Hợp tác xã Bình Đào: Đa dạng các loại hình dịch vụ
Các loại hình dịch vụ được Hợp tác xã Nông nghiệp Bình Đào (HTX Bình Đào) triển khai rất đa dạng, hiệu quả trong thời gian qua đã tạo động lực, giúp người dân ổn định đời sống, diện mạo của địa phương khởi sắc.
Đồng hành với nông dân
Bà Nguyễn Thị Hảo thôn Trà Đóa 1 (xã Bình Đào, Thăng Bình) quệt những giọt mồ hôi lấm tấm, ngưng thu hoạch lúa trên cánh đồng Cồn Mùn, cởi mở: “Vụ hè thu này gia đình tôi thu được xấp xỉ 35 tạ lúa canh tác trên 0,5ha đất. Năng suất tăng hơn 10 tạ/ha so với các vụ sản xuất trước. Chừ trồng lúa đỡ vất vả mà lại có hiệu quả hơn nhiều”. Bà Hảo so sánh, chỉ mới đây chưa lâu còn phải dùng thủ công để canh tác lúa thì nay cơ giới hóa đồng ruộng đã được áp dụng rộng rãi. Trước khi vụ đông xuân hồi đầu năm bắt đầu, bà còn phải dùng tay để cấy lúa thì nay được sử dụng máy cày làm đất, chăm sóc mạ khay, cấy lúa bằng máy và thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp do HTX Bình Đào cung cấp. “Đã là vụ thứ 2 chúng tôi được sử dụng các dịch vụ, sản xuất dễ dàng mà giá cả lại thấp hơn thị trường đến 10%. Nông dân lợi đủ đường từ khi tham gia tích tụ ruộng đất để sản xuất lúa tập trung bằng cơ giới hóa” - bà Hảo cho biết.
HTX Bình Đào thi công kênh mương và giao thông nội đồng. Ảnh: N.Q.V |
Tại các cánh đồng Mã Phiền, Bồ Bồ cách đó không xa, nông dân các thôn Trà Đóa 1 và Trà Đóa 2 cũng khấp khởi vui mừng thu hoạch lúa hè thu. Hiệu quả đã rõ rệt hơn trước, năng suất đạt 65 tạ/ha, cao hơn vụ đầu năm 5 tạ/ha, cao hơn cùng vụ năm trước là 13 tạ/ha. Ông Lê Văn Hậu ở thôn Trà Đóa 2 chia sẻ, hồi đầu năm nghe nói sản xuất lúa trên cánh đồng tập trung có diện tích 10ha do HTX Bình Đào tổ chức, nông dân bỡ ngỡ. Vậy mà mới đó đã được 2 vụ sản xuất. Người nông dân đã làm quen với cách trồng lúa hàng hóa, đáp ứng yêu cầu khắt khe theo hợp đồng với Công ty Giống cây trồng miền Nam.
Cánh đồng Đồng Tràm (thôn Vân Tiên, xã Bình Đào) đã thất thu trồng lúa từ nhiều năm nay do thiếu nước sản xuất. HTX Bình Đào đã đỡ đầu người dân ở đây chủ động trồng đậu phụng bằng hình thức tập trung ruộng đất, triển khai trong vụ hè thu vừa qua với tổng cộng 10ha. Vụ mùa bội thu và đầu ra ổn định đã khiến nông dân phấn khởi. Ông Võ Văn Hai, nông dân ở thôn Vân Tiên cho biết, do triển khai lần đầu tiên nên cũng gặp lúng túng ban đầu, vậy nhưng thu hoạch lại rất đạt. Với 0,5ha đất canh tác, ông Hai thu được 17 tạ đậu, bán được hơn 50 triệu đồng. Trong khi trồng lúa trước đó chỉ thu được 26 tạ lúa, bán được 17 triệu đồng. Ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT HTX Bình Đào nói: “Chúng tôi thu mua đậu phụng của người nông dân rồi về chế biến thành dầu ăn. Cứ bình quân 3,6kg đậu chế biến được 1 lít dầu, 1ha trồng đậu sẽ thu được 944 lít dầu. Với cách làm đó, 1ha trồng đậu có thể thu nhập hơn 100 triệu đồng, rất cao so với trồng lúa bấp bênh trước đây”.
