Được mùa trong gian khó

NGUYỄN SỰ 16/09/2016 08:32

Đến nay, nông dân cả tỉnh cơ bản thu hoạch xong lúa hè thu 2016, với năng suất đạt khá cao, trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do nắng hạn và xâm nhập mặn kéo dài.

Nỗ lực từ nhiều phía

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết,  ngay từ cuối tháng 4.2016 ngành nông nghiệp tỉnh đã yêu cầu những đơn vị trực thuộc phối hợp với chính quyền 18 huyện, thị xã, thành phố tích cực vận động nhà nông thường xuyên ra quân tiêu diệt chuột, vệ sinh đồng ruộng và khẩn trương cày phơi ải đất nhằm cắt đứt cầu nối sâu bệnh chuyển vụ. Bên cạnh đó, mở hàng trăm khóa tập huấn hướng dẫn quy trình canh tác mới cho hàng chục nghìn lượt nông dân, chủ yếu là ứng dụng gói kỹ thuật IPM kết hợp với sử dụng công cụ sạ hàng. Trước diễn biến hết sức phức tạp của thời tiết, cơ quan chuyên môn đã nghiên cứu thiết lập khung thời vụ hợp lý nhằm hạn chế những rủi ro do thiên tai gây ra. Đặc biệt, trong tổng số 43.000ha đất lúa vụ hè thu, Sở NN&PTNT đề nghị các địa phương phải bố trí ít nhất 80% diện tích gieo sạ bằng những loại giống lúa trung - ngắn ngày có khả năng chịu hạn tốt và cho năng suất cao. Theo ông Muộn, ngoài những phần việc trên, từ giữa tháng 5 đến đầu tháng 9 dương lịch, các cấp, ngành đã nỗ lực rất lớn trong công tác chống hạn nhằm đảm bảo cung ứng nguồn nước tưới cho cây lúa.

Ngay từ đầu vụ, cả trăm máy bơm dã chiến đã được lắp đặt để chống hạn cho nhiều cánh đồng lúa. Ảnh: VĂN SỰ
Ngay từ đầu vụ, cả trăm máy bơm dã chiến đã được lắp đặt để chống hạn cho nhiều cánh đồng lúa. Ảnh: VĂN SỰ

Ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, hè thu này nông dân trên địa bàn 14 xã, thị trấn của huyện gieo sạ 3.800ha lúa. Từ cuối tháng 1 đến giữa tháng 5.2016 nắng nóng kéo dài trên diện rộng nên ngay thời điểm đầu vụ mực nước của nhiều hồ chứa lớn như Vĩnh Trinh, Thạch Bàn, Phú Lộc, Khe Cát và hàng loạt đập dâng bị tụt giảm mạnh khiến 1.800ha lúa vừa xuống giống ở các xã Duy Phước, Duy Vinh, Duy Sơn, thị trấn Nam Phước… đối diện với nguy cơ khô hạn nghiêm trọng. Ông Năm nói: “Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh và ngân sách địa phương, Duy Xuyên đã đầu tư 1,9 tỷ đồng để triển khai nhiều biện pháp chống hạn. Theo đó, ngoài việc tiến hành nạo vét hàng chục tuyến kênh mương chính và nội đồng với tổng chiều dài 5km, huyện cũng khẩn trương lắp đặt 20 máy bơm dã chiến tại những vùng thuộc diện báo động đỏ để tận dụng mọi nguồn nước ngọt từ các ao hồ, sông suối giải cứu cho cây lúa”.

Nhờ có máy gặt đập liên hợp nên tiến độ thu hoạch diễn ra rất nhanh.
Nhờ có máy gặt đập liên hợp nên tiến độ thu hoạch diễn ra rất nhanh.

Trong khi đó, ông Lê Hữu Châu - Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn cho hay, để chống hạn cho gần 500ha lúa hè thu bị thiếu nước tưới trầm trọng, thời gian qua huyện đã chi không dưới 1 tỷ đồng lắp đặt 6 máy bơm dã chiến, nạo vét bể hút của 4 trạm bơm điện, khơi thông dòng chảy 12km kênh mương ở các xã Phú Thọ, Quế Thuận, Quế Châu, Quế Hiệp, Quế Phong, Quế Minh, Quế An… Tại Điện Bàn, ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho hay, nhằm đảm bảo cung ứng nước tưới cho xấp xỉ 5.700ha lúa, cùng với việc đầu tư 1,5 tỷ đồng đắp đập bổi ngăn mặn giữ ngọt trên hệ thống sông Vĩnh Điện, ngay từ đầu vụ hè thu này chính quyền thị xã đã quyết định chi gần 600 triệu đồng để khơi thông dòng chảy tuyến lạch dẫn nước vào trạm bơm Đông Lãnh và Nam Hà của xã Điện Trung. Đồng thời huy động tối đa nhân lực, phương tiện nạo vét đoạn đầu sông La Thọ thuộc xã Điện Thọ với tổng chiều dài 1.000m. Còn ông Huỳnh Đức Viên - Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho biết, từ nhiều nguồn vốn huy động, trong vòng 3 tháng nay huyện đã chi không dưới 900 triệu đồng lắp đặt gần 30 máy bơm dã chiến và tập trung gia cố hệ thống hồ đập, nạo vét hàng chục tuyến kênh mương trọng yếu để chống hạn cho hơn 400ha lúa bị thiếu hụt nước tưới nghiêm trọng ở 12 xã, thị trấn…

