Xây dựng thương hiệu rau an toàn Bãi Bồi

LÊ BÌNH 30/11/2016 08:23

Việc đăng ký thành công nhãn hiệu “Rau an toàn Bãi Bồi” là cơ sở để người trồng rau thôn Khúc Lũy, xã Điện Minh (Điện Bàn) có thể hy vọng về việc mở rộng diện tích sản xuất rau đạt chất lượng.

VỚI diện tích gần 2.800m2, bốn hộ ở thôn Khúc Lũy được Sở KH-CN chọn để thí điểm mô hình trồng rau an toàn trong nhà lưới có che chắn côn trùng cùng hệ thống tưới phun sương. Các loại cây trồng bao gồm: bồ ngót, mồng tơi, cải xanh, rau muống và khổ qua. Nhờ được tiếp cận quy trình sản xuất rau an toàn một cách cụ thể, lượng rau các hộ làm ra khi được kiểm tra về nước ngầm, đất, chất lượng rau đều đạt chuẩn theo quy định. Từ sự thành công đó, HTX Nông nghiệp Điện Minh II đã đăng ký thành công nhãn hiệu “Rau an toàn Bãi Bồi” và được Phòng Kinh tế thị xã Điện Bàn bố trí một gian hàng tại chợ Vĩnh Điện (Điện Bàn) nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Ông Nguyễn Lượm - Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Điện Minh II cho hay, việc giới thiệu sản phẩm tại gian hàng bước đầu được người tiêu dùng ủng hộ nhiệt tình và đánh giá rất cao. Rau an toàn được đóng gói với nhãn hiệu riêng, lại là rau trồng tại địa phương, có địa chỉ cụ thể, rõ ràng nên bà con đến mua đều rất yên tâm”.

Khu vực trồng rau an toàn của gia đình ông Hồ Thăng. Ảnh: L.B
Khu vực trồng rau an toàn của gia đình ông Hồ Thăng. Ảnh: L.B

Gia đình ông Hồ Thăng (thôn Khúc Lũy) đã tham gia trồng rau an toàn từ năm 2010 với diện tích gần 2 sào. Trước đây ông hay hợp đồng với các công ty, nhà máy, xí nghiệp để có đầu ra cho sản phẩm. Tuy nhiên, khi biết một số khách hàng dùng rau của ông trộn lẫn với một số rau không an toàn khác làm ảnh hưởng đến uy tín nên ông đã hủy hợp đồng. Từ khi HTX đăng ký nhãn hiệu, có bao bì, có logo, rau của ông được nhiều người tiêu dùng dần biết đến. Hiện tại, ông chủ yếu bán rau cho các hộ nhỏ, các trường học. Ông Thăng nói: “Bình thường rau cải có giá là 40.000 đồng/chục thì rau của tôi có giá bán cao hơn khoảng 45.000 - 50.000 đồng/chục. Nhưng nhờ độ an toàn và uy tín nên rau của tôi vẫn được mọi người chọn mua. Mô hình trồng rau an toàn này đã giúp tôi có thu nhập chăm lo cho gia đình. Mỗi tháng sau khi trừ chi phí, tôi thu lời hơn 10 triệu đồng”. Trong khi đó, ông Hồ Khôi (thôn Khúc Lũy) lần đầu tiên tham gia trồng rau an toàn. Trong quá trình sản xuất, ông phải tuân thủ rất nhiều điều kiện theo quy định nhưng không phải tất cả đều được bán với giá cao. Ông Khôi nói: “Làm rau an toàn tốn công và chi phí cao, vì vậy giá rau và đầu ra ổn định chúng tôi mới có lãi để tiếp tục sản xuất”.

Bãi Bồi là vùng chuyên canh trồng rau của người dân thôn Khúc Lũy với hơn 40ha, nhưng hiện nay mới chỉ có 0,3ha đất trồng rau an toàn. Theo ông Nguyễn Lượm, trong thời gian tới HTX dự định mở rộng diện tích đất trồng rau lên 5ha và làm đơn xin ý kiến các cấp về việc đầu tư xây dựng nhà máy sơ chế, đóng gói rau củ quả theo tiêu chuẩn quy định. Đồng thời hợp tác với các cơ quan ban ngành để mở các lớp đào tạo, tập huấn cho các hộ sản xuất tiếp cận và làm chủ kỹ thuật sản xuất rau an toàn. Tuy nhiên, ông Lượm cho biết thêm, niềm vui từ việc mở rộng sản xuất rau an toàn vẫn đang song song với nỗi lo tìm đầu ra cho sản phẩm. Mặc dù công đoạn tuyên truyền, quảng bá, vận động, được thực hiện hiệu quả nhưng người tiêu dùng vẫn chưa thực quan tâm. “Việc tìm nguồn tiêu thụ ổn định vẫn chưa có lời giải nên nông dân ở đây không mấy mặn mà với sản xuất rau an toàn. Chúng tôi đang cố gắng tìm biện pháp để giúp bà con có hướng đi đúng và ổn định nhưng đây thật sự vẫn đang là bài toán khó” - ông Lượm chia sẻ.

LÊ BÌNH

LÊ BÌNH