Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp & kinh doanh tổng hợp Đại Hiệp: Năng động trong cơ chế mới
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp & kinh doanh tổng hợp (DVNN&KDTH) Đại Hiệp (Đại Lộc) vẫn giữ lửa truyền thống, năng động trong cơ chế thị trường, phát huy vai trò “bà đỡ” của nông dân.
Bước chuyển mình
Ra đời từ năm 1978, có tiền thân là HTX Nông nghiệp 1 và HTX Nông nghiệp 2 Đại Hiệp trên cơ sở hợp nhất; năm 1997, thực hiện Luật HTX 1996, HTX DVNN&KDTH Đại Hiệp được tái lập, tạo bước chuyển mình với mô hình mới về kinh tế hợp tác. “Nút thắt” của thời bao cấp đã được mở, xã viên là chủ sở hữu ruộng đất, họ tự giác thâm canh trên đồng ruộng, làn gió mới của khoán 10 đã mang lại sự đổi thay lớn trên đất Đại Hiệp. Ông Phạm Lương - Trưởng phòng Nội vụ huyện Đại Lộc, là một trong những chủ nhiệm “dám nghĩ dám làm” của HTX giai đoạn 1995 - 2004 nhớ lại, trong bối cảnh chung, có thể nói, Đề án 01 trên tinh thần Nghị quyết 06 của Huyện ủy Đại Lộc thời bấy giờ đã tạo thuận lợi cho loại hình kinh tế hợp tác của huyện.
HTX thời kỳ này đảm trách các dịch vụ từ làm đất cho tới thủy lợi, bảo vệ mùa màng và thu phí dịch vụ từ nông hộ. Xã viên được cấp thẻ cổ phần, được hưởng lợi tức khi HTX làm ăn có lãi, được hưởng quyền lợi khi gắn bó với HTX, tuy chỉ là sơ khai. “Với phí bảo vệ đồng ruộng, mỗi nông dân chỉ phải trả 2 cân thóc/sào, nguồn này dùng chi trả cho người trực tiếp tham gia bảo vệ mùa màng. Phí thủy lợi là 18 cân/sào, song thực tế thì phải là 36 cân/sào, số còn lại HTX phải bù lỗ. Việc nhận thóc của HTX về dịch vụ giúp nông dân tiêu thụ bớt sản phẩm làm ra, không bị ép giá. Còn HTX trả tiền công cho nông dân bằng thóc hoặc tiền. Song chủ yếu hỗ trợ nông dân là chính, bởi thu không đủ bù chi, nhưng phải làm để giúp họ cải thiện đời sống, nông dân đã quá khổ rồi” - ông Phạm Lương nhớ lại.
Nhà máy gạch tuynel là thế mạnh của HTX DVNN&KDTH Đại Hiệp. Ảnh: H.Liên |
Trên vùng đất cát bồi ven sông Yên, những vườn chuyên canh cây chuối xuất khẩu đã mọc lên. Rồi trên những vùng trồng lúa thiếu nước, khó khăn lắm HTX mới vận động nông dân mạnh dạn chuyển đổi trồng cây màu. Đại Hiệp là đơn vị tiên phong trong việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, xóa đi hình ảnh con trâu đi trước, cái cày theo sau trên những cánh đồng. Ban chủ nhiệm HTX dám đứng ra vay vốn để mua máy cày, giao lại cho xã viên làm dịch vụ và khấu trừ vốn qua nhiều mùa vụ, không tính lãi. Rồi máy gặt đập liên hợp cũng về trên cánh đồng Đại Hiệp, xóa đi nỗi khổ của nhà nông. Từ 1 chiếc, 3 chiếc rồi cả chục chiếc máy cày, máy gặt đập liên hợp làm dịch vụ để nông dân rảnh tay mà tham gia lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. “Nếu HTX Đại Hiệp là HTX kiểu mới thì nông dân Đại Hiệp cũng là nông dân kiểu mới, luôn đi trước so với nhiều địa phương khác” - ông Phạm Lương tự hào.
