Đến năm 2020, 100% cơ sở chăn nuôi tập trung có hệ thống xử lý chất thải đạt chuẩn
(QNO) - Đó là một trong những mục tiêu của quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được UBND tỉnh phê duyệt.
Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi tập trung nói riêng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững; tạo thương hiệu sản phẩm chăn nuôi của tỉnh, thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới. Đồng thời xây dựng các chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả, vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Cụ thể, đến năm 2020, giá trị sản xuất chăn nuôi chiếm tỷ trọng 40% trong nội bộ ngành nông nghiệp; đến năm 2025, chiếm tỷ trọng 45% trong nội bộ ngành nông nghiệp; đến năm 2030, giá trị sản xuất chăn nuôi đạt trên 5.585 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 3,41%/năm.
UBND tỉnh quy hoạch các đối tượng nuôi chủ lực (gồm quy hoạch đàn bò, đàn heo, đàn gà), quy hoạch về giống vật nuôi, sản xuất thức ăn, cơ sở hạ tầng phục vụ chăn nuôi (gồm hệ thống giao thông, hệ thống điện, hệ thống thủy lợi). Về các khu chăn nuôi tập trung, theo quy hoạch, sẽ có 38 khu chăn nuôi tập trung tại 14 huyện, thị xã, tổng diện tích 1.329,5ha. Tại các huyện, thị xã có quy hoạch riêng 237 khu chăn nuôi tập trung quy mô nhỏ hơn với tổng diện tích 2.536ha.
Các dự án ưu tiên đầu tư gồm xây dựng các sơ sở sản xuất giống vật nuôi; nhà máy chế biến thức ăn hỗn hợp dùng trong chăn nuôi; cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi; đầu tư cơ sở hạ tầng 4 khu chăn nuôi tập trung để thu hút đầu tư chăn nuôi quy mô lớn. UBND tỉnh đề ra các giải pháp để thực hiện mục tiêu nêu trên về công tác giống, chăm sóc, nuôi dưỡng; phương thức tổ chức, quản lý, tổ chức thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; về cơ chế, chính sách; đất đai.
Tổng nhu cầu vốn đầu tư hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để phát triển chăn nuôi tập trung toàn tỉnh giai đoạn 2016-2025 là 272 tỷ đồng.
BẢO NGUYÊN