Khấm khá nhờ trồng cà phê
Ông Nguyễn Năm (48 tuổi, thôn 2, xã Sông Trà, Hiệp Đức) đã mạnh dạn đầu tư trồng cây cà phê và bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Tận mắt nhìn thấy vườn cà phê đang rộ hoa, chúng tôi không khỏi khâm phục quyết tâm của người đàn ông này. Nhiều năm bôn ba làm thêm tại các vùng chuyên trồng cây cà phê ở tỉnh Lâm Đồng, ông Năm quyết định về quê trồng thử loại cây này. Tuy nhiên, ông gặp ngay phải khó khăn lớn khi 4.000 cây giống ban đầu chết vì bị ngập nước. Sau thời gian suy nghĩ, năm 2013, ông lại quyết định mua cây giống về trồng ở khu đất cao hơn. Lần này, ông đã thành công khi phủ xanh hơn 2ha đất triền đồi bằng 2.000 cây cà phê. “Tôi làm thuê bao năm ở nơi chuyên trồng cà phê nên đã nắm được rất rõ về quy trình kỹ thuật, nhưng khi trồng lại không chú trọng đến khu đất nên để cây giống chết vì ngập nước. Nhiều người khuyên tôi nên từ bỏ vì họ nghĩ vùng này không thể trồng cây cà phê. Cũng may trời không phụ lòng, tôi đã thành công khi toàn bộ số cây giống đều phát triển tốt” - ông Năm cho hay.
Được biết, cây cà phê thường ra hoa 3 - 4 lần trong khoảng thời gian từ tháng Giêng đến tháng 2 âm lịch và sẽ cho thu hoạch trái vào tháng 10. Để tăng chất lượng thành phẩm, quả cà phê phải được thu hoạch làm nhiều đợt trong một vụ, chín tới đâu hái đến đó. Vườn cà phê của ông Năm sau hơn 3 năm chăm sóc đã phát triển tốt và cho năng suất cao. Đợt thu hoạch đầu tiên vừa rồi, sau khi hái và phơi khô ông thu hoạch được hơn 3 tấn nhân cà phê, với giá bán 45.000 đồng/kg. Theo ông Năm, cây cà phê có thể sống và cho thu hoạch quả từ 20 - 30 năm, sản lượng mùa đầu sẽ hơi thấp nhưng thường đến năm sau sản lượng sẽ tăng cao gấp nhiều lần.
Những năm trước đây, người dân nơi này chủ yếu trồng keo, cao su nhưng giá cao su bấp bênh, còn cây keo dễ bị ngã gãy do bão. Ông Nguyễn Tám (47 tuổi), một người dân trong thôn cho biết, mô hình trồng cây cà phê của gia đình ông Năm thành công đang trở thành động lực lớn cho bà con nơi đây học hỏi để thoát nghèo. Trước đây ông trồng cây keo nhưng phải hơn 5 năm mới bán có lãi, nếu gặp lúc giá thấp thì xem như bỏ không mấy năm chăm sóc. Ông đã học kinh nghiệm từ ông Năm và bắt đầu mua 500 cây giống trồng thử ở khu đất nhà mình. “Tôi cố gắng làm theo sự chỉ dẫn của ông Năm nên hiện giờ các cây cà phê đều sống và phát triển. Thời gian tới, tôi sẽ suy nghĩ trồng thêm 1.000 cây giống để mở rộng vườn cà phê của mình”- ông Tám phấn khởi nói.
Ông Năm rất vui khi diện tích cà phê đang dần mở rộng, không chỉ giúp bà con thoát nghèo mà còn tạo việc làm thời vụ cho nhiều người. Đợt thu hoạch vừa rồi, gia đình ông Năm thuê 5 người hái cà phê với thù lao từ 180 - 200 nghìn đồng/ngày/người. Đặc biệt, diện tích trồng cà phê mở rộng sẽ dẫn đến sản lượng cà phê tăng cao, thương lái sẽ tự đến tìm mua. Bởi hiện tại, ông Năm phải chở cà phê vào tận Lâm Đồng để bán vì số lượng ít. Bà Trương Lê Vân - Chủ tịch Hội Nông dân xã cho hay, hiện nhiều gia đình học ông Năm nên đã bắt đầu tận dụng diện tích đất còn trống của mình để trồng thử cây cà phê. “Chúng tôi sẽ cố gắng theo dõi quá trình phát triển cây cà phê của các hộ dân để có biện pháp hỗ trợ kịp thời và khuyến khích nhân rộng nếu mô hình hiệu quả” - bà Vân chia sẻ.
LÊ BÌNH