Giữ thương hiệu "Gà tre đèo Le"

HOÀNG LIÊN 11/04/2017 08:27

Việc quản lý và phát triển thương hiệu “Gà tre đèo Le”, sản phẩm bản địa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể giúp người dân hưởng lợi được huyện Quế Sơn và ngành chức năng chú trọng.

Chăn nuôi an toàn sinh học

Từ giữa năm 2016 đến nay, đề tài “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà ta địa phương theo hướng bền vững để quản lý và phát triển thương hiệu “Gà tre đèo Le” tại huyện Quế Sơn” (ThS. Nguyễn Văn Thương - Trung tâm Ứng dụng & thông tin KH&CN Quảng Nam chủ nhiệm) đã góp phần phục tráng, phát triển giống gà bản địa đặc hữu và hỗ trợ người dân tiếp cận với kỹ thuật nuôi an toàn dịch bệnh. ThS. Nguyễn Văn Thương chia sẻ, ban chủ nhiệm đã trực tiếp mua giống gà bản địa của hộ ông Nguyễn Văn Công, điểm cung ứng gà giống của xã Quế Long để cấp cho 4 hộ nuôi thương phẩm với quy mô 100 - 200 con/mô hình.

  • Công bố chứng nhận nhãn hiệu "Gà tre Đèo Le"
Mô hình nuôi gà tre thương phẩm theo hướng an toàn dịch bệnh tại một số hộ dân Quế Sơn. Ảnh: Hoàng Liên
Mô hình nuôi gà tre thương phẩm theo hướng an toàn dịch bệnh tại một số hộ dân Quế Sơn. Ảnh: Hoàng Liên

Qua theo dõi, ở 4 mô hình, đàn gà có tỷ lệ sống cao, không xảy ra dịch bệnh, gà sinh trưởng tốt, tăng trọng đạt yêu cầu. Hiện các hộ dân được hưởng lợi từ đề tài chuẩn bị xuất bán lứa gà thứ hai. “Ước tính, mỗi ký gà tăng trọng, các hộ tiêu tốn khoảng 30.000 đồng chi phí thức ăn và các chi phí khác, với đàn gà 100 con, sau 4 tháng nuôi, mỗi ký gà thương phẩm có giá bán hơn 85.000 đồng, người dân lãi ròng gần 4 triệu đồng. Tính ưu việt của phương thức chăn nuôi thả vườn an toàn sinh học so với chăn nuôi truyền thống khá rõ. Các hộ đều cho gà ăn thức ăn tinh gồm bột bắp, lúa, phụ phẩm nông nghiệp; vắc xin tốt, bên cạnh đó sử dụng các loại thuốc nam, củ tỏi để phòng bệnh, dịch cúm cho gà. Nhờ áp dụng kỹ thuật chăn nuôi trên nền đệm lót sinh thái nên chuồng trại sạch sẽ, không có mùi hôi gây ô nhiễm môi trường” - ThS. Thương nói.

Ông Lê Châu Quang (xã Quế Hiệp), ông Nguyễn Quý (thị trấn Đông Phú), hai trong 4 hộ được hưởng lợi chia sẻ, qua hai lứa nuôi, nhờ nắm rõ quy trình kỹ thuật, áp dụng đệm lót sinh thái, vệ sinh chuồng trại sạch sẽ bằng chế phẩm sinh học nên gà không xảy ra dịch bệnh, có sức đề kháng tốt, tỷ lệ sống cao nên cho thu nhập khá. Với giá bán 85 - 90.000 đồng/kg như hiện nay, lợi nhuận bình quân mỗi ký gà là 40.000 đồng. Hai hộ dân dự kiến sẽ nâng số lượng đàn gà lên 500 con thời gian tới. “Vấn đề thiết yếu trong chăn nuôi hiện là dịch bệnh nên chúng tôi mong muốn được tiếp tục hỗ trợ các biện pháp phòng ngừa trên đàn gà an toàn, khoa học, kỹ thuật xử lý, vệ sinh chuồng trại giúp người nuôi phát triển tổng đàn” - ông Nguyễn Quý nói.

