Hạt lúa giống hôm nay

NGUYỄN SỰ 24/01/2017 14:00

(Xuân Đinh Dậu) - Dấu ấn đậm nét nhất của kinh tế nông nghiệp Quảng Nam là đã hình thành nhiều mô hình cánh đồng mẫu lớn và đẩy mạnh việc liên kết để tổ chức sản xuất giống lúa theo phương thức hàng hóa tập trung.

Đòn bẩy trong tái cơ cấu ngành

Nhìn đồng lúa non xanh mơn mởn dưới nắng xuân ấm áp, ông Nguyễn Đức Dũng - Trưởng thôn Đại Lợi (Đại Nghĩa, Đại Lộc) cho biết, những năm qua địa phương nỗ lực dồn điền đổi thửa 30ha đất lúa và ưu tiên nguồn vốn thi công bài bản hệ thống kênh mương, giao thông nội đồng để hình thành cánh đồng mẫu lớn. Sau khi hoàn tất khâu này, nhờ HTX Nông nghiệp Đại Nghĩa đứng ra làm cầu nối, vụ đông xuân nào 135 hộ dân của thôn cũng liên kết với Công ty CP Giống cây trồng miền Nam sản xuất hạt giống lúa lai 3 dòng Nhị ưu 838 theo phương thức doanh nghiệp bao tiêu đầu ra sản phẩm. Ông Dũng hồ hởi: “Lâu nay, đến vụ đông xuân là tôi hợp tác với công ty sản xuất 10 sào giống lúa lai Nhị ưu 838 và năng suất bình quân 1 sào đạt 200kg hạt giống. Sản xuất 10 sào giống lúa lai, hàng vụ tôi lời 38 triệu đồng, trong khi đó nếu làm lúa thương phẩm thì chỉ lãi chừng 9 triệu đồng”.

Đẩy mạnh cơ giới hóa trên những cánh đồng mẫu lớn.Ảnh: VĂN SỰ
Đẩy mạnh cơ giới hóa trên những cánh đồng mẫu lớn.Ảnh: VĂN SỰ

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho rằng, điểm nhấn của bức tranh kinh tế nông nghiệp địa phương là thành công lớn từ việc nông dân liên kết với doanh nghiệp sản xuất giống lúa hàng hóa trên 40 cánh đồng mẫu. Ông Mẫn chia sẻ: “Thời điểm năm 2000 - 2001, khi mới bắt tay vào việc liên kết với doanh nghiệp sản xuất giống lúa, huyện chỉ bố trí 40 - 50ha tại thị trấn Ái Nghĩa và xã Đại Nghĩa. Đến nay, bình quân mỗi năm nông dân Đại Lộc liên kết với ít nhất 12 doanh nghiệp sản xuất 1.800ha giống lúa, trong đó có 1.500ha giống lúa thuần và 300ha hạt lai F1. Thực tế cho thấy, nếu sản xuất hạt lai F1, thu nhập của nhà nông tăng 3 - 4 lần so với làm lúa thương phẩm. Còn nếu sản xuất hạt giống lúa thuần, giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích sẽ tăng thêm 20 - 25% so với làm thóc thịt”.

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, hiện nay toàn tỉnh đã dồn điền đổi thửa được 19.812ha đất lúa, tập trung chủ yếu ở 9 địa phương Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Núi Thành, Nông Sơn, Phú Ninh, Thăng Bình, Quế Sơn, Tam Kỳ. Bên cạnh việc chỉnh trang đồng ruộng, những năm qua chính quyền đầu tư thi công hàng loạt tuyến giao thông, thủy lợi nội đồng để hình thành gần 150 cánh đồng mẫu.

Hướng nào phát triển bền vững?

