Kiệu, bưởi được giá
Cây kiệu ở Thăng Bình, bưởi trái vụ ở Đại Bình (Nông Sơn) góp phần mang lại nguồn thu nhập khá cho nông dân dịp tết này.
Kiệu được mùa, được giá
Chưa bao người trồng kiệu trên địa bàn xã Bình Phục (huyện Thăng Bình) phấn khởi như năm nay, khi kiệu được mùa, giá cao. Hiện nay, giá mỗi ký kiệu dao động 35.000 - 40.000 đồng; trừ chi phí, mỗi sào có thể lãi 5 - 7 triệu đồng. Thôn Tất Viên (xã Bình Phục) được xem vùng chính của cây kiệu với diện tích gần 100ha. Tại thời điểm hiện nay, bà con nông dân ở thôn này đang tranh thủ trời nắng để nhổ kiệu. Cùng với đó, các lái buôn cũng đã có mặt rất sớm để thu mua kiệu. Gia đình ông Phan Lập (thôn Tất Viên, xã Bình Phục) có 5 sào trồng kiệu. Ông Phan Lập cho biết, trong 4 sào kiệu đã bán cho thương lái, có đợt gia đình ông bán giá đến 45.000 đồng/kg. Hiện nay, gia đình chỉ còn một sào kiệu nhưng cũng đã được thương lái đến đặt cọc tiền để mua.
Nông dân đang thu hoạch kiệu. Ảnh: BIÊN THỰC |
Cũng tại thôn Tất Viên, gia đình chị Võ Thị Mai có 7 sào kiệu. Hiện nay, gia đình chị thu hoạch sào thứ 3. Mấy sào trước gia đình chị Mai cũng bán giá kiệu dao động 40.000 - 48.000 đồng. Tuy nhiên, gia đình chị nghĩ giá kiệu phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết nên chưa nhổ vội, chờ giá kiệu tăng thêm. Trong khi đó mấy ngày qua, thời tiết có mưa đã làm giá kiệu giảm chỉ còn 35.000 - 40.000 đồng/kg. Theo chị Mai, giá kiệu tăng trong năm nay là do mấy tháng trước mưa lũ liên tục, người trồng kiệu ở tỉnh Quảng Ngãi bị thiệt hại nặng. Từ đó, kiệu khan hiếm nên giá bán khá cao.
Toàn xã Bình Phục (huyện Thăng Bình) có hơn 150ha diện tích trồng kiệu. Hiện nay, bà con nông dân đã nhổ để bán cho thương lái hơn 100ha. Theo ông Phan Ngọc Bốn - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Phục, thời gian qua, cây kiệu vẫn chưa có chỗ đứng trên thị trường, phụ thuộc rất nhiều vào thương lái và thời tiết. Thời gian đến, xã sẽ xây dựng vùng quy hoạch sản xuất kiệu, liên kết với các doanh nghiệp thu mua nông sản để ổn định về giá cả. Bên cạnh đó, sẽ đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi để bà con thuận tiện trong sản xuất”.
Trúng bưởi trái vụ
Tại làng Đại Bình (xã Quế Trung, huyện Nông Sơn), người dân cũng đang phấn khởi thu hoạch vụ bưởi trụ lông trái vụ bán vào dịp tết. Gia đình ông Nguyễn Bốn (86 tuổi, trú tổ 4, thôn Đại Bình, xã Quế Trung) trồng được 4 sào bưởi trụ lông, mỗi năm vào tháng 7, gia đình ông thu hoạch ít nhất cũng được 50 triệu đồng, sau đó sẽ hái bỏ những trái ra sau. Tuy nhiên, năm nay gia đình ông quyết định chăm sóc thật kỹ và bón thúc sau khi thu hoạch vụ bưởi tháng 7, để cây bưởi ra quả trúng vào vụ tết. “Sau khi thu hoạch vụ bưởi tháng 7, gia đình tôi đầu tư thêm phân để bón thúc cho bưởi ra trái kịp bán cuối năm. Đến nay trên 4 sào bưởi trụ lông của tôi đã cho được hơn 700 quả, trung bình mỗi quả sẽ bán với giá 25 - 30 ngàn đồng, mang lại nguồn thu từ 15 - 20 triệu đồng để sắm tết” - ông Bốn nói.
Không chỉ riêng gia đình ông Bốn, gia đình ông Nguyễn Hà Nhẫn (28 tuổi, trú tổ 3, thôn Đại Bình, xã Quế Trung), dịp này cũng có gần 300 trái bưởi trụ lông để bán. Ông Nhẫn cho biết, nhà ông có 3 sào bưởi trụ lông, bình thường chỉ bán vào đợt tháng 7. Tuy nhiên, nhận thấy mọi người chọn bưởi chưng tết rất nhiều, trong khi trái bưởi trụ lông có da dày để được lâu, lại ngon hơn trái bưởi thường, nên năm nay ông quyết tâm chăm sóc kỹ lưỡng vụ trái mùa. “Đến bây giờ vườn nhà tôi đã ra được hơn 300 trái to đẹp. Nếu bán được với giá 25 ngàn đồng/trái thì cũng có thêm được gần chục triệu đồng sắm tết cho con” - ông Nhẫn nói.
Hiện nay, thôn Đại Bình còn có nhiều gia đình khác để bưởi trái vụ bán tết. Nhờ thu nhập từ bưởi trái vụ năm nay người trồng bưởi ở Đại Bình hứa hẹn có một cái tết thật ấm cúng.
BIÊN THỰC - THẮNG DƯƠNG