Giữ thương hiệu

Theo ông Phan Văn Phu - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng & thông tin KH&CN (Sở KH&CN), trong chăn nuôi yếu tố môi trường rất quan trọng, ngoài áp dụng kỹ thuật đệm lót sinh học trên cơ sở sử dụng men vi sinh FPP tạo đệm lót, người dân cần sử dụng chế phẩm sinh học TAMIC để giúp xử lý mùi hôi, giảm thiểu ô nhiễm. Trung tâm và Phòng NN&PTNT huyện Quế Sơn sẵn sàng hỗ trợ về mặt kỹ thuật cũng như cung ứng chế phẩm sinh học khi người dân có nhu cầu. Ngoài vắc xin đầy đủ, người chăn nuôi cần sử dụng củ tỏi, các cây thuốc nam trong tự nhiên, trái bồ kết xông chuồng… để chủ động phòng trừ dịch bệnh cho đàn gà, bởi lẽ tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi hiện nay rất đáng báo động.

Việc Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ thương hiệu giống gà tre, đặc sản của vùng đất Quế Sơn dưới dạng nhãn hiệu tập thể “Gà tre đèo Le” là tin vui đối với vùng đất này. Huyện Quế Sơn đang xây dựng đề án mở rộng vùng bảo hộ thương hiệu gà tre trải dài địa bàn 5/10 xã và lần lượt mở rộng ra toàn huyện. Hiện, trên địa bàn xã Quế Long có 9/12 hộ kinh doanh sản phẩm gà thịt đăng ký sử dụng nhãn hiệu tập thể “Gà tre đèo Le” và có 2 địa chỉ cung ứng gà giống phục vụ phát triển chăn nuôi cho người dân trên địa bàn, đó là hộ ông Nguyễn Văn Công (xã Quế Long) với 2 máy ấp trứng, công suất mỗi máy 300 trứng/mẻ và ông Hoàng Văn Minh (xã Quế Hiệp). Tuy nhiên, hầu hết người chăn nuôi gà ta bản địa tại Quế Sơn đang gặp khó khăn về nguồn giống trong phát triển tổng đàn bởi lượng cung từ các cơ sở còn quá khiêm tốn.

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quế Long, dù nhu cầu tiêu thụ trên thị trường là khá lớn, song nan giải ở địa phương hiện nay vẫn là nguồn giống. Hai cơ sở giống không đủ cung ứng nên nhiều hộ dân buộc phải mua giống từ các nơi khác, điều này gây ảnh hưởng lớn đến việc gìn giữ và phát triển thương hiệu của giống gà bản địa. “Toàn xã Quế Long có tới 10 quán kinh doanh sản phẩm thịt gà tre, nhưng chỉ có 2 - 3 quán là có nguồn gà bản địa, tình trang lạm dụng nhãn hiệu sẽ làm mất đi thương hiệu sản phẩm đặc hữu của vùng đất nếu không được chấn chỉnh kịp thời” - bà Hạnh nói. Ông Nguyễn Văn Được - Chủ tịch UBND thị trấn Đông Phú đặt ra vấn đề là quản lý thương hiệu như thế nào, cần phải yêu cầu người chăn nuôi lẫn các hàng quán cam kết, chịu trách nhiệm khi bán sản phẩm gà thịt không đúng so với nhãn hiệu đăng ký. Ông Trần Vũ Tánh - Phó trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quế Sơn nhấn mạnh, thời gian tới, công tác quản lý nhãn hiệu sẽ được chú trọng hơn nữa, đoàn kiểm tra liên ngành sẽ vào cuộc, xử lý nghiêm đối với những cơ sở kinh doanh sản phẩm gà thịt lạm dụng thương hiệu. Huyện đang tập trung hỗ trợ người dân phát triển theo hai hướng: chuyên gà giống và chuyên nuôi gà thương phẩm, khuyến khích các hộ nhân rộng mô hình nuôi. Hiện 5 xã thực hiện đề án đăng ký nhãn hiệu “Gà tre đèo Le” và huyện tiếp tục đăng ký mở rộng ra 5 xã còn lại. Ba hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn huyện cũng được định hướng, cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể, đây sẽ là những cơ sở sản xuất giống, quản lý, thu mua gà trong dân, xuất bán gà tre ra các vùng lân cận trên địa bàn.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN