Khắc phục hậu quả lũ lụt, làm vụ đông xuân

PHẠM HOÀNG 19/12/2016 12:51

Những ngày này nông dân nhiều địa phương ở huyện Tiên Phước tập trung nhân vật lực khắc phục hậu quả mưa lũ, chuẩn bị tốt các điều kiện để sản xuất đông xuân 2016 - 2017.

Nông dân Tiên Cẩm tích cực ra đồng đắp bờ thửa chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân. Ảnh: P.H
Nông dân Tiên Cẩm tích cực ra đồng đắp bờ thửa chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân. Ảnh: P.H

Đầu vụ khó khăn

Trưa, anh Phan Văn Minh ở thôn Cẩm Phô xã Tiên Cẩm mới cày xong đám ruộng ven suối vừa bị nước lũ cuốn trôi. Anh than thở: “Hơn 7 sào ruộng của gia đình tôi vừa cày ải, dọn bờ xong thì trời lại lũ lụt, cuốn trôi hết lớp bùn mặt ruộng, đành phải làm lại để cải tạo đất cho các vụ sau”. Cũng theo anh Minh, vụ đông xuân này, sản xuất may lắm là hòa vốn còn không thì lỗ do phải bỏ công làm đất hai lần, lại phải bón phân nhiều hơn bình thường mà năng suất chắc chắn bị sụt giảm chí ít cũng 30%. Không riêng gì ruộng nhà anh Minh, cả cánh đồng ở thôn Cẩm Phô đều bị sa bồi thủy hóa, nơi dồn cát sỏi, chỗ thành ao sâu. Để gieo sạ kịp thời vụ, bà con nông dân mang tơi đội nón ra đồng xúc cát, đắp bờ, cày xới lại ruộng sau đợt mưa lũ. Anh Huỳnh Đức Nhơn đang loay hoay đóng cọc, đắp lại đoạn bờ ruộng dài hơn 3m vừa bị nước lũ cuốn trôi để chuẩn bị xuống giống cho kịp thời vụ. Anh cho biết: “Ruộng ở đây đều nằm dưới thung lũng, xung quanh là đồi núi nên hễ có mưa lớn là nước lũ đổ về rất nhanh và mạnh, chuyện ruộng bị sạt lở, cuốn trôi không có gì là lạ. Ngặt một nỗi là năm nay mưa lớn lại quá trễ, sát thời vụ gieo sạ nên chúng tôi gặp khó khăn”.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, cả huyện Tiên Phước có gần 100 máy làm đất các loại được bà con nông dân mua sắm. Nhờ đó, việc làm đất gieo sạ vụ đông xuân cũng thuận lợi hơn. Đến nay, nông dân trong huyện đã cơ bản hoàn thành việc cày ải và vệ sinh đồng ruộng, khắc phục hậu quả sau mưa lũ đảm bảo xuống giống hết diện tích 2.400ha theo kế hoạch.

Theo nhiều hộ nông dân, từ đầu tháng 12 đến nay, trên địa bàn huyện Tiên Phước liên tục có mưa. Trong đó có 3 đợt mưa to đến rất to. Do vậy, không chỉ ở Tiên Cẩm, mà nhiều địa phương khác trên địa bàn huyện như Tiên Lãnh, Tiên Ngọc, Tiên Cảnh, Tiên An, Tiên Hà, Tiên Phong… mưa lũ cũng đã gây thiệt hại nặng nề  cho bà con nông dân. Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai huyện, nước lũ đã làm sạt lở, cuốn trôi hàng ngàn mét bờ ruộng, kênh dẫn nước, bồi lấp, cuốn trôi hàng chục héc ta ruộng trong khi sản xuất vụ đông xuân đã cận kề khiến nông dân không kịp trở tay. Anh Trương Văn Thông ở tại thôn 2 xã Tiên Phong có 2 sào ruộng bị nước lũ cuốn trôi toàn bộ phần bờ giữ nước và lớp đất bùn bề mặt, buồn rầu nói: “Chừ đắp lại hết đoạn bờ ni, rồi cày xới lại ruộng, nạo vét kênh thoát nước phải tốn vài ba chục ngày công mà chưa chắc gieo sạ xong sẽ không có mưa lớn tiếp tục gây sạt lở. Nhưng nếu không làm thì không chỉ gia đình tôi mà nhiều hộ có ruộng bên dưới cũng không thể sản xuất được. Vì thế ai cũng phải phải cố gắng làm. Đó cũng là cách giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn…”.