Sạch đẹp làng quê
Giao thông nội đồng kết nối với các tuyến đường bê tông liên thôn, liên xã trên địa bàn xã Bình Đào trông bắt mắt, gọn gàng, sạch sẽ. Có được điều đó cũng nhờ HTX Bình Đào triển khai dịch vụ thu gom rác thải. Ở 4 thôn trên địa bàn là Trà Đóa 1, Trà Đóa 2, Vân Tiên và Phước Long có 8 lao động thực hiện thu gom rác thải mỗi ngày rồi tập kết, bố trí để xe thu gom rác thải của Công ty TNHH MTV Môi trường - đô thị Quảng Nam đến chở rác về xử lý. Tham gia dịch vụ này, mỗi hộ có 2 nhân khẩu chỉ phải trả 77 nghìn đồng/năm, còn hộ dân có 3 khẩu trở lên trả 138 nghìn đồng/năm, rất rẻ so với giá quy định của UBND tỉnh là 15 nghìn đồng/tháng.
HTX Bình Đào được thành lập ngày 18.4.2006 và chính thức chuyển đổi theo luật mới vào ngày 11.4.2014. Đến nay, HTX Bình Đào triển khai 9 loại hình dịch vụ là thủy lợi; nước sinh hoạt; xây dựng dân dụng; giống cây trồng; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; thu gom rác thải; chế biến nông sản; tích tụ, tập trung ruộng đất; cơ giới hóa sản xuất. Năm 2015, doanh thu đạt 4,2 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 140 triệu đồng. HTX có HĐQT với 3 thành viên, trong đó, Chủ tịch kiêm giám đốc; 1 kiểm soát viên; 1 thủ quỹ; 1 kế toán; 1 thủ kho; 15 thành viên và 53 lao động. |
Ngoài dịch vụ thu gom rác, HTX Bình Đào còn cung ứng nước sạch và điện cho người dân. Cứ định kỳ, HTX cử người đến nhà người dân ghi chữ điện và thu tiền. Hễ có phát sinh trục trặc gì trong dùng điện được người dân phản ánh thì nhân viên sẽ mau chóng khắc phục. Còn về dịch vụ nước sạch, HTX đã bố trí 2 công trình nước sạch, 1 cụm phục vụ cho sinh hoạt của người dân 2 thôn Trà Đóa 1 và Trà Đóa 2, cụm còn lại cung ứng cho người dân 2 thôn Vân Tiên, Phước Long và 48 hộ dân thuộc xã Bình Triều nơi tiếp giáp. Người dân cho biết chất lượng dịch vụ đảm bảo mà giá cả lại rất phải chăng, với mỗi khối nước sử dụng, người dân chỉ phải trả 4 nghìn đồng, thấp hơn gần 3 nghìn so với các địa phương khác. “Thực hiện nhiều dịch vụ thì có dịch vụ thu lợi nhiều, có dịch vụ thu lợi ít và cũng có dịch vụ phải bù lỗ. Chúng tôi có cách làm để dung hòa hoạt động. Mục đích tồn tại của HTX Bình Đào là gì nếu không phải là phục vụ cho người dân, nâng cao dần chất lượng cuộc sống của họ” - ông Sanh nói.
Ông Sanh thổ lộ, khi bắt tay vào triển khai bất kỳ hoạt động nào, cũng phải công khai, thuyết phục người dân, họ được lợi gì và trách nhiệm của họ khi tham gia. “Trong 8 năm từ khi được thành lập cho đến lúc chuyển đổi mô hình hoạt động theo Luật HTX 2012 ở năm 2014, chúng tôi luôn xây dựng các phương án, đề án sản xuất kinh doanh, kế hoạch chuyển đổi, công khai tài chính, trò chuyện trực tiếp để bà con hiểu mà đồng hành. Các thành viên trong HTX lao động cho mình, tự mình kinh doanh, tự làm hiệu quả cho chính mình. Từ thực tế đó, họ thấy hiệu quả nên trách nhiệm cá nhân rất cao chứ không như trước đây làm hết ngày là về. Cái khác nữa là các thành viên góp vốn để sắm sửa máy móc nên bảo quản tốt hơn, thực hiện dịch vụ đảm bảo hơn” - ông Sanh nói.
NGUYỄN QUANG VIỆT