc liên doanh, liên kết bền vững với các doanh nghiệp nhằm tạo sự ổn định về đầu ra của sản phẩm.

Ông Lê Thương - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông: Thu hút dự án sản xuất, cung ứng con giống và thức ăn chăn nuôi

Trong phát triển chăn nuôi, con giống là một khâu hết sức quan trọng. Thế nhưng, những năm qua số lượng cơ sở sản xuất, cung cấp con giống gia súc, gia cầm có quy mô lớn và chất lượng tốt trên địa bàn Quảng Nam còn quá ít, không đáp ứng nhu cầu ở địa phương. Điều này dẫn đến việc các chủ trang trại, gia trại, hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân phải nhập con giống từ nhiều nơi khác về với giá thành cao vì tốn thêm chi phí bốc xếp, cước vận chuyển. Theo tôi, tỉnh cần có những chính sách phù hợp để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất giống vật nuôi, đảm bảo cung ứng đủ cho nhu cầu tại địa phương với giá cả phù hợp nhằm giúp người chăn nuôi giảm bớt một phần chi phí đầu vào.

Quảng Nam có nguồn nguyên liệu bắp, sắn, khoai, đậu… khá dồi dào nên tỉnh cũng cần ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đầu tư xây dựng những cơ sở sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi tại chỗ nhằm hạ giá thành sản phẩm, chứ thời gian qua phần lớn phải nhập từ nơi khác về với mức giá cao.

Tôi cho rằng, nếu giải quyết được 2 vấn đề nêu trên thì chắc chắn sẽ góp phần rất lớn trong việc giúp người chăn nuôi của tỉnh giảm chi phí đầu tư, nâng cao giá trị sản xuất.


Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn: Không nên bỏ trống chuống trại, dù đang trong lúc khó khăn

Tình trạng nguồn cung vượt cầu, giá bán sản phẩm tụt giảm mạnh suốt nhiều tháng qua khiến người chăn nuôi không dám tái đàn để tránh bị thua lỗ, nhất là đối với các nông hộ. Theo tôi, người dân nên kéo giảm đàn chứ không nên bỏ trống chuồng trại, vì nếu trong trường hợp giá heo hơi trên thị trường bỗng dưng tăng trở lại thì sẽ không có nguồn cung cấp và đương nhiên là thất thu. Vấn đề đáng lo ngại nhất là, ngay khi giá bán nhích lên, chắc chắn tất cả các chủ trang trại, gia trại, người dân trên địa bàn tỉnh sẽ ào ạt thả nuôi với số lượng nhiều hơn và chuyện thừa nguồn cung sẽ lại tái diễn, giá thu mua sản phẩm nhanh chóng tụt giảm mạnh là điều hẳn nhiên.

Hiện giờ, tổng đàn heo của thị xã Điện Bàn hơn 100 nghìn con. Nếu đầu ra của sản phẩm vẫn cứ khó khăn như thời gian qua thì từ nay đến cuối năm 2017 chúng tôi sẽ khuyến cáo người chăn nuôi kéo giảm tổng đàn xuống còn 60 nghìn con. Và, để giảm chi phí đầu tư, người dân nên tận dụng tối đa các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho heo, hạn chế mua thức ăn công nghiệp.

Ông Huỳnh Đức Viên - Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức: Đưa thông tin định hướng thị trường đến với người chăn nuôi

Lâu nay, ở nhiều nơi, phần lớn hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cứ phát triển đàn gia súc, gia cầm theo kiểu mạnh ai nấy làm và hoàn toàn không nắm gì về thông tin định hướng thị trường. Chính vì thế, hàng chục năm qua không ít gia đình đã nhiều phen điêu đứng vì giá thu mua sản phẩm thấp do tình trạng khủng hoảng thừa nguồn cung.

Theo tôi, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững và người dân có lãi từ nghề này, trong thời gian tới các cơ quan có trách nhiệm cần sớm đưa ra những giải pháp căn cơ nhằm hỗ trợ người chăn nuôi trong việc tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, ngành nông nghiệp và công thương nên linh hoạt thực hiện các hình thức chuyển tải thông tin định hướng thị trường đến người dân một cách nhanh nhất để họ dựa theo đó mà đầu tư phát triển đối tượng vật nuôi phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng tại những thời điểm khác nhau. Có như vậy mới hy vọng hạn chế tối đa tình trạng khủng hoảng thừa và khủng hoảng thiếu nguồn cung.

Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN SỰ - LÊ QUÂN

Thực hiện chuyên đề: NGUYỄN SỰ - LÊ QUÂN