Tất bật xuống giống
Thời điểm này, khắp nơi trên địa bàn Đại Lộc, nông dân tất bật làm đất, bón phân, xuống giống rau màu các loại với niềm hy vọng một vụ mùa mới thắng lợi.
Những ngày này, khắp các cánh đồng chuyên canh cây rau, màu rộng lớn của vùng Phước Lâm, Hà Vy (Đại Hồng), Bàu Tròn (Đại An), Ấp Bắc, Tây Gia (Đại Minh), Thuận Mỹ (Đại Phong), Mỹ Liên, Phiếm Ái 2 (Đại Nghĩa)… cảnh làm đất, bón phân, xuống giống cây rau, màu hết sức tấp nập. Từ sáng sớm, nông dân đã tất tả ra đồng, tập trung ở những vùng cồn bãi, tiếng máy cày bừa rộn ràng trên các thửa đất, luống cày. Dường như con người và máy móc đang chạy đua cùng với thời gian để việc xuống giống kịp thời vụ.
Vào vụ mới
Vụ đông xuân 2016 - 2017 này, gia đình bà Hứa Thị Long (thôn Phước Lâm, Đại Hồng) xuống giống đậu phụng trên hơn 5 sào đất. “Vùng này chỉ thích hợp trồng đậu phụng, tuy giá cả và thu nhập không cao so với các cây trồng khác, song đây là cây “ăn chắc”. Nếu gặp năm giá tốt thì bán cho thương lái, còn trường hợp giá thấp thì trữ lại để ép dầu ăn hoặc bán sỉ lẻ vẫn rất được giá. Phụ phẩm từ cây đậu có thể cho bò” - bà Long nói. Đậu phụng là cây trồng ngắn ngày, từ khi xuống giống tới lúc thu hoạch chừng 90 ngày. Đợt xuống giống này, chỉ chừng một tuần thì cây con mọc lên, nếu gặp nắng ấm cây sẽ phát triển tốt, còn rét lạnh sẽ ảnh hưởng nhiều. Đầu ra của cây này rất lớn, thương lái thu gom tận nơi nên sản xuất rất khỏe. Từ khi có đường điện đi qua, khâu thủy lợi hóa đất màu đảm bảo tưới tiêu, cơ giới hóa 100% khâu làm đất, nông dân càng yên tâm tăng gia sản xuất. Mỗi sào đất sau khi làm đất, cày ải, rọc hàng, nông dân phải trả phí dịch vụ hơn 150 nghìn đồng. Làm nông giờ đỡ vất vả, không còn cảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau”. Giá đậu phụng dao động 32 – 35 nghìn đồng/kg khô, ước tính mỗi sào đậu phụng, nông dân thu về 4 triệu đồng, trừ chi phí, lãi ròng khoảng 2,5 triệu đồng/sào. “Nhà tôi xuống giống hơn 3 sào đậu phụng, nếu thuận lợi, sẽ thu về khoảng 12 triệu đồng, trừ chi phí, lãi ròng chừng 6 triệu đồng, khỏe hơn nhiều so với trồng lúa, lại có nông phẩm để nuôi bò” - bà Nguyễn Thị Tiến nói.
Nông dân Đại Lộc tất bật xuống giống vụ mùa. Ảnh: TRIÊU NHAN |
Ông Hứa Nam (cùng trú thôn Phước Lâm) chia sẻ: “Thời điểm này đã qua 23 tháng Mười âm lịch, nên ai nấy yên tâm xuống giống đồng loạt. Song đây là năm thứ 3 không có lũ, đồng nghĩa với việc sản xuất không thuận lợi do sinh sôi quậy phá, đất đai cằn cỗi, bạc màu do thiếu phù sa bồi đắp. Chưa kể, hạn hán kéo dài nhiều năm nay buộc phải tưới liên tục cho cây đậu phụng ở thời điểm cần nước”. Mỗi năm, vùng đất vòng 1 của thôn Phước Lâm, Hà Vy này trồng một vụ đậu phụng (hoặc ớt) đông xuân, vụ xuân hè có thể xuống giống đậu xanh hoặc bắp, còn lại thì đất đai trên những bãi bồi sẽ biến thành “thảo nguyên” mênh mông nuôi dưỡng những đàn bò hàng ngàn con. Và chỉ chừng một tháng nữa thôi, vùng đất đai mênh mông ven sông của xã Đại Hồng sẽ phủ toàn màu xanh mơn mởn, đẹp như tranh vẽ. Từ vùng trồng hoa màu, chăn nuôi bò, đời sống của người dân Đại Hồng dần trở nên khấm khá hơn nhiều.
