Thắc thỏm vụ hoa xuân

NGUYỄN QUANG VIỆT 09/01/2017 09:10

Các hộ trồng hoa trên địa bàn tỉnh đang đứng ngồi không yên vì nguy cơ lỡ vụ tết đang hiển hiện trước mắt…

Than trời

Chỉ còn chừng nửa tháng nữa là đến tết nhưng các búp cúc đại đóa được các nông hộ trên địa bàn tỉnh trồng vẫn lép xẹp. Chị Nguyễn Thị Hoa (khối phố Sơn Phô 2, phường Cẩm Châu, TP.Hội An) lo lắng: “Thời điểm này ở mọi năm trước thì bông cúc đã bung to, sắp nở. Vậy mà chừ hoa cúc quá chậm phát triển. Chỉ mong sao cho hoa kịp trổ để bán được trong dịp tết này. Tính toán sơ sơ đã thấy thua lỗ nặng nề rồi”. Gia đình chị Hoa trồng gần 1 nghìn chậu cúc đại đóa trên 5 sào diện tích vườn. Ngay từ đầu tháng 8.2016, gia đình đã tất bật làm đất, chuẩn bị chậu, vào Đà Lạt (Lâm Đồng) săn tìm giống hoa chất lượng về ươm trồng. Sau 4 tháng chăm sóc, dự kiến hoa sẽ ra sớm trước thời điểm tết chừng 7 ngày vậy nhưng kế hoạch đã thất bại. “Mưa lụt kéo dài quá nhiều ngày đã khiến cho nhiều chậu cúc đại đóa bị hư hại. Chưa kịp trấn tĩnh thì rét lạnh đã khiến cho các chậu hoa còn lại “co cụm”. Năm nay thất bại cả vụ hoa tết sẽ lâm nợ nhiều” - chị Hoa nói.

Người trồng cúc trên địa bàn TP.Hội An lo lắng hoa trổ muộn.Ảnh: N.Q.V
Người trồng cúc trên địa bàn TP.Hội An lo lắng hoa trổ muộn.Ảnh: N.Q.V

Phường Cẩm Châu là địa bàn trồng hoa cúc đại đóa lớn nhất TP.Hội An, tập trung chủ yếu ở 2 khối phố Sơn Phô 1 và Sơn Phô 2. Theo thống kê của UBND phường Cẩm Châu, đợt lũ lụt vừa qua đã gây thiệt hại đến 2/3 trong tổng số hơn 30 nghìn chậu cúc của gần 300 hộ trồng. Hiện tại, số chậu cúc đại đóa còn lại vẫn chưa có dấu hiệu ra hoa do không khí quá lạnh khiến hoa sinh trưởng chậm. Ông Lê Đình Tường - Phó Trưởng phòng Kinh tế TP.Hội An cho biết, chỉ riêng trận lũ lụt nhiều ngày qua đã khiến cho hoa các loại trên tổng diện tích 9ha bị hư, thiệt hại lên đến gần 10 tỷ đồng. “Nếu trong những ngày tới mà thời tiết không thuận lợi thì các loại hoa cúc đại đóa, ly ly, hồng, thược dược, mãn đình hồng cũng sẽ không kịp trổ hoa kịp vụ tết này. Người trồng hoa trên địa bàn thành phố đang đối diện với áp lực quá lớn, nguy cơ nhiều nông hộ sẽ thất bại, thua lỗ” - ông Tường nói.

Nguy cơ lỡ vụ hoa tết cũng đang hiển hiện trước mắt các nông hộ trồng hoa trên địa bàn TP.Tam Kỳ. Ông Thái Tĩnh (khối phố 6, phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ) cho biết, gia đình trồng 500 chậu hoa ly ly cho vụ tết này thì đã có 440 chậu bị gãy đọt cách đây vài ngày. “Thiệt hại này quá lớn đối với gia đình chúng tôi, bởi mỗi chậu hoa phải đầu tư chi phí gần 100 nghìn đồng”, - ông Tĩnh nói.