Chủ động trong sản xuất

Mưa lũ vẫn tiếp tục diễn ra khiến việc sản xuất vụ đông xuân của bà con nông dân huyện Tiên Phước gặp nhiều khó khăn. Nhưng trong khó khăn bà con lại phát huy được tính chủ động, tinh thần tương thân tương ái trong sản xuất. Tại xã miền núi Tiên Ngọc, những ngày này bà con ra đồng giúp nhau khắc phục hậu quả mưa lũ, làm đất, vệ sinh đồng ruộng để kịp xuống giống theo đúng lịch thời vụ. Ông Huỳnh Tấn Xuân - Chủ tịch UBND xã Tiên Ngọc cho biết, toàn xã chỉ có 95ha ruộng nhưng mưa lũ cũng đã làm sạt lở hơn 1.400m bờ ruộng, cuốn trôi gần 2ha. Xã đã tiếp nhận, cấp phát kịp thời hơn 3 tấn giống lúa cho hộ nghèo, đồng thời tổ chức họp dân triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân, qua đó vận động bà con giúp nhau xúc cát, đắp bờ, cày xới lại các chân ruộng bị nước lũ cuốn trôi đưa vào gieo sạ hết diện tích theo kế hoạch. Các xã khác như Tiên Phong, Tiên Mỹ, Tiên An, Tiên Cẩm... bà con cũng chủ động phát huy hết công suất các máy cày làm đất hiện có để làm đất sản xuất vụ đông xuân. Ông Trần Kim Hoàn - Phó ban Nông nghiệp xã Tiên Cẩm cho biết, với 12 máy cày làm đất hiện có kết hợp với cày trâu và việc chuẩn bị chu đáo từ phía người dân về giống, phân bón và các điều kiện phục vụ sản xuất khác, chúng tôi hoàn toàn chủ động trong việc sản xuất trên 125ha ruộng vụ mùa này.

Về phía huyện, ngành nông nghiệp đã phối hợp với các trạm chuyên môn và các địa phương hướng dẫn nhân dân tập trung khắc phục hậu quả thiên tai, chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ sản xuất. Ông Lê văn Phụng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Cùng với việc cấp hơn 35 tấn lúa giống cho hộ nghèo theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn nhân dân thực hiện gieo sạ đúng cơ cấu giống và thời vụ của sở NN&PTNT tỉnh, chúng tôi cũng khuyến cáo nông dân chú trọng khâu làm đất, vệ sinh đồng ruộng, gia cố bờ bao, nạo vét, xây dựng hệ thống  kênh mương thoát nước thông thoáng sẵn sàng ứng phó trong tình huống mưa lũ có thể tái diễn. Đồng thời khuyến khích nông dân sử dụng những giống lúa có thời gian sinh trưởng trung và ngắn ngày cho năng suất, chất lượng cao đã được thử nghiệm tại địa phương như Thiên Ưu 8, TBR45, OM 4900, PC6... nhằm rút ngắn thời gian sản xuất, hạn chế rủi ro do thiên tai gây ra”. Cũng theo ông Phụng, ngành nông nghiệp huyện luôn phối hợp chặt chẽ với các trạm chuyên môn trong công tác dự báo, kiểm tra đồng ruộng, cảnh báo tình hình sâu bệnh và hướng dẫn nhân dân phòng trừ kịp thời, không để phát sinh, lây lan trên diện rộng, triển khai chuyển đổi cây trồng trên đất lúa một vụ kém hiệu quả, phấn đấu chuyển đổi từ 50 - 100ha ruộng một vụ sang trồng cỏ nuôi bò và các loại cây trồng cạn như bắp, đậu phụng...

PHẠM HOÀNG

PHẠM HOÀNG