Chuột cắn phá lúa đông xuân
Lúa đông xuân trên địa bàn huyện Thăng Bình đang ở giai đoạn đẻ nhánh rộ, nhưng bị chuột cắn phá nghiêm trọng. Theo báo cáo của Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện, đến nay toàn huyện có gần 200ha lúa bị chuột gây hại.
TẠI cánh đồng tổ 8 (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình ), từ sau Tết Nguyên đán đến nay, mỗi buổi sáng ông Nguyễn Văn Phụng (tổ 8, thị trấn Hà Lam) phải lội vào tận giữa ruộng để vớt lá lúa do chuột cắn phá. Mặc dù đã dùng nhiều cách từ đánh bả đến rào chắn bao nylon xung quanh ruộng, nhưng ông Phụng đành bất lực nhìn 2 sào ruộng bị lũ chuột cắn phá nghiêm trọng. Ông cho biết: “Chưa có năm nào như năm nay, chuột cắn phá ác liệt. Ban đầu gia đình tôi dùng thuốc trộn với thức ăn nhưng thức ăn thì còn mà chuột vẫn không chết.
Ông Nguyễn Văn Phụng lội vào giữa ruộng để vớt lá lúa do chuột cắn phá. Ảnh: TÂN BIÊN |
Khi đánh bẫy, chúng mang bẫy đi đâu không thấy. Bây giờ hết cách, tôi phải cắm cờ giữa ruộng, xung quanh ruộng thì rào chắn bằng nylon, nhưng ra đồng vẫn thấy bọn chuột vào giữa ruộng để cắn phá”. Trong khi đó, gia đình ông Nguyễn Hữu Sanh gieo sạ 4 sào ruộng thì có đến nửa diện tích bị chuột phá hoại. Xót cho cây lúa, ông Sanh phải túc trực vào ban đêm để bắt chuột. Ông than thở: “Ban đêm pha đèn pin thấy lũ chuột chạy đầy ruộng, chúng tôi chạy theo đánh được con nào thì hay con đó, chứ giờ cũng không biết làm gì. Bây giờ túc trực ngày đêm, chúng tôi cũng chỉ mong chúng đừng phá thêm lúa nữa”.
Theo Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Thăng Bình, toàn huyện đã có gần 200ha lúa đông xuân bị chuột cắn phá, tập trung ở các xã Bình Trung, Bình Tú, Bình An và thị trấn Hà Lam. Theo ông Hồ Ngọc Quảng - Trưởng trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chuột hoành hành như hiện nay là vì thời tiết bất lợi, tuy có lụt nhưng quá trình tác động không nhiều, khiến cho chuột sinh sản nhanh tại các cánh đồng, trong khi đó lịch thời vụ đông xuân năm 2016 - 2017 bị kéo giãn nên nông dân không có thời gian để ra quân diệt chuột ngay từ đầu vụ. Một trong những biện pháp hữu hiệu là huy động đông đảo lực lượng để tham gia đào bắt chuột. “Trước tình hình này, Trạm Trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện đã chỉ đạo các địa phương theo dõi diễn biến tình hình, huy động các hội đoàn thể, cùng người dân ra quân diệt chuột. Hiện nay nhiều địa phương đang tiến hành tổ chức ra quân diệt chuột. Tính đến ngày 9.2, các địa phương đã bắt gần 8.000 con. Trong khi đó, nhiều địa phương cũng đã trích nguồn kinh phí của đơn vị để thu mua từ 3 đến 4 nghìn đồng/đuôi chuột để hỗ trợ nông dân.
MINH TÂN - GIANG BIÊN