Máy tỉa đậu của nông dân
Ông Lê Đức Tiếp (SN 1967, trú thôn Phước Lâm, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc) đã chế tạo thành công máy tỉa đậu giúp tiết kiệm nhân công, tăng năng suất mùa vụ.
Ông Tiếp và chiếc máy tỉa đậu của mình. Ảnh: D.T |
Ông Tiếp kể, năm 2014, ông bắt đầu mày mò nghiên cứu chế tạo chiếc máy tỉa đậu gắn với động cơ xe máy, hy vọng giúp nông dân giảm công sức lao động. Tuy nhiên đến khi chiếc máy hoàn thành, đem ra chạy thử nghiệm thì lại vướng phải sự cồng kềnh vì kích thước quá lớn, cộng thêm trọng lượng khá nặng nên khó sử dụng ở vùng đất khô cằn, manh mún. Sau đó, ông tiếp tục nghiên cứu để giảm dần kích thước và trọng lượng chiếc máy. “Mỗi lần thay đổi, tôi lại phải tính toán từng thông số kỹ thuật sao cho chính xác nhất. Trong khi ở vùng quê này, mỗi năm chỉ có 2 mùa đậu nên nếu chế tạo xong thì cũng phải chờ mùa vụ mới thử nghiệm có phù hợp thực tế hay không” - ông Tiếp cho hay. Sau bao lần tháo đi lắp lại, chờ từng mùa vụ, đến đầu năm 2016 chiếc máy tỉa đậu của ông Tiếp đã được hoàn thiện với trọng lượng chưa đến 10kg.
Ông Tiếp cho biết, chiếc máy này hoạt động gần giống như nguyên lý hoạt động của chiếc máy chạy bằng động cơ từng chế tạo trước đây, chỉ khác là dùng sức đẩy để máy hoạt động. Khi sử dụng, lực đẩy làm cho trục giữa quay khiến ròng rọc quay theo. Trên dây ròng rọc gắn nhiều vá múc, khi ròng rọc quay vá múc sẽ múc hạt đậu từ thùng chứa chạy theo dây, đổ xuống đất. “Mình thấy nhiều người chế tạo các loại máy gieo giống, họ cho hạt đậu rớt xuống từ trên cao nhưng mình cho hạt đậu được ròng rọc di chuyển đẩy thẳng xuống đất, như thế khi hạt đậu rơi sẽ giảm sự chuyển động, giúp duy trì khoảng cách của mỗi hạt là 8cm để cây mọc đều, giảm giống và tăng năng suất cho bà con nông dân” - ông Tiếp nói. Chưa dừng lại ở đó, khi chế tạo thành công chiếc máy tỉa, ông còn tiếp tục nghiên cứu gắn thêm lưỡi cày vào phía trước chiếc máy để người dân có thể “một công đôi chuyện”. Ở vùng đất này chất lượng đất không đều nhau, nơi thì đất sạch nơi thì nhiều cỏ. Vì vậy, ông Tiếp chế tạo hai loại máy khác nhau cho người dân sử dụng. Với ruộng nhiều cỏ, thì dùng trâu, bò máy móc khác để cày và chiếc máy tỉa sẽ tỉa hạt theo sau. Còn với chân ruộng ít cỏ, người dân sẽ sử dụng chiếc máy gắn lưỡi cày, chỉ cần một công có thể vừa cày vừa tỉa, như thế sẽ giảm được sức lao động cho bà con.
Khi mọi thứ bắt đầu đi vào ổn định và được người dân dùng thử nhận xét tốt về chiếc máy của mình, ông Tiếp đã chế tạo 30 chiếc máy tỉa đậu để nông dân thuê dùng trong mùa vụ. Với mỗi một chiếc máy, ông cho thuê 140 nghìn đồng/ngày. Hiện tại với số lượng máy như hiện nay, ông Tiếp không đáp ứng đủ nhu cầu của bà con nông dân. Bà Lưu Thị Quýt, trú thôn 6 Khe Lim, xã Đại Hồng, huyện Đại Lộc cho biết, mỗi vụ gia đình bà gieo trồng 7 sào đậu. Nếu bình thường sẽ phải thuê thêm 4 nhân công với giá 120 nghìn/ người/ngày và chỉ hoàn thành được 2 sào ruộng/ngày. Nhưng với chiếc máy tỉa đậu của ông Tiếp có thể hoàn thành việc tỉa đậu 2 sào ruộng/ngày. “Chiếc máy của ông Tiếp cho thuê vừa nhỏ gọn lại vừa đảm bảo, tôi có thể di chuyển dễ dàng lại không phải gập lưng thả đậu thủ công như trước, hạt đậu lại được tỉa đều, đỡ tốn giống lại tốt đậu” - bà Quýt chia sẻ.
Ông Nguyễn Bá Hiến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Hồng nhận xét, đây là chiếc máy tỉa đậu đem lại hiệu quả kinh tế cao. “Máy nhỏ gọn dễ di chuyển, tỉa đều hạt, công suất lại gấp 10 lần người lao động, vừa đỡ tốn công lại vừa nâng cao chất lượng, là thành quả đáng khích lệ cần phát huy hơn nữa” - ông Hiến nói.
ĐÔNG DƯƠNG - THANH THẮNG