Tiên Phước được mùa lúa
Vụ đông xuân 2016-2017, huyện Tiên Phước gieo sạ gần 2.400ha lúa. Nhờ nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, cây lúa phát triển tốt, cho năng suất ước đạt gần 52 tạ/ha, tăng gần 10 tạ/ha so với cùng kỳ.
Để phòng tránh ảnh hưởng của thời tiết, nông dân Tiên Phước đang tập trung thu hoạch lúa đông xuân. Ảnh: PHẠM HOÀNG |
Những ngày qua, trên cánh đồng Lớn, thuộc thôn 3, xã Tiên Lập, bà con nông dân đang tập trung thu hoạch lúa đông xuân. Những bông lúa trĩu hạt tạo nên những vuông ruộng đầy đặn, đẹp mắt. Nông dân ai cũng khẳng định đây là vụ đông xuân được mùa nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tranh thủ cắt những vạt lúa bị ngã, anh Nguyễn Ngọc Anh, một người dân trong thôn vui vẻ nói: “Mặc dù đầu vụ mưa lũ xói trôi, nhưng khi cây lúa đã bám rễ thì thời tiết ôn hòa thấy rõ. Đúng là trời không phụ công người. Hơn nữa, rút kinh nghiệm từ các vụ trước, trong vụ này, chúng tôi không sử dụng lúa thịt để gieo sạ, mà mua giống mới, đồng thời làm đúng theo hướng dẫn của xã, huyện về cách bón phân, phòng trừ sâu bệnh nên lúa phát triển rất tốt, cho năng suất cao”.
Không chỉ có xã Tiên Lập, hầu hết địa phương ở Tiên Phước đã có một vụ sản xuất thuận lợi, hiệu quả. Theo nhận định của ngành chuyên môn cũng như nhiều nông dân ở Tiên Phước, để có một vụ mùa bội thu ngoài các yếu tố như thời tiết thuận lợi, việc đầu tư thâm canh của bà con nông dân, thì giống lúa cũng là yếu tố không kém phần quan trọng. Anh Nguyễn Kiêm, ở thôn 2, xã Tiên Phong nói: “Thấy các vụ trước, nhiều hộ sử dụng giống lúa Thiên ưu 8 để gieo sạ rất đạt nên trong vụ đông xuân 2016-2917 gia đình tôi quyết định sử dụng giống lúa này trên toàn bộ diện tích gần 5 sào của mình. Tuy chưa thu hoạch xong, nhưng có thể ước chừng 5 sào vụ này cho thu cao hơn vụ năm trước khoảng 2 tạ lúa”. Ông Lê Văn Phụng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước cho biết, để vụ sản xuất lúa đông xuân đạt kết quả, ngay từ đầu vụ chúng tôi đã tập trung tuyên truyền đến các địa phương và bà con nông dân chủ trương chuyển đổi cơ cấu giống theo hướng tăng dần các giống trung và ngắn ngày, giảm giống dài ngày, ưu tiên sử dụng các giống lúa đã được thử nghiệm thành công trên đồng đất Tiên Phước như TBR45, TBR225, Thiêu ưu 8, Xi 23… Đồng thời tuân thủ nghiêm lịch thời vụ, chú trọng đầu tư thâm canh, bón đủ lượng vôi, lân, phân chuồng trước khi gieo sạ. Trạm Bảo vệ thực vật huyện cũng thường xuyên thăm đồng, cảnh báo diễn biến sâu bệnh, hướng dẫn biện pháp phòng trừ kịp thời trên Đài Truyền thanh - truyền hình huyện, thông báo tại các cuộc họp thôn, tổ để nhân dân nắm bắt, thực hiện.
Tuy được mùa, nhưng trước thời điểm thu hoạch, trên địa bàn huyện Tiên Phước xảy ra mưa và gió lốc làm một số diện tích lúa bị ngã đổ gây khó khăn cho việc thu hoạch. Như gia đình anh Dương Xuân Sơn, ở thôn 2, xã Tiên Phong, có hơn 1 sào lúa bị ngã đổ khiến việc thu hoạch mất rất nhiều công sức. Anh Sơn cho hay: “Tôi cũng đã dự lường tình hình này nên ưu tiên bón phân kali để cây lúa cứng cáp, chống chịu với mưa, gió tốt hơn, nhưng do gió mạnh, mưa to nên cây lúa không chịu nổi. Lúa ngã nhiều làm chi phí thu hoạch tăng thêm gần 200 nghìn đồng mỗi sào, nên mặc dầu được mùa nhưng hiệu quả sản xuất không cao”. Trong điều kiện của một huyện miền núi, địa hình phức tạp, ruộng bậc thang manh mún, nhỏ lẻ, nông dân Tiên Phước cũng đã chủ động trong việc cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa bằng việc trang bị máy cắt lúa thay cho cắt bằng liềm; sử dụng máy suốt có động cơ, vùng có diện tích sản xuất lớn thì dùng máy gặt đập liên hợp nên việc thu hoạch lúa cũng khá nhanh gọn, giúp bà con chủ động hơn trong sản xuất.
Thường xuyên theo dõi, nắm bắt thông tin thời tiết, chủ động có kế hoạch sản xuất phù hợp cũng là cách làm hay để có vụ bội thu đúng nghĩa. Theo kinh nghiệm của nhiều nông dân ở Tiên Phước, cuối vụ sản xuất đông xuân trùng với giai đoạn chuyển mùa nên thường xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan như dông sét, gió lốc ảnh hưởng đến thu hoạch. Do vậy, phương châm “xanh nhà hơn già đồng” vẫn được bà con sử dụng như một giải pháp ứng phó. Anh Nguyễn Kiêm, ở thôn 2, xã Tiên Phong chia sẻ: “Vợ chồng tôi tham gia tổ dịch vụ thu hoạch keo nguyên liệu với mức thu nhập hơn 200 nghìn đồng mỗi ngày, nhưng nghe thông tin có gió mùa, rồi áp thấp nhiệt đới nên phải tạm nghỉ, tranh thủ về thu hoạch lúa sớm hơn so với dự kiến, nhằm tránh mưa gió có thể xảy ra gây ngã đổ, vừa khó khăn trong việc thu hoạch, phơi phóng mà chất lượng lúa cũng bị suy giảm”.
PHẠM HOÀNG