Trồng sen trên đất lúa

HOÀNG LIÊN  - NHẬT DUY 31/10/2016 08:20

Gần đây, một số nông dân Đại Lộc đã đầu tư trồng giống sen lấy hạt trên những vùng trũng thấp bỏ hoang, vùng trồng lúa kém sản lượng. Hiệu quả từ những mô hình này mở ra triển vọng về phát triển đối tượng cây trồng mới trên địa bàn.

Điều kiện thuận lợi

Sau những vụ lúa thất bát do đất sản xuất nằm trong vùng trũng thấp, ứ đọng nước, năm 2015, vợ chồng anh Võ Đức (thôn Hóa Phú, xã Đại An) đã mày mò, học hỏi kỹ thuật trồng, cải tạo ao, đắp bờ thửa để trồng giống sen đỏ bản địa. Vợ chồng anh Đức còn vận động một vài người thân trong gia đình cùng phá bỏ bờ thửa, hình thành một vùng trồng lên tới 2ha. Anh Đức cho biết, trồng sen trên đất trũng thấp cho giá trị kinh tế cao gấp 5 - 10 lần so với lúa. Sen dễ trồng, chỉ cần xuống giống lứa đầu thì có thể ăn cả chục lứa sau đó. “Cái hay là cây mẹ tàn rụi thì chỉ cần sục bùn, làm cỏ, đưa nước vào ao là cây con tiếp tục sinh sôi, nảy nở và hồ sen lại xanh như ban đầu. Lứa này kế tiếp lứa kia chứ sen không chỉ nở vào mùa hạ như người ta nói. Giống thì không phải mua ở đâu cả vì ngày trước cụ tôi có một ao sen nhỏ, chủ yếu làm kiểng. Nay chỉ cần lấy giống đó nhân ra thôi” - chị Lê Thị Minh Sáng (vợ anh Võ Đức) tâm sự.

Anh Võ Đức bên vùng trồng sen rộng lớn của gia đình. Ảnh: Hoàng Liên
Anh Võ Đức bên vùng trồng sen rộng lớn của gia đình. Ảnh: Hoàng Liên

Sen bản địa có đặc tính sinh trưởng mạnh. Sen mọc tràn ra cả bờ thửa. Trong khi các giống sen khác chỉ vài ba lứa cho năng suất cao là cỗi gốc, phải phá bỏ trồng lại thì giống sen đỏ bản địa này phải trải qua cả chục lứa mới tới thời kỳ phá bỏ. Cây con chỉ sau 3 tháng là có thể thu hoạch gương sen, nhu cầu thị trường về hạt sen non rất lớn nên thu hoạch xong, gọi điện là thương lái tới tận nơi thu mua. Trên cánh đồng sen, có thể thả cá nước ngọt để cải thiện kinh tế, bữa ăn gia đình. Đứng trước cánh đồng sen chỉ còn non một tuần nữa là đến kỳ thu hoạch, anh Đức chia sẻ: “Mỗi năm thu hoạch hàng chục lứa. Chỉ với 2ha trồng sen, 5 hộ dân chúng tôi thu về 150 triệu đồng. Giá hạt sen non trên thị trường dao động từ 20 - 40.000 đồng/kg, chúng tôi không phải lo lắng về đầu ra”.