Khó ứng phó

Trồng hoa, cây cảnh cho vụ tết đã trở thành kinh tế mũi nhọn của nhiều bộ phận dân cư trên địa bàn TP.Hội An. Trong vòng 10 năm qua, chính quyền thành phố đã quy hoạch nhiều khu vực tập trung trồng hoa, cây cảnh theo hướng hàng hóa, như Cẩm Châu, Cẩm Hà, Tân An, Thanh Hà. Theo thống kê của Phòng Kinh tế TP.Hội An, mỗi vụ hoa tết ở các năm trước đem lại lợi nhuận hơn 50 tỷ đồng cho các hộ nông dân. Các loại hoa cúc đại đóa, mãn đình hồng, đặc biệt là ly ly đã trở thành đối tượng hoa được các thương lái khắp cả dải miền Trung ưa chuộng, săn mua vì bán rất được hàng. Vào thời điểm này, hoa chậm phát triển được các nông hộ ứng cứu bằng cách phun thuốc kích thích. Tuy nhiên, điều lo ngại nhất đã xảy ra là thuốc chưa kịp thấm vào thân cây, búp non thì đã bị cuốn trôi do mưa kéo dài. “Để hỗ trợ các hộ trồng hoa trên địa bàn chủ động sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, chúng tôi đã tiến hành nhiều lớp tập huấn, cập nhật, trang bị nhiều kiến thức bổ ích. Thế nhưng, năm nay thời tiết quá thất thường nên các nông hộ dù đã linh hoạt ứng phó nhiều cách vẫn gặp trở ngại” - ông Lê Đình Tường nói.

Trước tình trạng hoa chậm phát triển, búp non trổ hoa trễ, các nông hộ ở xã Tam Thăng đã kéo điện ra vườn, chong đèn sáng rực, tăng cường độ nóng, kích thích hoa sinh trưởng mạnh. Còn ở khắp các khu vườn trên địa bàn phường Trường Xuân, nông hộ dùng bạt phủ kín, tăng nhiệt độ cho hoa. “Trồng hoa nhiều khi được hay mất phụ thuộc vào ông trời. Có khi nghĩ hoa sẽ trổ sớm, thất bại thì trời bỗng nhiên rét đột ngột khiến hoa nở đúng tết. Hãm hoa sinh trưởng chậm dễ hơn thúc cho hoa phát triển nhanh. Chỉ có trường hợp đột nhiên trời nắng liên tục nhiều ngày, cường độ mạnh thì hoa mới có thể trổ kịp nở” - ông Tĩnh nói. Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng, chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp & phát triển nông thôn TP.Tam Kỳ lo ngại: “Từ nay đến Tết Nguyên đán chỉ còn nửa tháng nữa, nếu thời tiết ấm hơn, nắng nhiều thì mới hy vọng cúc đại đóa, ly ly kịp trổ hoa. Còn cứ mưa thế này thì các nông hộ phải đối diện với lo toan kép. Trong khi rất khó hy vọng hoa kịp trổ thì họ đã phải vật lộn chống chọi, ứng phó với đủ kiểu bệnh do các loại nấm, côn trùng tấn công”.

Giá hoa tết tăng cao

Các nông hộ trồng hoa trên địa bàn TP.Hội An cho biết, giá các chậu cúc đại đóa đã tăng cao trong thời gian gần đây. Trước đây, thương lái hỏi mua với giá chỉ 200 nghìn đồng/chậu thì nay đã tăng lên 350 nghìn đồng/chậu. Hoa ly ly cũng tương tự, tăng giá gần gấp đôi, từ 180 nghin đồng/chậu lên 230 nghìn đồng/chậu. Giải thích về điều này, ông Lê Đình Tường cho rằng, hoa tết là hàng hóa nên giá cả vận động theo quy luật thị trường. Hiện tại, người trồng hoa khắp các tỉnh miền Trung đều bị thiệt hại, số lượng có thể bán trong dịp tết ít nên đẩy giá hoa tăng cao. Ông Nguyễn Quốc Tuấn đồng tình với ý kiến này. Theo ông Tuấn, nhiều thương lái mua hoa ở Quảng Ngãi đã đến đặt mua ở thị trường Quảng Nam nhưng nguồn cung rất hiếm. Số lượng hoa tết năm nay của các nông hộ trên địa bàn TP.Tam Kỳ tung ra thị trường dự kiến chỉ bằng ½ năm trước.

NGUYỄN QUANG VIỆT

NGUYỄN QUANG VIỆT