Kinh tế miền núi: Nhiều rào cản phát triển

TRẦN HỮU 08/12/2016 09:05

Tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa IX nhiều đại biểu đã thảo luận, kiến nghị nhiều giải pháp cho chương trình mục tiêu, chính sách đầu tư, hỗ trợ khu vực miền núi. Ngoài hiệu quả đem lại, các vướng mắc về ổn định đời sống gây cản trở con đường phát triển cũng đã được nhìn nhận.

Cơ chế cho đồng bào miền núi phát triển cây dược liệu vẫn còn hạn chế. Trong ảnh: Vườn ươm cây dược liệu tại huyện Tây Giang. Ảnh: TRẦN HỮU
Cơ chế cho đồng bào miền núi phát triển cây dược liệu vẫn còn hạn chế. Trong ảnh: Vườn ươm cây dược liệu tại huyện Tây Giang. Ảnh: TRẦN HỮU

Chưa kích thích sản xuất

Tận dụng nông - lâm nghiệp kết hợp là ngành kinh tế mũi nhọn, mấy năm nay các địa phương miền núi trong tỉnh đã dồn sức hình thành vùng nguyên liệu, sản xuất hàng hóa tập trung. Ấn tượng nhất vẫn là tốc độ tăng trưởng kinh tế rừng, các loại cây dược liệu, chăn nuôi hàng hóa... Tuy nhiên, ngoài những chính sách lớn hỗ trợ cho vùng miền núi đặc biệt khó khăn của Trung ương, ở phạm vi tỉnh, về cơ chế ưu đãi, năm 2012 HĐND tỉnh mới có Nghị quyết 66/2012/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ duy trì diện tích cây cao su tiểu điền. Thế nhưng, do thời gian qua giá mủ cao su xuống thấp nên người trồng gần như bỏ bê chăm sóc vườn cao su. Thậm chí gây tâm lý hoang mang, lo lắng về việc có tiếp tục duy trì diện tích đã trồng hay không. Trong khi đó, ở nhiều địa phương một số loại cây mang thương hiệu xứ Quảng như lòn bon, tiêu Tiên Phước, quế Trà My, bưởi trụ Đại Bình... thì vẫn chưa khuyến khích đầu tư mạnh. Việc hình thành trung tâm vùng dược liệu lớn nhất Nam Trung Bộ ở một số huyện miền núi chỉ mới dừng lại ở đề án.

Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho rằng, kinh tế miền núi - nông thôn vẫn vận hành khá ỳ ạch, chưa có bước đột phá. Một số mô hình kinh tế hiệu quả thì lại chậm nhân rộng, hạn chế nguồn lực đầu tư. Đơn cử như, cây dược liệu ở vùng cao cho giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần cây lúa, bắp..., song đến nay vẫn chưa cụ thể hóa bằng cơ chế hỗ trợ. Ông Bửu khẳng định, cản trở phát triển miền núi còn nằm ở nguyên do yếu về kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông liên vùng liên xã. Vốn lồng ghép triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới thì phân rã nhỏ giọt. Tỷ lệ đạt các tiêu chí nông thôn mới còn thấp (65 xã khu vực miền núi đạt dưới 9 tiêu chí về nông thôn mới). Sự trì trệ trong phát triển kinh tế miền núi còn vì thiếu “bà đỡ” doanh nghiệp. Thực tế, số doanh nghiệp lớn “chịu” lên vùng tây đầu tư đến nay rất ít ỏi. “Vùng tây đã bắt đầu rục rịch làm du lịch nên tỉnh cần có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện để miền núi tiếp cận với các doanh nghiệp, công ty lữ hành” - ông Bửu nói.

Quá chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân

Tồn tại dai dẳng nhất ở miền núi và vùng đông nam của tỉnh là chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, lỏng lẻo quản lý hiện trạng đất đai, hoàn thiện cơ sở dữ liệu, hồ sơ địa chính. Thống kê cho thấy, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 6 huyện miền núi (Phước Sơn, Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Nam Trà My và Bắc Trà My) còn thấp. Cá biệt như ở Nam Giang mới đạt dưới 15% tiến độ, Nam Trà My dưới 20%, Phước Sơn dưới 40%... Liên quan đến vướng mắc mặt bằng ở dự án vùng đông, có ý kiến góp ý cần phải làm rõ nguyên nhân gốc rễ, tiến độ chậm là vì năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện hay do cơ chế, chính sách thiếu nhất quán. Cho nên, thời gian đến để siết chặt quản lý hiện trạng đất đai vùng đông theo chủ trương, tỉnh cần bố trí ngân sách hoạt động cho Đội quy tắc địa phương; khớp nối hạ tầng các khu tái định cư vùng đông.

