Phát triển nông nghiệp hàng hóa
Chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, đẩy mạnh liên doanh liên kết trong sản xuất và tiêu thụ là mục tiêu huyện Phú Ninh đang hướng tới.
Những năm gần đây, trên địa bàn huyện Phú Ninh nở rộ những mô hình trồng trọt, chăn nuôi đem lại hiệu quả cao. Có thể kể đến mô hình chăn nuôi heo nái đực giống ngoại với chi phí đầu tư chuồng trại, giống, hệ thống xử lý chất thải khá quy mô của ông Nguyễn Công Lộc (xã Tam Dân); mô hình nuôi gà sạch của ông Nguyễn Văn Học (xã Tam An) với quy mô tổng đàn 12.000 con, có hệ thống xử lý phân và khí thải; mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới ở xã Tam An.
Vườn tiêu cả 1.000 choái lên xanh tốt của ông Đặng Hữu Tình (thị trấn Phú Thịnh). Ảnh: H.LIÊN |
Về cây dược liệu, ngoài mô hình trồng cây nghệ đỏ ở xã Tam Thành, mô hình trồng cây cà gai leo xã Tam Đại, trồng cây nghệ đỏ xã Tam Lộc cũng vừa triển khai với nhiều hứa hẹn… Phú Ninh hiện có 34 mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, trên địa bàn cũng có 20 HTX ra đời, mục tiêu huyện hướng tới là thành lập Liên hiệp HTX của doanh nghiệp nhằm thúc đẩy HTX phát triển, tổ chức liên kết theo hướng cung ứng con giống, bao tiêu sản phẩm cho các tổ hợp tác trên địa bàn. Huyện đang xây dựng cơ chế hỗ trợ, tiếp sức đối với các mô hình trồng hoa chuyên canh trong nhà kính với cơ chế hỗ trợ 200 triệu/ha; trong khi với mỗi mô hình trồng tiêu, cơ chế hỗ trợ là 3 triệu/500m2, cây dược liệu là 25 triệu đồng/ha.
Phú Ninh đã có chủ trương sắp xếp, bố trí từng vùng sản xuất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và các yếu tố liên quan, tạo cơ chế hỗ trợ cụ thể. Tại xã Tam Đàn và Tam Phước, vùng sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu được quy hoạch trên diện tích 30ha, trong đó chủ yếu sản xuất cây dưa hấu và cây rau màu. Người dân canh tác trên cánh đồng này đều được sự hỗ trợ của Sở NN&PTNT về kỹ thuật, giống, phân bón trong suốt 4 năm liền. So với cây lúa trước đó, việc chuyển đổi sang trồng cây màu, dưa hấu giúp nông dân có nguồn thu nhập 150 - 200 triệu đồng/ha, cao gấp chục lần so với trồng lúa. Cánh đồng Phú Xuân - Phú Điền của xã Tam Phước được dồn điền đổi thửa, bố trí sản xuất cây rau màu, dưa hấu theo hướng an toàn, tạo dựng thương hiệu trên thị trường. Đối với vùng gò đồi, chuyển từ trồng cây keo sang cây tiêu, cây nghệ theo hướng bao tiêu sản phẩm với mức hỗ trợ mỗi héc ta trồng cây dược liệu là 25 triệu đồng. Mô hình cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả được hỗ trợ 50% chi phí giống cây ăn quả. Ngoài các mô hình đã có, huyện đang thu hút doanh nghiệp vào đầu tư liên kết trồng cây nghệ tại một số nơi nhằm tạo thu nhập ổn định cho người dân.
Ông Võ Thanh Anh - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Ninh cho biết, địa phương định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp theo các lĩnh vực: đẩy mạnh tỷ trọng của ngành chăn nuôi; phát triển có hiệu quả các mô hình trong kinh doanh trồng trọt; phát triển cây dược liệu; phát triển kinh tế vườn. Trên địa bàn huyện, ngoài sản phẩm tiêu Phú Thịnh, huyện chú trọng phát triển nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm “dưa hấu Kỳ Lý” để nâng giá trị của sản phẩm.
Công tác khuyến nông khuyến lâm không ngừng được đẩy mạnh. Năm 2017, nhiều mô hình khuyến nông sẽ được triển khai đến các địa phương như: mô hình tưới tiết kiệm trên cây tiêu với mô hình 500m2, mô hình áp dụng các chế phẩm sinh học trong việc xử lý chất thải chăn nuôi với 10 hộ, mô hình vườn điểm 30 vườn. Xây dựng mô hình quản lý và phòng trừ dịch hại theo mô hình IPM quy mô thôn trên cây lúa tại xã Tam Đại và trên cây tiêu tại xã Tam Vinh. “Chủ trương của huyện là hình thành các hình thái tổ chức sản xuất như hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất liên doanh liên kết sản xuất, bên cạnh việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn tạo dây chuyền hẳn hoi, tạo thành một chuỗi sản xuất cung ứng trong thời kỳ hội nhập” - ông Anh nói.
HOÀNG LIÊN