Chuyển đổi cơ cấu cây trồng: Gặp khó nhiều mặt

NGUYỄN VĂN SỰ 13/03/2017 09:32

Những năm qua, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là đối với các chân đất lúa không chủ động nước tưới đã giúp nhà nông nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã bộc lộ không ít khó khăn, nhất là việc tiêu thụ sản phẩm…

Mô hình canh tác bắp lai trên đất lúa trong vụ hè thu ở xã Duy Sơn (Duy Xuyên) đạt giá trị kinh tế cao. Ảnh: VĂN SỰ
Mô hình canh tác bắp lai trên đất lúa trong vụ hè thu ở xã Duy Sơn (Duy Xuyên) đạt giá trị kinh tế cao. Ảnh: VĂN SỰ

Hỗ trợ chuyển đổi cây trồng

Bà Đoàn Thị Ngại ở thôn Chiêm Sơn (Duy Sơn, Duy Xuyên) có 4 sào ruộng trên cánh đồng Deo. Năm 2011 trở về trước, vụ nào bà cũng sạ lúa nhưng do nước tưới quá bấp bênh, đất không màu mỡ nên năng suất thường đạt thấp. Nhờ sự tiếp sức của ngành nông nghiệp, từ năm 2012 đến nay bà Ngại chuyển 4 sào đất lúa ấy sang canh tác cây trồng cạn theo phương thức vụ đông xuân tỉa giống đậu phụng L14, còn hè thu thì gieo trồng một số loại giống bắp lai có sức chịu hạn tốt. “Việc thực hiện mô hình chuyển đổi này đã giúp gia đình tôi tăng thêm nguồn thu nhập. Vụ đông xuân 1 sào đất cho năng suất 125kg đậu phụng khô, bán với giá 22 nghìn đồng/kg thì thu hơn 2,7 triệu đồng. Còn hè thu, 1 sào đất cho năng suất 260kg bắp khô, nếu tính 1kg có giá 7 nghìn đồng thì kiếm được hơn 1,8 triệu đồng. Như vậy, hàng năm 1 sào đất lúa chuyển sang sản xuất 2 loại cây trồng cạn này đạt giá trị ít nhất 4,5 triệu đồng. Trong khi đó, hồi trước gieo sạ lúa, nếu cả 2 vụ đều trúng mùa thì mỗi năm 1 sào ruộng chỉ đạt giá trị 2,4 triệu đồng” - bà Ngại chia sẻ.

Cần giúp nông dân liên kết, tiêu thụ sản phẩm

Mới đây, phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai những nhiệm vụ trọng tâm của năm nông nghiệp 2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một mũi nhọn trong tái cơ cấu nông nghiệp, vì vậy thời gian tới các ngành, các cấp phải quyết liệt vào cuộc. Theo Thủ tướng, để công tác này mang lại hiệu quả cao và phát triển bền vững, ngoài việc thực hiện bài bản khâu quy hoạch, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng thủy lợi, chuyển giao rộng rãi các gói kỹ thuật tiên tiến, tính toán kỹ lưỡng những loại cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng thì những cơ quan có trách nhiệm cần quan tâm giúp đỡ nông dân trong vấn đề liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chứ nếu cứ để họ tự bơi giữa cơ chế thị trường với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì sẽ rất khó thành công. Ở Quảng Nam, sự thất bại của cây mía, bông vải, dứa, điều ghép, quế… vẫn còn là bài học đắt giá.

Theo tìm hiểu, 6 năm trở lại đây Quảng Nam đã chuyển 5.500ha đất lúa sang canh tác các loại cây trồng cạn, riêng năm 2016 số diện tích thực hiện xấp xỉ 1.300ha và thực tế cho thấy giá trị kinh tế tăng 2 - 4 lần so với trước đây nông dân sản xuất lúa. Ông Huỳnh Tấn Đức - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, nhờ mô hình này mang lại thành công lớn nên năm qua bình quân giá trị sản phẩm trồng trọt của tỉnh đạt 75 triệu đồng/ha, tăng 15 triệu đồng/ha so với năm 2010. Dự kiến năm nay toàn tỉnh sẽ tiếp tục chuyển hơn 2.200ha đất lúa sang gieo trồng hoa màu, trong đó chủ yếu là bắp lai và đậu phụng.

Ông Phạm Đình Xuân - Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để giúp nhà nông nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích được huyện xác định là khâu trọng yếu trong việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Vì vậy, những năm qua, nhất là từ khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã tích cực hỗ trợ nông dân thực hiện công tác này. Ông Xuân nói: “Trước đây, Duy Xuyên có hơn 3.800ha đất lúa. Thời gian qua, toàn huyện đã chuyển 200ha sang sản xuất các loại cây trồng cạn, trong đó chủ yếu là những chân ruộng khó khăn nước tưới. Với phương thức canh tác vụ đông xuân trồng đậu phụng hoặc ớt, xuân hè tỉa đậu xanh hoặc bắp nếp, hè thu trồng bắp lai…, bình quân hàng năm người dân thu về 120 - 150 triệu đồng từ 1ha đất lúa chuyển đổi. Sau khi trừ chi phí đầu tư, lãi ròng 90 - 120 triệu đồng, cao gấp 3 - 4 lần so với sản xuất lúa. Những năm tới, huyện sẽ hỗ trợ nông dân chuyển thêm 300ha đất lúa bấp bênh nước tưới sang sản xuất một số loại hoa màu chủ lực”.

