Hiệp Đức thí điểm thành công cánh đồng mẫu

NGUYỄN SỰ 04/05/2017 09:37

Nhờ sự tiếp sức từ nhiều phía, vụ đông xuân năm nay nông dân các xã Quế Thọ và Quế Bình (Hiệp Đức) xây dựng thí điểm 2 cánh đồng mẫu chuyên canh tác lúa, mang lại thành công rất lớn…

Mô hình ở thôn Bắc An Sơn (xã Quế Thọ) mang lại thành công lớn.Ảnh: VĂN SỰ
Mô hình ở thôn Bắc An Sơn (xã Quế Thọ) mang lại thành công lớn.Ảnh: VĂN SỰ

Tiếp sức cho nhà nông

Ông Huỳnh Đức Viên - Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, hiện nay bình quân mỗi vụ nông dân trên địa bàn 12 xã, thị trấn của huyện sản xuất hơn 1.350ha lúa. Tuy nhiên, do phần lớn diện tích đất canh tác nhỏ lẻ, manh mún; nhà nông sử dụng hạt giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chưa hợp lý, trong khi đó ứng dụng quy trình kỹ thuật không bài bản nên hiệu quả kinh tế mang lại còn thấp. Thực hiện chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, năm 2016 UBND huyện ban hành kế hoạch xây dựng mô hình cánh đồng mẫu trong vụ đông xuân 2016-2017 và thành lập ban chỉ đạo, tổ công tác cấp huyện. Ngay sau đó, Phòng NN&PTNT phối hợp cùng UBND các xã Quế Thọ, Quế Bình tiến hành khảo sát, họp bàn với nhân dân để triển khai thí điểm 2 mô hình cánh đồng mẫu và xác lập cụ thể phương án sản xuất.

Tại xã Quế Thọ, mô hình cánh đồng mẫu được triển khai ở thôn Bắc An Sơn trên diện tích gần 5,2ha với 38 hộ tham gia. Còn tại xã Quế Bình, mô hình được thực hiện ở thôn 2 với tổng diện tích xấp xỉ 6,4ha, có 85 hộ tham gia. Ông Huỳnh Đức Viên cho hay, bên cạnh việc vận động nông dân ra quân cải tạo, chỉnh trang đồng ruộng để dễ dàng cơ giới hóa khâu làm đất, thu hoạch, huyện cũng ưu tiên nguồn lực tài chính đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng nhằm đảm bảo phục vụ sản xuất theo phương thức hàng hóa tập trung. Không chỉ vậy, trước khi bắt tay vào việc gieo sạ vụ lúa đông xuân, ngành nông nghiệp huyện cắt cử nhiều cán bộ kỹ thuật về đứng cánh tại các địa phương trên để phổ biến cụ thể lịch thời vụ, cơ cấu giống và hướng dẫn nhà nông cách ngâm ủ giống, quy trình bón phân, chăm sóc, phòng trừ dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng. Huyện cũng đã thực hiện hỗ trợ 100% lượng hạt giống lúa thuần chất lượng cao TBR 225 và 50% lượng phân urê, lân, kali cho nông dân sản xuất nhằm giảm bớt một phần chi phí đầu tư…

Hiệu quả thiết thực  

Cuối tháng 4 dương lịch, có mặt trên cánh đồng mẫu thuộc tổ 4 (thôn Bắc An Sơn, xã Quế Thọ), chúng tôi nhận thấy nông dân nơi đây hết sức phấn khởi vì vụ lúa đông xuân rất được mùa. Ông Nguyễn Công Đào - một người dân địa phương cho biết, đông xuân năm nay gia đình ông sản xuất 3 sào ruộng trên cánh đồng mẫu bằng loại giống lúa thuần TBR 225 do Tổng Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình cung ứng. Ngoài việc được UBND huyện Hiệp Đức hỗ trợ mỗi sào 4kg hạt giống, 13,5kg phân bón các loại, cán bộ kỹ thuật của ngành nông nghiệp huyện cũng thường xuyên bám sát đồng ruộng, tích cực hướng dẫn gia đình ông và nhiều hộ dân khác trong vùng cách chăm sóc, phòng trừ dịch hại. Ông Đào nói: “Những tháng qua, mặc dù thời tiết diễn biến khá phức tạp, nhất là xuất hiện những đợt mưa lạnh kéo dài nhưng hầu hết ruộng lúa của mô hình đều đẻ nhánh khỏe, phát triển tốt, trổ đòng đều, bông to và dài, tỷ lệ hạt lép thấp. Đặc biệt, các loại sâu bệnh nguy hiểm rất ít bùng phát và gây hại. Theo ước tính, vụ này, sau khi phơi phóng xong, bình quân một sào ruộng sản xuất bằng loại giống lúa thuần TBR 225 cho năng suất khoảng 320kg khô. Trước đây, gieo sạ bằng loại giống lúa thuần Xi23 chỉ thu được chừng 275kg khô/sào”.

Mới đây, tại hội nghị đầu bờ đánh giá hiệu quả của 2 mô hình cánh đồng mẫu ở Quế Thọ và Quế Bình, ông Huỳnh Đức Viên - Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho hay, nhờ thực hiện bài bản nhiều khâu nên đông xuân năm nay năng suất lúa của mô hình ở thôn 2, xã Quế Bình đạt 60,2 tạ/ha; ở thôn Bắc An Sơn, xã Quế Thọ 63,9 tạ/ha. Trong khi đó, vụ này năng suất lúa bình quân toàn huyện chỉ đạt 53,4 tạ/ha. Theo ông Tô Văn Thành - cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Hiệp Đức, việc áp dụng hiệu quả quy trình sản xuất tiên tiến trên 2 cánh đồng mẫu không chỉ giúp năng suất lúa tăng mạnh mà còn giúp nhà nông giảm được 2kg hạt giống, 2 - 4kg phân urê, 5 - 10kg phân lân, 3 - 6kg phân kali trên mỗi sào ruộng, điều đó đồng nghĩa với việc tiết kiệm được 200 - 250 nghìn đồng/sào/vụ. Không chỉ vậy, việc giảm đáng kể lượng phân hóa học, hạn chế tối đa việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh còn góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao chất lượng sản phẩm gạo.

Ông Nguyễn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho biết, dù là một huyện miền núi có điều kiện địa hình cách trở và đất canh tác manh mún, nhỏ lẻ, tuy nhiên với sự nỗ lực rất lớn từ nhiều phía, nhất là lòng dân đồng thuận, nên Hiệp Đức đã xây dựng thành công 2 cánh đồng mẫu thí điểm tại Quế Thọ và Quế Bình. Từ hiệu quả này, lãnh đạo UBND huyện đang tích cực chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung nhân rộng mô hình. Trong đó cố gắng hỗ trợ nhiều khâu cho nông dân trên địa bàn xây dựng thêm 25 cánh đồng mẫu; tùy theo điều kiện địa hình, sẽ có mô hình diện tích chỉ 5 - 10ha nhưng cũng có mô hình diện tích 15 - 25ha.

NGUYỄN SỰ

NGUYỄN SỰ