Khắc phục sâu bệnh hại lúa đang làm đòng
Cánh đồng lúa giống Bắc Thơm BT7 (12ha) và lúa năng suất cao, chất lượng cao AN1 và ĐT 45 (2,25ha) được trồng thử nghiệm lần đầu tiên trong vụ đông xuân tại cánh đồng thôn Thái Nam (xã Tam Thăng, TP. Tam Kỳ). Đến nay, cây lúa đang trong giai đoạn làm đòng nhưng đã phát sinh một số sâu bệnh và dịch hại. Ông Ngô Tâm, nông dân thôn Thái Nam tham gia trồng 2 sào lúa Bắc Thơm BT7 cho biết: “Giống lúa này rất dễ bị sâu bệnh phá hoại thường xuyên, nhất là sâu cuốn lá và sâu năn. Sâu bệnh xuất hiện ngay trong giai đoạn lúa làm đòng sẽ làm cho năng suất lúa thấp”. Trong khi đó, hơn 3 sào lúa chất lượng cao AN1 và ĐT45 của ông Nguyễn Đình Trung bị một số loại sâu bệnh hại khác xuất hiện. Ông Trung nói: “Ở giai đoạn làm đòng mà lúa bị ố vàng từ lá rồi lan rộng ra toàn thân cây. Qua tìm hiểu tôi mới biết đó là bệnh đạo ôn có nguy cơ dẫn đến tình trạng hạt lép khi lúa trổ bông”.
Còn tại cánh đồng Nhong thuộc khối phố Đoan Trai (phường Tân Thạnh) hiện trồng các giống lúa C23, HT1 với diện tích 30ha. Lúa sắp bước vào giai đoạn trổ bông, tuy nhiên rải rác trên cánh đồng xuất hiện bệnh đạo ôn và sâu cuốn lá nhỏ. Nông dân Phan Minh Hải trồng 2 sào lúa tại đây cho biết: “Năm nay thời tiết khá bất thường. Đã là tháng 3 rồi mà vẫn còn mưa lạnh nên lúa bị sâu bệnh liên tục. Nếu không có giải pháp khắc phục kịp thời chắc vụ mùa năm nay không đạt năng suất”.
Theo ông Trần Anh Quân - Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp & phát triển nông thôn TP.Tam Kỳ, hiện nay nhiều diện tích lúa trên địa bàn thành phố đang trong giai đoạn quan trọng nhất là làm đòng nhưng bị sâu hại, dịch bệnh. Các bệnh như: đạo ôn, sâu cuốn lá, sâu năn… nếu không kịp thời phun thuốc phòng trừ thì cây lúa sẽ bị lép hạt khi trổ bông, dẫn đến năng suất thấp. Và việc phun thuốc cũng cần thực hiện đảm bảo để diệt sâu hại hiệu quả. Ông Quân nói thêm: “Bà con phải phun theo đúng liều lượng, đủ lượng nước, nếu không sâu sẽ không chết, đôi khi làm cho cây lúa bị “ngộ độc” thuốc, dẫn đến lúa bị còi, chết và không đạt năng suất về sau”.
Trong khi đó, để giúp bà con trừ sâu hại lúa, Trạm bảo vệ thực vật TP.Tam Kỳ cũng đã tổ chức tập huấn phòng trừ bệnh đạo ôn trên cây lúa cho bà con nông dân khối phố Đoan Trai (phường Tân Thạnh). Đồng thời, hỗ trợ mỗi hộ nông dân 2 gói thuốc đặc trị Citi USA 650WP để phun phòng trừ bệnh. Các chuyên gia nông nghiệp TP.Tam Kỳ cũng cho biết, ngoài nguyên nhân thời tiết thì việc sạ dày của một số bà con nông dân cũng dẫn đến tình trạng sâu bệnh và dịch hại nhiều. Một cây lúa sinh trưởng tốt thường đẻ từ 5 đến 7 nhánh. Do vậy, nếu sạ dày cây lúa sẽ rất khó phát triển vì thiếu chất dinh dưỡng. Cây lúa kém phát triển nên không có sức đề kháng cao để chống chọi với sâu bệnh. Lúa dày cũng khiến cho việc hấp thu ánh mặt trời để thực hiện quá trình quang hợp gặp khó khăn.
TƯỜNG QUÂN