Tại huyện Hiệp Đức, thời gian gần đây chính quyền các cấp và ngành chuyên môn cũng đặc biệt quan tâm giúp đỡ nhà nông chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Ông Phạm Sỹ Đoàn - Phó phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, để khâu này được triển khai bài bản và mang lại thành công lớn, UBND huyện đã ban hành một đề án chi tiết thực hiện từ năm 2016-2020. Theo ông Đoàn, Hiệp Đức có tổng cộng 1.353ha đất lúa nhưng do hạ tầng thủy lợi chưa được xây dựng đồng bộ khiến việc sản xuất gặp nhiều khó khăn. Vụ đông xuân nhờ trời thường có mưa nên nông dân gieo sạ hết số diện tích vừa nêu, còn hè thu vì nắng nóng quá khốc liệt buộc toàn huyện phải bỏ hoang gần 400ha. Trước tình trạng đó, cách đây hơn 1 năm UBND huyện Hiệp Đức ban hành đề án về hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây trồng trên đất lúa. Trong vụ hè thu 2016, nhờ sự tiếp sức từ nhiều phía, hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện (trừ 3 xã vùng cao là Sông Trà, Phước Gia, Phước Trà) đã chuyển gần 96ha đất lúa thường phải bỏ hoang vì không chủ động nước tưới sang sản xuất một số loại hoa màu. Thực hiện đề án trên, huyện trích nguồn ngân sách hỗ trợ sau đầu tư cho nông dân với mức 6 - 10 triệu đồng/ha tùy theo loại cây trồng. Việc chuyển đổi này đã mang lại kết quả rất khả quan, bình quân 1ha đất trồng bắp lai cho giá trị 30 triệu đồng, còn 1ha đất trồng rau đậu đạt 40 - 50 triệu đồng.

Còn lắm gian truân

Ông Nguyễn Hữu Sơn - Chủ tịch UBND xã Quế Cường (Quế Sơn) cho biết, địa phương có 121ha đất lúa, vụ đông xuân nông dân gieo sạ hết số diện tích này nhưng hè thu thì chỉ sản xuất được 109ha. Theo ông Sơn, do hệ thống kênh mương, trạm bơm điện chưa được đầu tư xây dựng nên hàng chục năm qua vụ hè thu nào 12ha đất lúa trên cánh đồng Ga của thôn Phú Cường 1 và cánh đồng Hóc Chánh, Hố Vịt của thôn Thạch Khê cũng phải chịu cảnh bỏ hoang. Hỏi sao chính quyền không vận động nhà nông chuyển 12ha đất lúa ấy sang trồng các loại hoa màu thì ông Sơn lắc đầu: “Toàn bộ diện tích đất lúa vừa nêu đều nằm ven các chân núi. Vụ hè thu, nắng nóng hoành hành trên diện rộng, đất khô nứt nẻ, nếu có trồng bắp lai hoặc tỉa đậu phụng, gieo mè thì cũng thất bại vì không có nước tưới. Cần nói thêm, 12ha đất lúa này chủ yếu thuộc những khu vực trũng thấp, nếu mưa lớn kéo dài thì sẽ xảy ra tình trạng ngập úng nghiêm trọng bởi lượng nước khá nhiều từ trên núi chảy xuống khiến các loại hoa màu bị hư thối hết, thậm chí đến cây keo lai cũng chung số phận”.

Nhà nông rất cần sự hỗ trợ trong khâu liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.  Ảnh: VĂN SỰ
Nhà nông rất cần sự hỗ trợ trong khâu liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: VĂN SỰ

Mặc dù công tác chuyển đổi cây trồng trên đất lúa ở xã Phú Thọ (Quế Sơn) có thuận lợi hơn xã lân cận Quế Cường nhưng nông dân nơi đây vẫn gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm. Ông Bùi Khắc Sơn - cán bộ Ban nông & lâm nghiệp xã Phú Thọ cho biết, trong số 275ha đất lúa trên địa bàn xã thì lâu nay vụ hè thu thường bỏ hoang 146ha vì không có nước tưới. Những năm gần đây, chính quyền địa phương vận động nông dân chuyển 55ha sang trồng sắn và 10ha sang canh tác bắp lai, mè. Thế nhưng, đầu ra của cây sắn hết sức bấp bênh. Ông Sơn nói: “Bình quân 1 sào sắn cho năng suất khoảng 1 tấn củ tươi. Trước đây, nhà máy tinh bột sắn thu mua sản phẩm với mức giá 1.300 - 1.500 đồng/kg thì nông dân còn lại lãi ròng từ 900 nghìn đồng đến 1,1 triệu đồng/sào. Tuy nhiên, năm ngoái giá thu mua sắn củ tươi giảm xuống còn 400 - 500 đồng/kg nên nông dân nản lòng”.

Đâu riêng sắn củ tươi, những năm qua nông dân nhiều nơi trên địa bàn tỉnh cũng không ít lần lao đao vì giá bán sản phẩm của những mô hình chuyển đổi từ đất lúa sang cây công nghiệp ngắn ngày liên tục biến động mạnh. Ông Lê Lai - Chủ tịch UBND xã Điện Phong (Điện Bàn) cho biết, từ năm 2011 đến nay người dân địa phương đã chuyển 23ha đất lúa sang sản xuất các loại cây trồng cạn như ớt, dưa hấu, đậu phụng, bắp lai… Dù năng suất những loại cây đó luôn đạt khá cao nhưng do đầu ra sản phẩm quá khó khăn khiến nhà nông không yên tâm canh tác, nhất là đối với cây dưa hấu và ớt. Có vụ tư thương đến tận ruộng giành giật nhau mua với giá rất cao nhưng có mùa họ cũng chẳng thèm tới. Và lâu nay, chuyện nhà nông bỏ ớt, dưa hấu chín thối rục ngoài ruộng không phải là hiếm.

NGUYỄN VĂN SỰ

NGUYỄN VĂN SỰ