Không chỉ chính quyền các địa phương vào cuộc quyết liệt, từ đầu đến gần cuối vụ hè thu 2016, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cũng tích cực thực hiện đồng bộ nhiều phương án nhằm chủ động phục vụ nước tưới cho 25.000ha lúa do đơn vị này đảm nhận cung ứng. Ông Nguyễn Đình Hải - Phó Giám đốc công ty cho biết, trước tình trạng 2.200ha lúa thuộc các khu tưới của đơn vị đứng trước nguy cơ bị khô hạn nặng, công ty đã đầu tư 3,8 tỷ đồng để đắp tuyến đập bổi ngăn mặn tại khu vực Cầu Đen (thị trấn Nam Phước, Duy Xuyên) và tiến hành nạo vét bể hút của 4 trạm bơm điện nằm trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn gồm Cẩm Văn, Đông Quang, La Thọ, Thái Sơn. Đặc biệt, ngay từ đầu vụ đơn vị đã triển khai lắp đặt 4 trạm bơm điện và 3 trạm bơm dầu dã chiến tại những vùng cuối kênh của hồ chứa nước Việt An, Đông Tiển, Cây Thông...

Mùa vàng bội thu          

Ông Bùi Văn Bảy ở khu 5, thị trấn Ái Nghĩa (Đại Lộc) cho biết, hè thu năm nay gia đình ông sản xuất 3 sào ruộng bằng loại giống lúa thuần chất lượng cao Đài Thơm 8. Theo ông Bảy, nhờ nước tưới không thiếu hụt, lại được ngành chuyên môn hướng dẫn bài bản quy trình canh tác, phòng trừ dịch bệnh nên từ đầu đến cuối vụ số diện tích lúa vừa nêu sinh trưởng và phát triển rất tốt. “Qua theo dõi tôi thấy giống lúa mới Đài Thơm 8 này đẻ nhánh khỏe, trổ đòng tập trung, kiểu cây thấp nên không đổ ngã. Đặc biệt, ruộng lúa rất ít bị nhiễm các loại sâu bệnh nguy hiểm như sâu đục thân, sâu cuốn lá, rầy nâu, bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá... Nhờ bông to, dài và tỷ lệ hạt lép trên bông thấp nên năng suất bình quân 1 sào đạt 350kg lúa khô, tăng 50 - 70kg so với gieo sạ giống lúa thuần HT1 trong vụ hè thu năm ngoái” - ông Bảy hồ hởi nói. Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam, ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho hay, vụ hè thu 2016 nông dân trên địa bàn huyện sản xuất 4.373ha lúa. Thời gian qua, nhờ ngành nông nghiệp cùng chính quyền các địa phương tích cực hỗ trợ nông dân đưa nhiều loại giống lúa mới có chất lượng vào gieo sạ đại trà, đặc biệt là thực hiện hiệu quả những biện pháp chống hạn và quản lý tốt dịch hại tổng hợp trên đồng ruộng nên hầu hết 18 xã, thị trấn trên địa bàn đều được mùa. Ông Mẫn nói: “Theo thống kê, mùa lúa này năng suất bình quân toàn huyện đạt 63 tạ/ha, tăng 3 - 4 tạ/ha so với hè thu 2015 và tăng 6 - 7 tạ/ha so với vụ đông xuân 2015 - 2016 vừa rồi”.

Có mặt trên nhiều đồng lúa của Duy Xuyên trong những ngày gần đây, chúng tôi thấy nhà nông cũng hết sức phấn khởi vì lúa trúng mùa. Theo ông Văn Bá Năm - Trưởng phòng NN&PTNT huyện, tính đến sáng qua 15.9 nông dân địa phương đã cơ bản thu hoạch xong 3.800ha lúa. Qua đánh giá thực tế ở nhiều nơi, vụ này năng suất lúa bình quân toàn huyện đạt 61 tạ/ha, tăng 3 tạ/ha so với hè thu năm ngoái. Trong khi đó, ông Lê Hữu Châu - Phó phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, trong tổng số 3.000ha lúa trên địa bàn huyện, tính đến thời điểm này đã thu hoạch được 98% diện tích. “Đối với Quế Sơn, đây là mùa lúa rất thắng lợi. Theo thống kê tại 14 xã, thị trấn, hè thu năm nay năng suất lúa bình quân của huyện đạt 57,1 tạ/ha, tăng 8 tạ/ha so với kế hoạch đề ra và tăng 17,4 tạ/ha so với vụ đông xuân trước” - ông Châu chia sẻ.

Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay, cũng như các địa phương Đại Lộc, Duy Xuyên, Quế Sơn, ở nhiều nơi khác trong tỉnh nông dân cũng rất vui vì lúa hè thu trúng lớn. Ông Muộn nói: “Hiện nay nông dân toàn tỉnh đã cơ bản thu hoạch xong 43.000ha lúa. Qua số liệu cập nhật từ 18 huyện, thị xã, thành phố, vụ này năng suất bình quân toàn tỉnh đạt hơn 58 tạ/ha, tăng ít nhất 3 tạ/ha so với cùng vụ sản xuất năm trước. Có thể khẳng định, mặc dù phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, nhất là tình trạng khô hạn và nhiễm mặn xảy ra trên diện rộng nhưng nhờ sự nỗ lực từ nhiều phía, vụ lúa này Quảng Nam được mùa toàn diện”.

NGUYỄN SỰ

NGUYỄN SỰ