Thời bấy giờ, ngoài dịch vụ nông nghiệp, HTX còn đảm nhận dịch vụ công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp và lấy đây là thế mạnh để tồn tại. HTX được giao quản lý điện nông thôn, quản lý các đội thầu xây dựng cơ bản (kênh mương thủy lợi, nhà cửa, đường bê tông giao thông nông thôn…). Đặc biệt là vận hành nhà máy gạch tuynel thủ công (55% vốn HTX, 45% cổ đông), sau này là bán tuynel. Những năm 1990, Đại Hiệp đã có những tuyến đường chính được chiếu sáng, bộ mặt nông thôn được cải thiện, điều mà không nhiều địa phương có được. Còn nhớ, HTX DVNN&KDTH Đại Hiệp cùng với HTX Duy Sơn 2 là hai đơn vị điển hình của tỉnh tham gia hội nghị trung ương. Nói như ông Nguyễn Hữu Mai, nguyên lãnh đạo của huyện Đại Lộc một thời thì danh hiệu Anh hùng trong đổi mới mà Đại Hiệp vinh dự đón nhận, có công lao to lớn của HTX…
Đa dịch vụ
Kế thừa và phát huy truyền thống, HTX DVNN&KDTH Đại Hiệp hôm nay vẫn giữ vững vai trò, vị trí điều hành, quản lý của HTX về kinh tế hợp tác, gắn kết với nông hộ. Luật HTX năm 2012 ra đời, một lần nữa, cơ chế thị trường tiếp tục biến động không ngừng, trong bối cảnh hàng loạt HTX đứng trên bờ vực giải thể và phải đóng cửa thì HTX Đại Hiệp vẫn trụ vững, phát triển. Ông Phạm Thành Sự - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX chia sẻ, luật mới, cơ chế quản lý, chức danh cũng thay đổi, bộ máy quản lý cũng sẽ được hình thành lại, việc xác định thành viên đích thực cũng sát sao hơn. Nếu trước đây có 3 thành viên góp vốn trong một hộ thì nay chỉ còn 1 thành viên là người trẻ tuổi đứng tên, lợi tức được chia theo mức độ sử dụng dịch vụ (60%) và vốn góp (40%).
HTX chú trọng nâng chất lượng dịch vụ trong sản xuất nông nghiệp cả đầu vào lẫn đầu ra. Tất cả dịch vụ từ cơ giới hóa, làm đất, thủy lợi, cung ứng phân bón trả chậm, thuốc bảo vệ thực vật, phòng trừ dịch hại cho tới khâu thu hoạch đều được HTX đứng ra bao cân hết. Trong tổng số 500ha đất lúa của xã, HTX đảm nhận dịch vụ đối với 350ha sản xuất lúa thương phẩm, 150ha sản xuất lúa giống cấp 1 theo hướng liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Tư liệu sản xuất được đầu tư mạnh với 12 máy gặt đập liên hợp, 32 máy cày, HTX đảm nhận dịch vụ cơ giới hóa làm đất, thu hoạch trọn gói hơn 800ha đất. Xã viên còn tham gia sản xuất 100ha trồng cây ăn quả và 50ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản…
Việc kinh doanh lưới điện nông thôn từ năm 1999 vẫn được HTX duy trì đến nay nhờ làm tốt khâu điều hành, quản lý. Mảng dịch vụ chính của HTX là nhà máy gạch tuynel hiện có công suất 10 - 15 triệu viên/năm. Nhờ chuyển đổi công nghệ, đầu tư dây chuyền nung có giá trị 12 tỷ đồng, nhà máy đã đáp ứng yêu cầu thị trường, sản xuất hiệu quả và thu lãi ngày càng cao (năm 2015 hơn 1 tỷ đồng), giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương. Cùng với đó, doanh thu từ lĩnh vực dịch vụ kinh doanh xây dựng mỗi năm 1,5 - 2 tỷ đồng cũng giúp giải quyết công ăn việc làm cho 30 lao động. HTX hiện có 1.950 thành viên, vốn điều lệ hơn 1,5 tỷ đồng. Tổng vốn hiện có của HTX là 12 tỷ đồng (7,5 tỷ đồng vốn cố định, 4,5 tỷ đồng vốn lưu động). HTX duy trì bộ máy quản lý gồm 17 người, luôn hoàn thành các nghĩa vụ về thuế đối với Nhà nước, bảo hiểm xã hội…
HOÀNG LIÊN