Phát triển đàn bò lai hướng thịt
Nâng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm mà ngành nông nghiệp Đại Lộc hướng tới nhằm đa dạng hóa con vật nuôi, lai hóa và phát triển đàn bò thịt.
Đa dạng đối tượng
Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đa dạng hóa đối tượng chăn nuôi được Đại Lộc chú trọng.
Năm 2016, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Đại Lộc đã lồng ghép nhiều nguồn vốn để triển khai những mô hình hỗ trợ con giống, giúp nông dân tiếp cận kỹ thuật, cách thức chế biến thức ăn để đem lại hiệu quả kinh tế. Cụ thể, mô hình “nuôi bồ câu gia trại” triển khai tại xã Đại Tân, trạm đã hỗ trợ hai hộ dân mỗi hộ 50 cặp bồ câu lai Pháp giống bố mẹ, được hỗ trợ 3% thức ăn cho đàn vật nuôi. Theo ông Lê Cao Khánh - chuyên viên Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện, qua theo dõi, hai hộ dân tiếp cận khá tốt với kỹ thuật nuôi thâm canh, phối trộn thức ăn, phòng bệnh. Nhìn chung, mỗi cặp bồ câu ra ràng sau khi trừ chi phí thức ăn, thuốc thú y, khấu hao chuồng trại, con giống, lãi ròng 15 - 20 nghìn đồng. “Thịt bồ câu trở thành nguồn thực phẩm được ưa chuộng hiện nay song để cung ứng tốt cho thị trường, các hộ nuôi phải duy trì từ 500 đến 1.000 cặp” - ông Khánh chia sẻ.
Được biết, ngoài mô hình hỗ trợ nuôi bồ câu lai Pháp, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện còn hỗ trợ hai hộ nông dân xã Đại Hòa thực hiện mô hình “nuôi cá lóc trên bạt nhựa” với cơ chế hỗ trợ 100% cá giống, gần 30% chi phí thức ăn, đến thời điểm này mô hình phát triển khá tốt. Mô hình “chăn nuôi bò thâm canh kết hợp trồng cỏ, chế biến thức ăn” do Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh triển khai khá hiệu quả với sự tham gia của 10 hộ dân chăn nuôi bò trên địa bàn xã Đại Thắng. Các hộ phải có từ 5 con bò trở lên, được hỗ trợ kỹ thuật nuôi, giống cỏ cao sản VA06 trồng trên tổng diện tích 1ha, 30% phân bón, 30% thức ăn hỗn hợp cho bò và được hỗ trợ 50% chi phí mua máy băm cỏ chế biến thức ăn cho vật nuôi…
Con lai 3B là bước đột phá về giống trong lĩnh vực chăn nuôi Đại Lộc. Ảnh: H.Liên |
Theo ông Nguyễn Văn Tươi - Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện, Đại Lộc đang phấn đấu nâng tỷ trọng chăn nuôi đạt 40% (hiện nay là 38%). Để đạt mục tiêu trên không khó, nhất là huyện đang đẩy mạnh chính sách thu hút doanh nghiệp, hộ cá thể, nhóm hộ đầu tư phát triển gia trại, trang trại quy mô lớn. Song, việc cải thiện đời sống cho người chăn nuôi nhỏ lẻ, chăn nuôi gia đình vẫn rất khó. Các mô hình khuyến nông hỗ trợ chăn nuôi cho nông hộ chưa nhiều do nguồn lực có hạn. Mỗi năm, trạm chỉ được phân bổ 200 - 250 triệu đồng, trong khi cơ chế, chính sách từ trung ương có nhiều song khó tiếp cận. Vì vậy, để có thể triển khai nhiều mô hình, giúp nông dân có sinh kế ổn định, cải thiện thu nhập, đời sống thì nguồn lực khuyến nông phải đủ mạnh…