Hợp tác trồng sen

Hiện Tổ hợp tác trồng sen xã Đại An có 5 thành viên trồng trên diện tích 2ha và Tổ hợp tác trồng sen xã Đại Phong có 3 thành viên với tổng diện tích 1,5ha. Các thành viên tổ hợp tác vừa kết hợp trồng sen, vừa thả cá nước ngọt với các loại chép, mè, giếc, rô phi giúp tăng thêm nguồn thu mỗi năm vài chục triệu đồng. “Nơi đây có nhiều diện tích mặt nước, ao hồ bỏ hoang, sâu bệnh sinh sôi nhiều, phá hoại mùa màng, lại rất lãng phí đất lẫn diện tích mặt nước. Từ sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã, chúng tôi được giao khoán diện tích trên và mua giống, học hỏi kinh nghiệm trồng sen kết hợp thả cá. Sen dễ trồng, ít tốn công chăm sóc, tỷ lệ hao hụt thấp, chỉ mất chi phí cho lần xuống giống sen đầu tiên. Tuy nhiên, để sen phát triển tốt thì cần phải canh mực nước ao ổn định. Tùy giai đoạn phát triển mà điều chỉnh mực nước phù hợp” - ông Võ Thanh Tuấn (thôn Mỹ Đông, xã Đại Phong) tâm sự. Cũng theo ông Tuấn, với 1,5ha trồng sen, các hộ đầu tư giống, phân bón với chi phí chừng 10 triệu đồng. Mỗi vụ, các thành viên trong tổ thu hoạch 3 tấn sen tươi, thu về 120 triệu đồng, chưa kể mỗi lứa cá nước ngọt cũng giúp họ có thêm hàng chục triệu đồng. Ông Nguyễn Thanh Tuyến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đại Phong cho biết: “Bước đầu, mô hình trồng sen lấy hạt kết hợp với nuôi cá đã cho hiệu quả, chúng tôi khuyến khích hội viên nông dân trong xã học hỏi, trồng để phát triển kinh tế. Đồng thời khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất đai ở địa phương”.

Để làm giàu từ sen

Sự ra đời của các tổ hợp tác trồng sen xã Đại An, Đại Phong và Đại Đồng nói trên là hướng đi mới trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Đại Lộc, song diện tích trồng sen còn manh mún nên giá trị đem lại chưa nhiều và chưa thể tạo vùng sản xuất hàng hóa. Để có thể làm giàu từ sen, nông dân cần phải cải tạo một vùng diện tích rộng lớn thành ao hồ, xây bờ đê bao để giữ nước và kết hợp thả cá để tăng thu nhập. Theo những người có thâm niên, có nhiều giống sen khác nhau song có thể chọn giống sen lấy hạt với đặc điểm lá to, dày, thân cứng, đài và gương sen rất to, hoa màu hồng sậm (đỏ) và một loại sen chủ yếu lấy ngó, lấy củ có thân mềm, lá mỏng, nhỏ, đài và gương sen nhỏ hơn. Các nhà khoa học nhận định, cây sen là loài cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, trong lũ cây sen vẫn dễ dàng thích nghi, sống sót. Cây phù hợp trồng ở vùng trũng thấp, ao tù nên có thể cải tạo nhiều diện tích đất dạng này để phát triển kinh tế, giúp nông dân làm giàu. So với lúa, cây ít sâu bệnh hơn nên không phải cần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tạo môi trường trong lành…

Trong khi biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng thì có thể thấy, mô hình trồng sen trên vùng trũng thấp, vùng đất lúa kém hiệu quả là hướng đi đầy triển vọng. Tuy nhiên, các tổ hợp tác vẫn mới chỉ dừng lại ở việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng chứ chưa có sự thâm canh, đầu tư cao để tăng giá trị sản xuất, làm giàu từ cây trồng này. Sản phẩm chủ yếu là hạt sen bán tươi cho thị trường chứ chưa thể khai thác tận thu, tận dụng hết giá trị từ cây sen. Ngành nông nghiệp cũng cần có những nghiên cứu về chính sách hỗ trợ vùng trồng, giúp nông dân làm giàu trên những vùng trũng thấp, đất lúa kém hiệu quả. Cần thiết chuyển giao kỹ thuật trồng đến nông dân cũng như kỹ thuật sơ chế, bảo quản sản phẩm, việc tạo các chủng loại thực phẩm từ sen. Cùng với mở rộng vùng trồng là việc xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ, để không phải phụ thuộc hoàn toàn vào tư thương như hiện nay…

HOÀNG LIÊN  - NHẬT DUY

HOÀNG LIÊN  - NHẬT DUY