“Thông qua các hợp tác xã nông nghiệp, hàng năm nông dân trên địa bàn tỉnh bắt tay với 40 doanh nghiệp sản xuất 4.200ha giống lúa thuần và 800ha giống lúa lai thế hệ F1. Với số diện tích vừa nêu, mỗi năm nông dân xứ Quảng cung ứng ra thị trường 21.000 tấn giống lúa thuần, 1.800 tấn giống lúa lai và mức lãi ròng tăng thêm so với làm lúa thương phẩm là không dưới 60 tỷ đồng. Có thể khẳng định, mô hình liên kết này thực sự là đòn bẩy trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp”.
                   (Ông LÊ MUỘN - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT)

Theo ông Lê Muộn, ngoài 5.000ha đã được duy trì canh tác hàng năm, thời gian tới ngành nông nghiệp cùng chính quyền những địa phương thuộc khu vực đồng bằng sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư và hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp trong việc liên kết với nông dân nhằm mở rộng thêm 1.000ha đất chuyên sản xuất giống lúa hàng hóa. TS.Phan Huy Thông - nguyên Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho rằng, Quảng Nam đã trở thành một trong những trung tâm sản xuất hạt giống lúa thuần, lúa lai của cả nước. “Trước nhu cầu khá lớn của thị trường, rất nhiều doanh nghiệp tiếp tục tìm đến xứ Quảng để liên kết với nông dân sản xuất giống lúa hàng hóa. Vì vậy, việc mở rộng diện tích là phù hợp với xu hướng phát triển. Tuy nhiên, tỉnh phải hết sức chú trọng công tác quy hoạch, dồn điền đổi thửa, xây dựng đồng bộ hạ tầng thiết yếu để hình thành những cánh đồng mẫu lớn nhằm đảm bảo việc sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao” - TS.Phan Huy Thông nhận định.

Mặc dù mối liên kết giữa nhà nông và doanh nghiệp trong quá trình hợp tác sản xuất giống lúa hàng hóa đã đạt được thành công rất lớn nhưng thực tế nhiều năm qua cho thấy vẫn còn không ít vụ việc phát sinh do hai bên không đồng thuận trong đánh giá chất lượng và định giá thu mua sản phẩm. Gần đây nhất, hồi tháng 6.2016 hơn 60 hộ dân ở xã Bình Tú (Thăng Bình) phải ngậm ngùi bán 70 tấn giống lúa OM 4900 cấp nguyên chủng và VN121 cấp xác nhận cho thương lái vì sau khi thu hoạch mấy tháng trời doanh nghiệp liên kết sản xuất với họ không thu mua sản phẩm do hai bên không thống nhất về giá cả. Theo TS.Trần Văn Mạnh – Giám đốc Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng khu vực miền Trung, để mô hình liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa có tính bền vững cao, hạn chế tối đa việc xảy ra những khúc mắc giữa nhà nông và nhà doanh nghiệp thì nhất thiết các cơ quan có trách nhiệm của tỉnh phải siết chặt khâu quản lý nhà nước. Cạnh đó, những đơn vị liên quan cần thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ của các hợp tác xã, tổ hợp tác và nhất là nông dân nhằm giúp họ nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức pháp luật để thiết lập hợp đồng liên kết sản xuất với doanh nghiệp một cách bài bản, chặt chẽ hơn.

Theo ông Võ Văn Nghi - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, lâu nay việc sản xuất giống lúa còn gặp phải nhiều rủi ro, bất trắc do yếu tố thời tiết, nhất là đối với mô hình sản xuất hạt lai thế hệ F1. Còn nhớ, đông xuân 2009 - 2010, vì chịu ảnh hưởng bởi những đợt mưa lạnh kéo dài nên ít nhất 1.000ha đất sản xuất giống lúa lai ở huyện Đại Lộc và một số nơi khác bị thiệt hại nghiêm trọng. Sau vụ đó, ngoài khoản tiền đền bù của doanh nghiệp thì ngân sách tỉnh còn bỏ ra 8 tỷ đồng hỗ trợ cho hàng nghìn hộ dân để họ có điều kiện tái đầu tư sản xuất. Ông Nghi nói: “Theo tôi, Nhà nước cần có quỹ hỗ trợ rủi ro đối với mô hình liên kết sản xuất lúa giống, đặc biệt là sản xuất hạt giống lúa lai thế hệ F1 để trong quá trình canh tác nếu không may bị thất bại do thời tiết thì kịp thời tiếp sức cho doanh nghiệp và nông dân nhằm sớm giúp họ vượt qua khó khăn”.

NGUYỄN SỰ

NGUYỄN SỰ