Vùng chuyên canh
Là một xã thuần nông, Đại Minh (Đại Lộc) có diện tích đất màu khá lớn với 138ha trồng cây màu, tập trung ở các thôn Phước Bình, Ấp Bắc, Ấp Trung, Ấp Nam… Phần lớn diện tích canh tác được bà con trồng cây ớt, bí đỏ, đậu phụng; riêng ở thôn Tây Gia, một phần nhỏ diện tích trồng cây rau củ quả theo hướng liên kết. Năm nay không lũ, nông dân Đại Minh cũng đẩy nhanh xuống giống theo khung lịch thời vụ, đồng thời khâu làm đất, bón vôi, phòng trừ dịch hại cho cây màu được chú trọng. Ông Trần Văn Khanh (thôn Ấp Bắc) tất tả xuống giống ớt vì năm ngoái cây ớt trúng đậm về giá, lại được mùa. Giống ớt 631 vốn được nông dân vùng này khá chuộng vì bán tươi hay khô đều được giá, sau khi giống Ấn Độ 403 “mất giống”. Theo nhiều người chuyên canh cây ớt, so với cây bí, khổ qua, bắp thì cây ớt cho thu nhập cao hơn, song lại tốn công chăm sóc và rất khó chăm bón, dễ bị chết ẻo. Với 1 sào ớt được mùa được giá, trừ chi phí, nhà nông thu từ 20 triệu đồng/sào, cao 3 - 4 lần so với cây trồng khác. Theo ông Phan Văn Vũ (cùng thôn Ấp Bắc, một người trồng ớt lâu năm), mỗi vụ trồng ớt kéo dài 6 - 7 tháng, từ lúc trồng tới khi thu hoạch. Nhiều năm nay, nông dân Đại Minh đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật vào trồng trọt theo hướng thâm canh nên năng suất không ngừng tăng lên. Một thuận lợi nữa là HTX Nông nghiệp Đại Minh đã đứng ra liên kết với doanh nghiệp trong việc đầu tư phân bón, giống, bao tiêu sản phẩm nên người trồng ớt rất phấn khởi. Khâu thủy lợi hóa đất màu đã đảm bảo nên nông dân cũng yên tâm mở rộng diện tích trồng. Hiện, bà con cày xới, làm luống, xuống giống rau quả các loại để cung ứng cho tết. Từ vùng chuyên canh rau màu các loại, đời sống nhà nông Đại Minh dần khấm khá, cải thiện hơn trước rất nhiều.
Theo kế hoạch, vụ đông xuân 2016 - 2017, về cây bắp ở Đại Lộc tiếp tục sản xuất các giống lai có năng suất và chất lượng cao như NK67, CP919, SCC2905… ở những vùng chuyên canh, đồng thời huyện đã triển khai cho nhân dân gieo trồng các giống bắp nếp bán tươi như HN88, AG500, MX6… để tăng hiệu quả sản xuất. Đối với cây công nghiệp ngắn ngày như đậu phụng, thuốc lá, các địa phương hướng tới quy hoạch bố trí thành liên vùng trong cánh đồng mẫu, tạo ra các sản phẩm hàng hóa. Vụ này, ngành nông nghiệp tiếp tục đưa các giống đậu phụng L14, TB25 có năng suất cao, ít nhiễm bệnh để thay thế dần giống đậu phụng sẻ của địa phương năng suất thấp mà dễ nhiễm sâu bệnh. Đối với nhóm cây thực phẩm, rau màu, nông dân tiếp tục xuống giống các loại cây có giá trị kinh tế cao như ớt lai, dưa hấu, rau ăn quả các loại… Việc triển khai, hướng dẫn nông dân trồng theo kỹ thuật VietGAP trên cây rau quả để tạo sản phẩm an toàn, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng được huyện chỉ đạo quyết liệt…
Vụ mùa mới đã và đang bắt đầu, mang theo bao nỗi nhọc nhằn và cả niềm hy vọng. Với nhà nông, từ khi đặt cây giống xuống đất thì những nỗi lo toan ùa về, lo thiên tai, lo dịch hại, cả chuyện đầu ra, giá cả. Song từ mầm xanh của đất và niềm hy vọng đã níu giữ họ yên tâm bám đất, bám đồng để làm nên vụ mùa bội thu.
TRIÊU NHAN - MINH PHƯỜNG