Xây dựng thương hiệu giống mới

HOÀNG LIÊN 21/11/2016 09:06

Việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra các giống cây, con mới có chất lượng tốt, năng suất cao, giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống… là những mục tiêu mà Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam hướng tới.

Tạo giống cây - con mới

Việc đầu tư chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để sản xuất giống mới cho lĩnh vực nông - lâm - thủy sản là nhiệm vụ thường xuyên của Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam. Theo ông Nguyễn Đình Vương - Giám đốc Trung tâm, giai đoạn 2015-2016, trung tâm đã chú trọng nâng chất lượng đàn bò, đàn trâu của tỉnh bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, tăng tỷ lệ máu ngoại, phát triển các giống bò, trâu lai F1 tại nhiều địa phương trên địa bàn. Hiện tại, đàn bò lai BBB tại các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Hiệp Đức phát triển lên hơn 250 con, trọng lượng bò sơ sinh đạt 28-36kg/con. Qua theo dõi, đàn bò phát triển tốt, bò 6 tháng tuổi có trọng lượng đạt gần 200kg/con. Đàn trâu lai F1 của các huyện Phú Ninh, Thăng Bình và Hiệp Đức không ngừng tăng lên, đạt hơn 50 con, trọng lượng con lai 6 tháng tuổi đạt 110kg/con. Không chỉ phát triển đàn trâu ngoại, việc khảo nghiệm giống trâu nội bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo nhằm cải thiện chất lượng giống, tầm vóc, cải thiện sức kéo cũng được nhiều nơi triển khai với hàng trăm con trâu nái đã đến thời kỳ sinh sản. Mỗi năm, hàng trăm lượt nông dân được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm. Để nâng cao chất lượng đàn gia súc, hàng nghìn liều tinh trâu bò đông lạnh, 8.000 - 9.000 lít nitơ lỏng phục vụ bảo quản được cấp cho các địa phương mỗi năm.

Nuôi cấy mô cây ăn quả và dược liệu tại trung tâm. Ảnh: H.LIÊN
Nuôi cấy mô cây ăn quả và dược liệu tại trung tâm. Ảnh: H.LIÊN

Về giống cây trồng, không chỉ khảo nghiệm thành công các giống lúa ngon cơm, có năng suất cao, trung tâm còn khảo nghiệm hiệu quả các giống lúa chịu mặn, thích nghi với biến đổi khí hậu giúp nhân dân chủ động sản xuất. Năm 2016, mô hình khảo nghiệm bắp biến đổi gen đã triển khai tại huyện Phú Ninh, Duy Xuyên, bước đầu cho hiệu quả, tạo bộ giống mới, tăng sự đa dạng về khâu giống cho tỉnh. Ông Phan Hùng Vĩnh - Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam, kiêm Trại trưởng Trại phát triển công nghệ giống cây trồng Tam An chia sẻ, tiếp nối thành công từ việc ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô tế bào thực vật trên địa bàn tỉnh từ năm 2007, giai đoạn 2014-2015, nhiều mô hình sản xuất đại trà giống cây ăn quả, keo lai nuôi cấy mô, hoa chuông nuôi cấy mô… đã được triển khai rộng rãi. Thực hiện đề án trồng cây ba kích, cây sa nhân, đẳng sâm dưới tán rừng của tỉnh, trong năm 2015-2016, trung tâm đã chuyển giao 50.000 cây sâm ba kích cho 6 hộ tham gia chương trình thử nghiệm tại xã Jơ Ngây (huyện Đông Giang), Quế Bình (huyện Hiệp Đức), A Tiêng (huyện Tây Giang); tiến hành đưa ra vườn ươm cây giống sâm ba kích nuôi cấy mô để trồng khảo nghiệm xen canh dưới tán rừng... Đây là các chương trình nghiên cứu theo đơn đặt hàng của các địa phương để cấp miễn phí cho người dân, giúp đồng bào xóa đói giảm nghèo bền vững.

Tạo nguồn cung cây dược liệu

Theo ông Nguyễn Đình Vương - Giám đốc Trung tâm Giống nông lâm nghiệp, nguồn đầu tư để phát triển cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ quy mô sản xuất công nghiệp cây dược liệu theo hướng công nghiệp vẫn chưa xứng tầm, dù năm 2016, trung tâm được cấp 500 triệu đồng để cải thiện lại nhà nuôi cấy mô tại trung tâm và một vài hạng mục. Năm 2017 và những năm tiếp theo, cần thiết phải nâng cấp một số hạng mục, công trình như: nâng cấp, sửa chữa nhà nuôi cấy mô; chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực; hỗ trợ xây dựng nhà lưới huấn luyện cây giống nuôi cấy mô đủ tiêu chuẩn đưa đi trồng; hỗ trợ máy móc, thiết bị trực tiếp phục vụ nuôi cấy mô đáp ứng quy mô công nghiệp… Cùng với đó, cần có sự phối hợp đồng bộ của các đơn vị trong việc tháo gỡ khó khăn trong kinh phí đầu tư về công tác giống, về sự chậm trễ và nhỏ giọt trong giải ngân vốn đầu tư nghiên cứu, phát triển giống…

Việc ứng dụng công nghệ sinh học để nhân giống mới, giống cây dược liệu là nhiệm vụ cấp thiết đặt ra hiện nay. Để giải quyết bài toán về giống cây dược liệu phục vụ Cơ chế khuyến khích phát triển cây dược liệu của tỉnh nhà và giúp người dân giảm nghèo, Trung tâm Giống nông lâm nghiệp đã chủ động tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tiến hành sản xuất các giống cây dược liệu đẳng sâm, ba kích, sa nhân tím với 100.000 cây giống cung ứng cho một số địa phương như Đông Giang, Tây Giang trồng thí điểm, bên cạnh mô hình di thực cây dược liệu tại Đông Giang, Hiệp Đức. Ông Phan Hùng Vĩnh cho hay, không chỉ sản xuất giống cây dược liệu nuôi cấy mô từ công nghệ cao, trung tâm còn chủ động xây dựng vườn ươm, đưa giống mô ra khảo nghiệm ngoài thực tế. Cụ thể, mô hình trồng cây ba kích nuôi cấy mô tại xã A Tiêng (Tây Giang), mô hình trồng cây sa nhân tại Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phú Ninh đến nay phát triển tốt, dự kiến 2 năm nữa sẽ lấy mẫu phân tích, kiểm định, đánh giá thành phần, hoạt chất để có hướng khuyến cáo lâu dài. “Việc nuôi cấy mô cây dược liệu, phía Bắc đã làm khá thành công rồi, chỉ bằng giải pháp này thì mới tạo nguồn cung lớn về giống được. Trung tâm sẽ đầu tư tiếp cận quy trình chuẩn, nghiên cứu sâu, cố gắng làm đúng quy trình” - ông Vĩnh nói. Giai đoạn 2016-2017, trong khuôn khổ dự án nông thôn miền núi của tỉnh, các đối tượng cây đẳng sâm, ba kích, sa nhân tím được nhân giống hàng loạt, đảm bảo đủ cung cấp để người dân trồng với số lượng lớn, lên tới cả triệu cây giống và quy mô sẽ tăng vào những năm tiếp theo.

HOÀNG LIÊN

HOÀNG LIÊN