Tích tụ ruộng đất ở Bình Nam: Người dân phấn khởi tham gia
(QNO) - Vụ đông xuân vừa qua, xã Bình Nam (Thăng Bình) đã thí điểm một vài khâu nhỏ trong mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất dưới sự hỗ trợ của Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Nam (gọi tắt là HTX Bình Nam). Những tín hiệu khả quan ban đầu từ mô hình này khiến người dân rất phấn khởi.
Nông dân đồng thuận
Hộ ông Trần Lệ Thanh (67 tuổi, thôn Thái Đông, xã Bình Nam) có 5.000m2 đất ruộng. Vài năm trở lại đây, sức khỏe của ông ngày càng yếu, hơn nữa con cái đi làm ăn rồi định cư ở nơi xa nên ông phải thuê người làm ruộng. Chính vì vậy, dù sở hữu diện tích lớn nhưng sau mỗi vụ, ông Thanh chỉ thu gạo vừa đủ ăn. Có khi còn lỗ vốn nếu vụ đó mất mùa.
Người dân phấn khởi với những tín hiệu ban đầu của việc thí nghiệm mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất. Ảnh: PHAN VINH |
Trước vụ đông xuân vừa rồi, khi UBND xã Bình Nam đến vận động ông Thanh tham gia mô hình tích tụ ruộng đất dưới sự hỗ trợ của HTX Bình Nam, ông đã đồng ý liên kết toàn bộ diện tích đất ruộng của mình cho mô hình. Theo đó, ông được hỗ trợ về giống, kỹ thuật và máy móc. “Vụ đông xuân này, đến hiện tại thì tôi chưa tốn một khoản tiền nào cả, HTX họ lo hết. Dù chưa thu hoạch nhưng nhìn chung số lượng hạt trên đòng đã trổ rất nhiều. Từ khi gieo sạ đến nay, tôi chưa dùng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào nên chắc chắn chất lượng lúa vụ này sẽ rất cao, đảm bảo lúa sạch” - ông Thanh chia sẻ.
Theo thông tin từ UBND xã Bình Nam, đông xuân 2017, địa phương bắt đầu triển khai một vài khâu trong mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất nhằm giảm công, tăng năng suất, chất lượng lúa cho người dân. Qua quá trình vận động, trong thời gian chưa đầy 1 tháng, toàn xã Bình Nam đã có 80% hộ dân có đồng ruộng được quy hoạch tích tụ, tập trung ruộng đất đồng thuận, thống thất với chủ trương và ký kết hợp đồng với HTX Bình Nam. Cụ thể, các hộ dân đã ký hợp đồng dưới 2 hình thức: người dân cho HTX thuê đất và người dân góp đất cùng HTX liên kết sản xuất theo quy mô cánh đồng lớn.
Kết quả, đến nay, tại xã Bình Nam đã có 132 hộ dân với tổng diện tích đất hơn 20ha liên kết với HTX Bình Nam. Ông Trần Văn Ninh - Giám đốc HTX Bình Nam chia sẻ: “Lúc đầu triển khai mô hình, đa phần người dân còn có tâm lý sợ mất đất, ngại giao đất vì không đặt niềm tin vào HTX. Tuy nhiên, chúng tôi đã cố gắng vận động, cam kết trên giấy tờ với người dân nên khó khăn này dần được lại bỏ. Đặc biệt, trong thời gian sản xuất, HTX đã đáp ứng và chủ động cơ giới hóa đồng ruộng, bán trả chậm tiền phân bón cho các hộ liên kết và đến nay chất lượng, năng suất lúa có dấu hiệu tốt nên người dân rất phấn khởi”.
Liên kết sản xuất
Theo thông tin từ hội thảo đánh giá kết quả thực hiện phương án tích tụ, tập trung ruộng đất vụ đông xuân 2016 - 2017 và triển khai thực hiện vụ hè thu 2017 tại xã Bình Nam vừa diễn ra, HTX Bình Nam đã hoàn thành việc đổi đất giữa các thửa ruộng tích tụ và thửa ruộng liên kết quy về một khu vực để thuận lợi cho việc áp dụng khoa học công nghệ và cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp được thuận tiện.
Tích tụ ruộng đất ở Bình Nam là tiền đề để hình thành chuỗi liên kết sản xuất hàng hóa giữa người dân với HTX và doanh nghiệp. Ảnh: PHAN VINH |
Đặc biệt, HTX Bình Nam đã ký hợp đồng liên kết với nông dân sản xuất khoảng 13ha giống lúa PC6 của Công ty CP Tổng công ty nông nghiệp Quảng Bình tiến đến ký hợp đồng sản xuất giống với công ty trong vụ hè thu 2017. Ông Từ Đức Hóa - kỹ thuật viên của công ty này cho biết: “Việc sản xuất giống, đòi hỏi phải có diện tích đất với quy mô lớn. Trong khi đó, xã Bình Nam đã thực hiện được mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất hơn 20ha nên đây là tiền đề tốt đề chúng tôi chọn hợp tác. Quá trình liên kết sản xuất với người dân, công ty cam kết mua lại tổng số giống trên diện tích mà người dân đã đăng ký. Ngoài ra, công ty sẽ cho nhân viên kỹ thuật đến đứng điểm và hướng dẫn cụ thể phương pháp sản xuất cho người dân”.
Theo ông Nguyễn Văn Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, bắt đầu từ năm 2015, mô hình tích tụ ruộng rất đã được triển khai trên 20ha ở xã Bình Đào. Đến nay, mô hình đã cho thấy những hiệu quả nhất định và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ. Từ đó, mô hình đã tạo được niềm tin cho người dân toàn huyện. Theo kế hoạch, năm 2017, mô hình này sẽ được triển khai ở 4 địa phương gồm: Bình Nam, thị trấn Hà Lam, Bình Sa và Bình Trung. Riêng ở xã Bình Nam, nhờ sự hỗ trợ của HTX Bình Nam, vụ đông xuân vừa rồi đã mang đến những tín hiệu tốt, từ đó làm tiền đề để người dân phấn khởi tham gia mô hình trong vụ hè thu 2017 này.
“Hiện tại, chúng tôi đang tiến hành đúc mốc và sẽ giao cho người dân cắm để phân đất sau khi thực hiện việc phá bờ để dồn điền. Trong quá trình người dân thực hiện mô hình tích tụ, tập trung ruộng đất cũng như liên kết với Công ty CP Tổng công ty nông nghiệp Quảng Bình để sản xuất giống, UBND huyện Thăng Bình sẽ cử cán bộ chuyên môn thường xuyên theo dõi và hướng dẫn người dân sản xuất” - ông Hương cho biết thêm.
PHAN VINH