Trồng cỏ nuôi bò
Tiết kiệm thời gian chăn thả, kiểm soát tốt dịch bệnh… là những thành quả bước đầu khi thực hiện mô hình trồng cỏ nuôi bò theo hướng thâm canh.
Chỉ tay về phía đàn bò 5 con béo nịch, ông Võ Quang Dung ở thôn Cổ Tháp (xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên) cho biết, gia đình ông chăn nuôi bò đã hơn 10 năm nay nhưng theo hình thức thả rông tự nhiên chứ không trồng cỏ nguyên liệu, chế biến thức ăn bổ sung. Tháng 4.2016, được Trạm Khuyến nông & khuyến lâm Duy Xuyên hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh và hỗ trợ giống cỏ VA06, phân bón, thức ăn hỗn hợp, máy băm cỏ…, ông Dung chuyển hướng sang nuôi bò thâm canh. Ông nói: “Sau 7 tháng thực hiện, tôi thấy mô hình này giúp nhà nông giảm công lao động đáng kể. Nếu trước đây ngày nào tôi cũng phải bám theo bầy bò từ đồng cỏ này qua đồng cỏ khác thì nay mỗi ngày chỉ cần bỏ ra 1 - 2 tiếng đồng hồ là đủ lo việc chăm sóc cả đàn, từ khâu cắt cỏ cho ăn đến lấy nước cho nó uống. Đặc biệt, nuôi theo hướng thâm canh này, trọng lượng bò tăng 20 - 40% so với nuôi thả rông. Theo ước tính, lứa bò thịt này tôi lãi ròng không dưới 27 triệu đồng, tăng khoảng 10 triệu đồng so với những lứa trước nuôi theo hình thức chăn thả tự nhiên”.
Nhiều gia đình ở xã Duy Châu cũng rất phấn khởi trước hiệu quả mà mô hình nuôi bò thâm canh mang lại. Ông Hồ Dũng – cán bộ kỹ thuật của Trạm Khuyến nông & khuyến lâm Duy Xuyên cho biết, những năm qua phong trào chăn nuôi bò thịt trên địa bàn huyện có bước phát triển mạnh. Tháng 4.2016, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, đơn vị phối hợp với chính quyền xã Duy Châu triển khai thực hiện mô hình chăn nuôi bò thâm canh kết hợp trồng cỏ, chế biến thức ăn. Theo đó, các đơn vị liên quan chọn 10 hộ dân ở 6 thôn Tân Phong, Thanh Châu, Cù Bàn, Lệ An, Cổ Tháp, Lệ Bắc để làm điểm với quy mô mỗi hộ bố trí nuôi 5 con bò. Ngoài việc hướng dẫn quy trình chăn nuôi, ngành chức năng còn hỗ trợ gần 67 triệu đồng cho 10 hộ dân này mua giống cỏ VA06, phân bón, thức ăn hỗn hợp và máy băm cỏ. Ông Dũng nói: “Qua khảo sát cho thấy, mô hình nuôi thâm canh này giúp mỗi con bò tăng trọng lượng 37kg/tháng, cao hơn 30% so với mức tăng của bò nuôi theo hình thức thả rông. Theo thống kê, sau 7 tháng thực hiện, 10 hộ dân tham gia mô hình nuôi bò thâm canh thu về lãi ròng gần 278 triệu đồng, cao hơn nhiều so với trước đây chăn thả tự nhiên”.
Ngoài xã Duy Châu, thời gian qua Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn hỗ trợ người dân ở các xã Điện Phước (Điện Bàn), Đại Thắng (Đại Lộc), Quế Bình (Hiệp Đức) xây dựng mô hình nuôi bò thâm canh với quy mô mỗi điểm trồng 1ha cỏ và nuôi 50 con. Mới đây, tại hội thảo đánh giá về hiệu quả của mô hình, nhiều ý kiến cho rằng nuôi bò thâm canh cho giá trị kinh tế cao, vì vậy các ngành liên quan cần tập trung nhân rộng phương thức chăn nuôi này. Theo đó, mỗi địa phương phải ưu tiên bố trí quỹ đất trồng cỏ, hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư tăng quy mô đàn bò, xây dựng chuồng trại, hầm biogas nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Đặc biệt, Nhà nước cần có giải pháp hữu hiệu để ổn định giá cả, giúp người chăn nuôi yên tâm về đầu ra sản phẩm.
HOÀI NHI