Theo ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế và ngân sách HĐND tỉnh, để miền núi không tiếp tục bị nới xa khoảng cách với vùng đồng bằng, ngoài ưu tiên về kết cấu hạ tầng giao thông, phải nhanh chóng rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch xã nông thôn mới; quy hoạch sắp xếp, bố trí dân cư phù hợp với từng nóc, thôn, điểm dân cư và văn hóa. “Rào cản lớn nhất chưa kích thích sản xuất khu vực miền núi là người dân lo lắng về đầu ra cho nông sản và thiếu mô hình điểm đủ sức lan tỏa cho cả vùng” - ông Đức phân tích. Nhiều ý kiến thảo luận cũng đánh giá, sản xuất nông nghiệp ở khu vực miền núi còn manh mún, nhỏ lẻ, giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích thấp.

Để dân làm chủ rừng

Tại kỳ họp HĐND tỉnh lần này, nhiều ý kiến cũng bày tỏ băn khoăn về sự lúng túng của cơ quan chức năng trong quản lý hồ sơ đất đai, nhất là loại đất lâm nghiệp. Đến nay, khâu cắm mốc ranh giới sử dụng đất và phân chia 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ và sản xuất), kiểm kê rừng vẫn chưa tiến hành xong. Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh - Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, để kinh tế rừng miền núi phát triển nhanh, phải khẩn trương giao rừng, cho thuê rừng và giao đất lâm nghiệp, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gắn với rừng; thực hiện xã hội hóa nghề rừng, trồng rừng đạt chứng chỉ rừng quốc tế. “Các địa phương cần rà soát, đánh giá cụ thể nhu cầu nhận khoán bảo vệ rừng của từng hộ, cộng đồng dân cư. Kiến nghị Trung ương điều chỉnh giao khoán rừng theo Nghị quyết 30a cho từng nhóm hộ để phát huy hiệu quả. Đồng thời tổ chức thực hiện Nghị định 75/2015/NĐ-CP, Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg của Chính phủ nhằm tạo điều kiện để đồng bào dân tộc thiểu số gắn bó giữ rừng và thoát nghèo bền vững” - bà Thanh đề xuất. Nhiều ý kiến đề nghị chuyển phần diện tích đất sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích tại các lâm trường, đơn vị quản lý rừng, đất rừng phòng hộ ít xung yếu ở các huyện Phước Sơn, Nam Giang, Núi Thành để người dân có đất sản xuất và hưởng lợi từ rừng. Bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ các địa phương thực hiện đo đạc, giải thửa lập hồ sơ giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho người dân.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Thanh, việc UBND tỉnh điều chỉnh giảm diện tích rừng phòng hộ xuống 315.812ha (giảm 11.828ha so với Nghị quyết 87/NQ-HĐND đã ban hành trước đó) và tăng diện tích rừng đặc dụng là cần thiết để bảo vệ đa dạng sinh học rừng tự nhiên, đồng thời vừa khai thác, sử dụng hợp lý mục đích phát triển kinh tế rừng, giải quyết ổn định đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tại huyện Phước Sơn, việc giải quyết đất rừng theo Chương trình 327 và 661 rất lúng túng, do hiện nay các lâm trường đã giải thể nên không thể chấm dứt hợp đồng với các hộ vì trước đây có biên bản hợp đồng giữa chủ hộ và lâm trường. Việc giao khoán, bảo vệ rừng theo Nghị quyết 30a đã hết chu kỳ và vì diện tích này trùng với diện tích do Ban quản lý rừng Đắc Mi (chủ rừng) quản lý nên chính quyền địa phương đề nghị giao lại cho chủ rừng để thống nhất đầu mối quản lý.

TRẦN HỮU

TRẦN HỮU