Lai hóa, phát triển đàn bò thịt
Theo ông Nguyễn Văn Tươi, vật nuôi ưu tiên phát triển ở Đại Lộc là bò. Hơn 10 năm qua, huyện nỗ lực lai hóa đàn bò trên cơ sở tăng lượng máu ngoại lên 75%, cải thiện chất lượng đàn nái nền lai sind, lai Zêbu, lai Brahman… với hơn 10.000 con nái lai trong tổng số 17.600 con tổng đàn. Tuy nhiên, hạn chế là ngành chăn nuôi chỉ mới chú trọng vào phát triển đàn bò lai sinh sản, tạo con giống để cung ứng giống chứ chưa chú trọng phát triển đàn bò thịt, nhằm cung cấp thực phẩm ổn định cho thị trường, tăng sức cạnh tranh về sản phẩm bò thịt. Để phát triển đàn bò lai theo hướng lấy thịt, thời gian qua, Trạm Khuyến nông - khuyến lâm, Phòng NN-PTNT và các địa phương của Đại Lộc đã tổ chức các lớp tập huấn chăn nuôi như kỹ thuật nuôi bò vỗ béo, kỹ thuật trồng cỏ cải tạo nguồn thức ăn cho vật nuôi, bên cạnh lượng thức ăn tinh, phụ phẩm nông nghiệp.
Ước tính, với giá thịt bò thị khoảng 80.000 đồng/kg hơi, sau 3 tháng vỗ béo, mỗi con bò thịt có thể cho thu nhập tăng thêm 4 triệu đồng/con. Hiện tỷ lệ bò lai Brahman hóa trên nái nền lai Sind, từ nái nền Brahman ở huyện Đại Lộc đạt 75%. Gần một năm trở lại đây, sự xuất hiện của con lai 3B, con lai Brahman giống Mỹ là khâu đột phá về giống của ngành chăn nuôi. Đã có sản phẩm hàng trăm con lai 3B và Brahman giống Mỹ ở các xã Đại Thắng, Đại Cường. Hai năm nay, có 400 - 500 liều tinh tạo con lai 3B trên nền Brahman nái ngoại, con lai Brahman trên nền nái Sind, chưa kể hàng nghìn liều tinh được cung ứng trong việc lai tạo đàn bò. Huyện đã cấp kinh phí mua nitơ hỗ trợ bảo quản tinh bò, dịch vụ thú y, dịch vụ phòng trừ dịch bệnh được đẩy mạnh so với các năm.
Năm 2017, Đại Lộc chủ trương tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, đẩy mạnh lai tạo đàn bò, phát triển chăn nuôi bò hướng nạc và siêu thịt, nuôi bò vỗ béo tạo nguồn cung thực phẩm, nâng giá trị từ chăn nuôi. Theo ông Nguyễn Văn Sự - cán bộ Ban nông nghiệp xã Đại Thắng, lực lượng dẫn tinh viên và Ban nông nghiệp xã luôn chú trọng cập nhật thông tin, hình ảnh con bò lai, tuyên truyền rộng rãi trong nông dân, triển khai phối giống theo yêu cầu chăn nuôi của nông dân. Được biết, con lai 3B có ngoại hình cân đối, tỷ lệ thịt nhiều, con giống 1 năm tuổi có giá bán 20 - 25 triệu đồng, bò 3 năm tuổi có thể đạt trọng lượng hơn 1 tấn. Còn Brahman ngoại giống Mỹ có màu sắc đẹp, vóc dáng cao to, cân đối, tư thương rất chuộng và có giá bán rất cao. Công tác tiêm phòng vắc xin được triển khai định kỳ, dịch vụ thú y trọn gói được tăng cường. Đại Thắng đang triển khai cán bộ xuống từng thôn nắm lại số lượng đàn bò, định hướng chăn nuôi cho người dân theo vùng nhằm đạt được mục tiêu đề ra là lai hóa và phát triển đàn bò thịt ở địa phương.
HOÀNG LIÊN