Xây dựng thương hiệu rau sạch Tam An

VINH ANH 27/02/2017 09:36

Chính quyền cùng người dân xã Tam An (Phú Ninh) đang nỗ lực xây dựng thương hiệu rau sạch của địa phương.

Quy hoạch vùng rau chuyên canh

Tam An là địa phương có tiếng về trồng rau trên địa bàn huyện Phú Ninh. Nông dân nơi đây có kinh nghiệm trồng rau lâu năm và là nghề đã và đang mang lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã. Tuy nhiên, với hình thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, các nông hộ thường xuyên đối diện với tình trạng “được mùa mất giá, mất mùa được giá”, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập. Từ thực tế đó, nhiều năm nay, xã Tam An đã tập trung chuyển đổi nhiều diện tích đất nông nghiệp không hiệu quả sang quy hoạch các cánh đồng chuyên canh rau. Điển hình trong số đó là cánh đồng rau Gò Sen (thôn An Hòa). Ông Nguyễn Văn Cư - Phó ban Nông nghiệp xã kiêm Trưởng thôn An Hòa cho biết, trước năm 2012, toàn bộ diện tích khoảng 2ha ở khu vực này chủ yếu là đất gò đồi, chỗ cao, chỗ thấp. Người dân mạnh ai nấy làm, người trồng lúa, người gieo đậu… nhưng năng suất bấp bênh vì khó khăn về nước tưới. Năm 2011, sau  khi dồn điền đổi thửa, thôn đã vận động bà con nông dân ra quân cải tạo đất, san phẳng mặt bằng ở khu vực này thành cánh đồng bằng phẳng, với những ô, thửa vuông vắn. Có khoảng hơn 20 hộ dân trong thôn được nhận đất để trồng rau ở khu vực này, với diện tích trung bình mỗi hộ khoảng 2 sào đất.

Hệ thống nhà lưới dự kiến sẽ được nhân dân triển khai xây dựng trong năm 2017 để sản xuất rau sạch. Ảnh: VINH ANH
Hệ thống nhà lưới dự kiến sẽ được nhân dân triển khai xây dựng trong năm 2017 để sản xuất rau sạch. Ảnh: VINH ANH

Theo chủ trương của xã, toàn bộ diện tích đã cải tạo khoảng 2ha tại cánh đồng Gò Sen được quy hoạch trồng rau chuyên canh. Xã đã hỗ trợ kinh phí để kéo điện ra đồng và khoan giếng cho từng hộ dân nhằm phục vụ việc tưới tiêu. Nhờ đó, cánh đồng rau Gò Sen phát triển rất tốt, toàn bộ diện tích được người dân tận dụng để sản xuất các vụ rau quanh năm. Ông Cư nói: “Thực tế cho thấy, so với trồng lúa và các loại cây trồng khác thì trồng rau chuyên canh mang lại thu nhập cao hơn cho người dân, khi trung bình mỗi héc ta rau chuyên canh ở đây cho thu nhập 250 - 300 triệu đồng. Tuy nhiên, hiện nay toàn bộ sản lượng rau sản xuất ra chủ yếu bán cho thương lái nên giá cả luôn biến động. Lúc thời tiết thuận lợi, rau được mùa thì giá thấp, còn lúc mất mùa, rau khan hiếm thì giá cao, khiến người dân chưa yên tâm”.

Mong có một thương hiệu

Trực tiếp trồng rau ở cánh đồng Gò Sen, bà Hồng Thị Hải (thôn An Hòa) và những nông dân khác đều phấn khởi khi được Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện tốt để bà con sản xuất rau. Mong ước lớn nhất của bà con nông dân ở đây là có một nơi bao tiêu sản phẩm, đảm bảo về giá cả cho họ trong suốt quá trình sản xuất. “Giá cả lên xuống thất thường khiến cho bà con luôn lo lắng, thấp thỏm vì sợ rau sản xuất ra không bán được giá. Do đó, chúng tôi muốn có một doanh nghiệp nào đứng ra hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho bà con, như thế thì tốt biết mấy” - bà Hải chia sẻ. So với những hộ nông dân khác, diện tích trồng rau của gia đình bà Hải không lớn, chỉ khoảng hơn 1ha. Còn những hộ trồng với diện tích lớn, giá cả rau bấp bênh khiến họ lo lắng. Như hộ bà Nguyễn Thị Minh Văn chẳng hạn, với 5 sào đất trồng rau, bà trực tiếp mang rau ra tận chợ để bán nhưng vẫn không tránh khỏi việc giá cả lên xuống, rau quả ế ẩm. May mắn lắm, khi thời tiết thất thường, trồng được vựa rau ở thời điểm đó thì mới có giá. “Như gia đình tui nè, trước tết thời tiết “đỏng đảnh” nhưng may mắn trồng vụ khổ qua bán được giá cao nên thu về 15 triệu đồng, chứ bình thường thì dễ gì, vì lúc đó ai cũng làm được” - bà Văn nói.

Trước thực tế đó, nhiều năm nay, Đảng ủy, UBND xã Tam An đã có những chủ trương, giải pháp để tìm cách “gỡ khó” cho người dân tại địa phương. Và hiện nay chính quyền và người dân cùng phối hợp  xây dựng thương hiệu rau sạch Tam An. Ông Huỳnh Tấn Nhật - Chủ tịch UBND xã Tam An cho biết, muốn xây dựng được thương hiệu rau sạch Tam An, trước hết phải quy hoạch được những vùng sản xuất tập trung. Hiện nay, xã đang cùng với người dân thôn An Hòa tập trung xây dựng vùng chuyên canh rau sạch tại cánh đồng Gò Sen. Cùng với những điều kiện sẵn có như mặt bằng, điện, nước… sắp đến xã sẽ vận động người dân xây dựng hệ thống nhà lưới và đường ống tưới tiêu tự động tại đây để hướng đến sản xuất sạch. “Chủ trương này đã được UBND huyện đồng ý và sẽ có chính sách hỗ trợ sau đầu tư cho chi phí mà người dân bỏ ra để xây dựng hệ thống nhà lưới, với số tiền hỗ trợ khoảng 10 triệu đồng/sào, tương ứng với 200 triệu đồng/ha. Hiện nay, trên cánh đồng Gò Sen đã có một hộ xây dựng nhà lưới trên diện tích 100m2 để người dân học tập” - ông Nhật nói.  

Cùng với cánh đồng rau Gò Sen, xã Tam An cũng đã quy hoạch những vùng sản xuất rau sạch tập trung tại cánh đồng Ma Lam (thôn An Thiện), cánh đồng Sào Đề (thôn An Mỹ 1) và cánh đồng Xe (thôn An Mỹ 2). Trước mắt, xã đang tập trung để xây dựng tốt mô hình trồng rau sạch ở cánh đồng Gò Sen, sau khi đạt kết quả sẽ nhân rộng ra ở những cánh đồng khác theo hình thức liên kết các cánh đồng. Ông Nhật cho biết: “Để Tam An có được thương hiệu rau sạch là mục tiêu mà chúng tôi đang hướng đến. Hiện, vẫn còn nhiều việc phải làm nhưng hy vọng với sự trợ lực từ chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn của huyện và sự đồng lòng của người dân, nhất định mục tiêu ấy sẽ đạt được. Xây dựng được thương hiệu, lúc đó bà con nông dân sẽ yên tâm mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập cho gia đình”.

VINH ANH

VINH ANH